Sáng 19/2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) với 458/459 đại biểu Quốc hội có mặt bấm nút tán thành. Luật gồm 7 chương, 50 điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2025.
Các đại biểu tham gia biểu quyết. (Ảnh: Media Quốc hội)
Luật vừa được thông qua quy định chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã là cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng Nhân dân (HĐND) và Ủy ban Nhân dân (UBND).
Trường hợp Quốc hội có quy định về việc không tổ chức cấp chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính cụ thể thì chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính đó là UBND.
Chính quyền địa phương ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, huyện, xã.
Chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phường, thị trấn.
Chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định khi thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đó.
Trước đó, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội khi thảo luận trên hội trường, đại diện cơ quan trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Chính phủ đề xuất giữ nguyên như luật hiện hành vì chúng ta đang tiếp tục đánh giá tổng thể mô hình tổ chức của cả hệ thống chính trị, sẽ có điều chỉnh, nên trước mắt tạm thời giữ nguyên để “tránh hẫng hụt trong vận hành” hệ thống tổ chức chính quyền địa phương cũng như mô hình tổ chức chính quyền địa phương.
“Trong bối cảnh tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Ban tổ chức Trung ương tiến hành đánh giá nghiên cứu tổng thể mô hình tổ chức bộ máy, trong đó có hệ thống chính quyền địa phương”, bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết và mong đại biểu Quốc hội ủng hộ phương án tạm thời giữ như hiện hành.
Với việc thông qua dự án luật, Quốc hội đã đồng ý với đề xuất của Chính phủ là giữ nguyên HĐND cấp quận, phường trên cả nước, trừ trường hợp những nơi được Quốc hội ban hành nghị quyết cho thực hiện chính quyền đô thị (không tổ chức HĐND).
Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc quy định việc các đảo, quần đảo là các đơn vị hành chính cấp huyện có thể có tổ chức đơn vị hành chính cấp xã để phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể việc giao quyền cho UBND cấp huyện trực tiếp quản lý hoặc thiết lập mô hình hành chính đặc thù khác khi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã tại các đảo, quần đảo.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, thực tế hiện nay, có một số huyện đảo không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã, ví dụ như: Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu)…
Việc không phân chia các huyện đảo thành đơn vị hành chính cấp xã là xuất phát từ đặc điểm, điều kiện địa lý, dân cư, yêu cầu quản lý và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp năm 2013.
Khi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã tại các huyện đảo thì UBND cấp huyện sẽ trực tiếp thực hiện vai trò, chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn mà không cần thiết lập mô hình hành chính đặc thù để tránh phát sinh tổ chức bộ máy.
PHẠM DUY