Chiều 13-2, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu là quy định xem xét thông qua dự thảo Luật, Pháp lệnh, nghị quyết theo quy trình gói gọn trong một kỳ họp (điều 39, dự thảo Luật).
Góp ý về quy định này, đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) đánh giá điều này sẽ tạo sự bứt phá trong công tác lập pháp với ba lợi ích lớn, như tạo ra sự linh hoạt và kịp thời trong điều chỉnh chính sách; giảm áp lực hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; tiết kiệm chi phí và nhân lực.
Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam).
“Quy định này sẽ góp phần giảm bớt các cuộc họp, hội nghị, thủ tục rà soát lặp đi lặp lại, giúp tiết kiệm thời gian, ngân sách và nhân sự cho Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan” - đại biểu Khải nói.
Ông Khải phân tích quy trình lập pháp rút gọn này cũng đặt ra không ít thách thức về chất lượng lập pháp (thời gian xử lý, áp lực lên cơ quan lập pháp, đánh giá tác động chính sách) và đề xuất ra hàng loạt phương án xử lý.
Trong đó có giải pháp xây dựng quy trình thẩm định nghiêm ngặt trước khi trình Quốc hội, tăng cường vai trò của các cơ quan thẩm tra, bổ sung quy trình tham vấn chính sách từ sớm, hay tăng cường nhân vật lực, áp dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác lập pháp…
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương).
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng nội dung này cần cân nhắc. Vì thực tế cho thấy những năm qua, nhiều dự án luật dù đã có quá trình xây dựng, lấy ý kiến góp ý rất kỹ lưỡng nhưng khi trình Quốc hội cho ý kiến, xem xét vẫn còn rất nhiều các ý kiến khác nhau, tạo nên sức nóng trong nghị trường, thu hút rất nhiều sự quan tâm của cử tri.
Trong quá trình thảo luận, xem xét tại các kỳ họp Quốc hội, nhiều ý kiến phản biện có chất lượng được đưa ra, nhiều vấn đề lớn được gợi mở, từ đó tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện vào các dự thảo Luật để các dự thảo khi được thông qua đảm bảo chất lượng và tính khả thi cao hơn.
"Thậm chí, có nhiều nội dung sau khi thảo luận tại Quốc hội, dự thảo mới được tiếp thu đã thay đổi rất nhiều, thậm chí nhiều nội dung khác hẳn với quan điểm ban đầu” - đại biểu Nga nói.
Lập luận thêm, đại biểu Nga cho hay mục tiêu của chúng ta là “xây dựng các luật mang tính ổn định và khả năng dự báo cao”, nếu làm luật vội vàng quá thì sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng luật được thông qua.
“Vì vậy, tôi đề nghị giữ nguyên quy trình thông thường để xem xét, thông qua các luật của Quốc hội là hai kỳ họp như hiện nay. Đối với một số trường hợp cần thiết, chúng ta đã có các quy định về việc xây dựng luật theo trình tự, thủ tục rút gọn” - bà Nga đề nghị
NHÓM PHÓNG VIÊN