Quốc hội thảo luận việc sửa đổi các luật liên quan đến đầu tư

Quốc hội thảo luận việc sửa đổi các luật liên quan đến đầu tư
3 giờ trướcBài gốc
Quốc hội trong phiên làm việc chiều 6/11. Ảnh: CTTĐT Quốc hội
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 6/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Hai dự án Luật trên đã được các đại biểu thảo luận tại tổ ngay sau khi Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.
Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) gồm 7 Chương, 109 Điều (sửa đổi 44 điều, trong đó có 16 điều chỉ sửa đổi, bổ sung từ ngữ nhằm quy định rõ, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai, không làm thay đổi nội hàm chính sách so với Luật Đầu tư công năm 2019; bổ sung 15 điều; bãi bỏ 7 điều), với các nội dung chủ yếu để cụ thể hóa 5 nhóm chính sách lớn.
Trong đó, một số quy định đáng chú ý là: Cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án (bao gồm cả dự án nhóm B, C); nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia từ 30.000 tỷ đồng trở lên; của dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C với quy mô gấp 2 lần so với các quy định hiện hành.
Phân cấp thẩm quyền cho người đứng đầu Bộ, cơ quan Trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do cơ quan, tổ chức mình quản lý với quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng, dự án nhóm A từ 10.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Cho phép sử dụng nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác để chuẩn bị đầu tư dự án; đơn giản hóa nội dung liên quan đến đề xuất dự án, việc thực hiện dự án sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại, trình tự thủ tục lập kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm...
“Nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công đã cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện 5 nhóm chính sách lớn, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát ; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế xin-cho,” Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nói khi trình bày tờ trình trước Quốc hội trong phiên họp sáng 29/10.
Đinh Nhung
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/quoc-hoi-thao-luan-viec-sua-doi-cac-luat-lien-quan-den-dau-tu-35318.html