Quốc hội thông qua Nghị quyết về xử lý một số vấn đề khi sắp xếp bộ máy

Quốc hội thông qua Nghị quyết về xử lý một số vấn đề khi sắp xếp bộ máy
2 ngày trướcBài gốc
Tổng Bí thư Tô Lâm: "Thời cơ vàng" để thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy
Nghị quyết này quy định các nguyên tắc xử lý; việc thay đổi tên gọi của cơ quan, tổ chức, đơn vị (gọi chung là cơ quan), chức danh có thẩm quyền; việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, chức danh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, của điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và việc xử lý một số vấn đề khác khi thực hiện sắp xếp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu.
Các vấn đề được xử lý theo Nghị quyết này là vấn đề phát sinh trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước có nội dung khác hoặc chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật (trừ Hiến pháp), văn bản hành chính và các hình thức văn bản khác đang còn hiệu lực.
Theo Nghị quyết, khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, chức danh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật được tiếp tục thực hiện bởi cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đó.
Không bỏ trống, trùng lặp về công tác kiểm tra, giám sát
Việc giám sát, kiểm sát, kiểm toán, kiểm tra đối với cơ quan được hình thành hoặc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm tính tiếp nối, không bỏ trống hoặc trùng lặp về phạm vi thẩm quyền giám sát, kiểm sát, kiểm toán, kiểm tra và không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan chịu sự giám sát, kiểm sát, kiểm toán, kiểm tra.
Trường hợp khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước mà tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, vị trí, mô hình, cơ cấu tổ chức của cơ quan sau sắp xếp có thay đổi thì cơ quan, người có thẩm quyền được ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan hình thành sau sắp xếp khác với quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên đã ban hành trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, phải bảo đảm phù hợp với phương án sắp xếp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước mà số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan nhiều hơn số lượng tối đa theo quy định của pháp luật thì chậm nhất là 5 năm kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền có hiệu lực, số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan phải theo đúng quy định.
Về thực hiện thủ tục hành chính, Nghị quyết quy định trường hợp có sự thay đổi về cơ quan, chức danh có thẩm quyền thực hiện thủ tục hành chính sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước thì cơ quan, người có thẩm quyền công bố thủ tục hành chính phải thực hiện ngay việc điều chỉnh và công bố thủ tục hành chính đã được điều chỉnh theo quy định pháp luật.
Cơ quan, chức danh có thẩm quyền tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện thủ tục hành chính có trách nhiệm tổ chức thực hiện thủ tục hành chính bảo đảm thông suốt, không bị gián đoạn; không được yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp lại hồ sơ đã nộp; không thực hiện lại các bước trong thủ tục hành chính đã thực hiện trước khi sắp xếp;
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày được Quốc hội thông qua đến hết ngày 28/2/2027. Trước khi kết thúc thời hạn nêu trên, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc có kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết hay không căn cứ vào tình hình thực tế và báo cáo, đề xuất của Chính phủ để bảo đảm xử lý triệt để các vấn đề phát sinh liên quan tới công tác sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước./.
Hoàng Yến
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quoc-hoi-thong-qua-nghi-quyet-ve-xu-ly-mo-t-so-va-n-de-khi-sa-p-xe-p-bo-may-170784.html