Quốc hội thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)

Quốc hội thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)
2 ngày trướcBài gốc
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn
Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) gồm 7 chương với 50 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-3-2025.
Đáng chú ý, Điều 13 quy định về phân cấp nêu rõ, UBND cấp tỉnh, cấp huyện được phân cấp cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình hoặc UBND, chủ tịch UBND cấp dưới thực hiện liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được giao theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp pháp luật quy định không được phân cấp.
UBND cấp tỉnh, cấp huyện được phân cấp cho đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý thực hiện liên tục, thường xuyên một hoặc một số nhiệm vụ mà mình được giao theo quy định của pháp luật để tăng quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc quản trị đơn vị và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, trừ trường hợp pháp luật quy định không được phân cấp.
Trong khi đó, Điều 14 về ủy quyền nhấn mạnh, việc ủy quyền cho đơn vị sự nghiệp công lập chỉ thực hiện đối với các nhiệm vụ, quyền hạn nhằm tăng quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc quản trị đơn vị và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.
Trước khi biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo. Ảnh: Quochoi.vn
Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và đã chỉnh lý các quy định của dự thảo Luật, bảo đảm bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương, bảo đảm phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, “cấp nào giải quyết hiệu quả hơn thì giao nhiệm vụ, thẩm quyền cho cấp đó”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu các ý kiến đề nghị bổ sung một điều giải thích các thuật ngữ phân cấp, phân quyền, ủy quyền; rà soát, chỉnh lý quy định của dự thảo Luật để bảo đảm thống nhất với Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), qua đó, bảo đảm Luật rõ ràng về điều kiện bảo đảm và cơ chế chịu trách nhiệm trong thực hiện phân quyền, phân cấp, ủy quyền.
Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định cho phép UBND cấp tỉnh được ban hành văn bản để điều chỉnh trình tự, thủ tục, thẩm quyền khi việc phân cấp dẫn đến thay đổi trình tự, thủ tục hành chính. Trong khi đó, ý kiến khác cho rằng, quy định này khó khả thi do trình tự, thủ tục đang được quy định trong các luật, nghị định nên UBND tỉnh không có thẩm quyền điều chỉnh và dễ tạo sự thiếu thống nhất trong việc thực hiện ở các địa phương.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc giao UBND cấp tỉnh điều chỉnh trình tự, thủ tục, thẩm quyền của các cơ quan liên quan để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp trong trường hợp phân cấp dẫn đến cần thay đổi trình tự, thủ tục, thẩm quyền đang được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên là hết sức cần thiết.
Giải pháp này nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh phân cấp, phù hợp với chủ trương địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm cũng như tinh thần “lấy thực tiễn là thước đo, giải quyết hết những điểm nghẽn”, “không vì những quy trình, thủ tục cứng nhắc làm chậm sự phát triển của đất nước” và yêu cầu “quản lý theo kết quả” thay vì “quản lý theo quy trình” theo chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong thời gian qua.
“Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) cũng không hạn chế việc quy định về trình tự, thủ tục trong văn bản quy phạm pháp luật của UBND nên không làm ảnh hưởng đến tính khả thi của quy định tại dự thảo Luật”, ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.
Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn
Ngoài các nội dung trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rà soát, tiếp thu, chỉnh lý cả về nội dung và kỹ thuật văn bản trong dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua, bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu, thể hiện đúng tinh thần đổi mới về tư duy trong công tác lập pháp.
Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật có 50 điều, giữ nguyên về số điều nhưng đã có sự chỉnh lý tại 41/50 điều so với dự thảo Luật mà Chính phủ trình Quốc hội tại đầu kỳ họp.
Đình Hiệp
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/quoc-hoi-thong-qua-luat-to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-sua-doi-693563.html