Chiều 26/11, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) với 407/451 đại biểu có mặt tán thành, 36 vị không tán thành và 8 không biểu quyết. Luật gồm 4 chương, 17 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Lần sửa đổi này, một trong những vấn đề được tranh luận đến phiên thảo luận cuối cùng là quy định thuế suất đối với mặt hàng phân bón. Trong đó, nhiều ý kiến thống nhất với đề xuất áp thuế suất 5% đối với phân bón như dự thảo Luật của Chính phủ và nội dung giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Một số ý kiến đề nghị tiếp tục miễn thuế cho phân bón và máy móc thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp như hiện hành, vì áp dụng thuế 5% sẽ làm tăng giá phân bón, doanh nghiệp được hưởng lợi, ngân sách nhà nước (NSNN) được tăng thu 1.500 tỷ đồng (từ phân bón nhập khẩu), người nông dân phải gánh chịu thiệt hại.
Chiều 26/11, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị áp dụng mức thuế suất 0% hoặc 1%, 2% để doanh nghiệp trong nước cũng được hoàn thuế đầu vào, bảo đảm hài hòa cho cả người dân và doanh nghiệp.
Báo cáo bổ sung trước khi đại biểu bấm nút, về đề xuất đưa phân bón vào diện áp dụng thuế suất VAT 0% (hoặc 1%, 2%), UBTVQH nêu rõ, đúng như ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), nếu quy định phân bón áp dụng thuế suất 0% thì sẽ bảo đảm lợi ích cho cả doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu vì phân bón nhập khẩu và phân bón sản xuất trong nước đều sẽ được hoàn số thuế VAT đầu vào đã nộp và không phải nộp thuế VAT đối với phân bón khi bán ra.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, hàng năm NSNN sẽ phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để hoàn thuế VAT đầu vào cho các doanh nghiệp. Theo số liệu của Tổng cục Thuế, tổng số thuế VAT đầu vào cho sản xuất phân bón các năm 2019-2023 không được khấu trừ (do chính sách hiện hành phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế) là 8.962.029 triệu đồng; như vậy, nếu áp dụng thuế suất 0% thì NSNN sẽ phải hoàn cho các doanh nghiệp số thuế đầu vào này.
Ngoài yếu tố bất cập đối với NSNN, việc áp dụng thuế suất 0% đối với phân bón là trái với với nguyên tắc, thông lệ của thuế VAT là thuế suất 0% chỉ áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, không áp dụng với tiêu dùng trong nước. Việc áp dụng theo hướng này sẽ phá vỡ tính trung lập của chính sách thuế, tạo tiền lệ xấu và không công bằng với các ngành sản xuất khác.
"Việc quy định thuế suất 1% hoặc 2% đối với phân bón cũng không phù hợp với mục tiêu cải cách thuế VAT là giảm bớt số lượng các mức thuế suất, không gia tăng số lượng các mức thuế suất so với quy định hiện hành như đã được giải trình với các ĐBQH", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết.
Ngày 26/11, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các vị ĐBQH, theo đó, có 234 ĐBQH (chiếm 72,67% tổng số ĐBQH cho ý kiến) tán thành quy định đưa phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản quay lại diện chịu thuế VAT 5%.
Một nội dung đáng chú ý nữa là Luật quy định hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hằng năm từ 200 triệu đồng trở xuống sẽ không phải chịu thuế VAT.
Như vậy, so với quy định hiện hành, ngưỡng không chịu thuế VAT này đã được nâng lên gấp đôi.
Trước khi Quốc hội thông qua, quá trình thảo luận có ý kiến đề nghị xem xét, nâng mức ngưỡng doanh thu không chịu thuế VAT lên trên mức 200 triệu, ý kiến khác đề nghị mức trên dưới 300 triệu đồng hoặc 400 triệu đồng cho những năm tới.
Báo cáo giải trình trước khi đại biểu bấm nút vào chiều 26/11, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu: Theo số liệu tính toán của Bộ Tài chính, nếu xây dựng mức doanh thu không chịu thuế là 200 triệu đồng/năm thì số lượng hộ, cá nhân kinh doanh thuộc diện nộp thuế sẽ giảm 620.653 hộ, số thu ngân sách nhà nước giảm khoảng 2.630 tỷ đồng.
Để bảo đảm mức tăng hợp lý của ngưỡng doanh thu không chịu thuế, tương đối phù hợp với tỷ lệ tăng GDP và CPI bình quân từ năm 2013 đến nay, Luật quy định mức ngưỡng doanh thu 200 triệu đồng/năm.
Chính phủ đề nghị được giao thẩm quyền điều chỉnh mức doanh thu này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ, để bảo đảm linh hoạt trong điều hành, phù hợp với thực tế.
Nội dung này cũng đã được UBTVQH xin ý kiến ĐBQH bằng phiếu. Theo đó, có 204 đại biểu (chiếm 63,35% tổng số ĐBQH) tán thành quy định hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hằng năm từ 200 triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh, có ý kiến đề nghị không miễn các loại thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ qua các sàn thương mại điện tử và đề nghị quy định rõ nội dung trong nghị quyết chung của kỳ họp về việc chấm dứt Quyết định 78/2010 của Chính phủ.
Các ĐBQH nêu, trong thời gian gần đây đã xuất hiện một số sàn thương mại điện tử bán hàng vào Việt Nam với giá trị rất nhỏ, rất thấp, rất rẻ và rất cạnh tranh. UBTVQH đánh giá cao việc Chính phủ đã kịp thời đề xuất bổ sung các quy định về việc thu thuế đối với kinh doanh thương mại điện tử trong cả dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng và dự thảo Luật Quản lý thuế để tăng cường hiệu quả quản lý thu thuế.
Tuy nhiên, nếu Quyết định 78/2010 chưa chấm dứt hiệu lực thi hành thì các nội dung sửa đổi của Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Quản lý thuế sẽ chưa thể phát huy hiệu lực để bảo đảm việc thu thuế đối với thương mại điện tử. Vì vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH xin đưa nội dung này vào nghị quyết chung của kỳ họp.
Cụ thể, yêu cầu Chính phủ khẩn trương ban hành nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua kênh thương mại điện tử, bảo đảm không cho phép miễn thuế nhập khẩu đối với hàng giá trị nhỏ.
Trước mắt chấm dứt ngay hiệu lực của Quyết định 78/2010, làm cơ sở cho cơ quan quản lý thuế có căn cứ pháp lý và chế tài quản lý thu đối với các sàn thương mại điện tử nước ngoài bán hàng hóa vào Việt Nam.
Thanh Hoa