Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam: Nỗ lực phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng

Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam: Nỗ lực phát triển thị trường tín chỉ carbon rừng
8 ngày trướcBài gốc
Trên tinh thần đó, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam nỗ lực thúc đẩy nguồn thu từ rừng, mở rộng các dịch vụ hệ sinh thái và xây dựng nền tảng phát triển thị trường carbon rừng.
Tăng cường hiệu quả từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
Giai đoạn qua, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đồng thời từng bước mở rộng hoạt động liên quan đến dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng – một trong những tiền đề quan trọng để hình thành và phát triển thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam.
Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
Tính đến hết năm 2024, lũy kế toàn quốc đã ký được hơn 1.800 hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng, với sự tham gia ngày càng chủ động và có trách nhiệm của các đơn vị sử dụng dịch vụ. Tổng thu tiền dịch vụ môi trường rừng trong năm đạt hơn 3.763 tỷ đồng, trong đó thu từ các nhà máy thủy điện chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt trên 84%.
Đặc biệt, nguồn thu từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng theo Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) đã đạt gần 260 tỷ đồng, chiếm khoảng 6,9% tổng nguồn thu. Đây được xem là tín hiệu tích cực cho thấy tiềm năng to lớn từ loại dịch vụ mới này.
Nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng đã được sử dụng hiệu quả trong việc hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ khoảng 7,45 triệu ha rừng, chiếm 53,53% diện tích rừng toàn quốc, trong đó có 235 Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, 99 Công ty Lâm nghiệp, 1.611 UBND cấp xã, 377 chủ rừng khác và gần 250.000 chủ rừng là cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng, thôn bản được hưởng lợi từ nguồn tiền này.
Đối với nguồn thu từ ERPA, diện tích rừng tự nhiên được chi trả dự kiến đạt hơn 2,15 triệu ha, với trên 68.900 đối tượng hưởng lợi.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát, truyền thông và hợp tác quốc tế cũng được Quỹ duy trì và đẩy mạnh nhằm đảm bảo việc thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng minh bạch, công bằng và hiệu quả. Các hoạt động này góp phần không nhỏ vào việc nâng cao nhận thức của người dân và chủ rừng, tạo nền tảng xã hội vững chắc cho phát triển lâm nghiệp bền vững.
Một trong những dấu ấn nổi bật trong năm 2024 là việc Quỹ đã phối hợp tham mưu ban hành Nghị định số 91/2024/NĐ-CP, sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP. Nghị định mới đã quy định cụ thể hơn liên quan đến chi trả dịch vụ môi trường rừng, như bổ sung danh mục cơ sở công nghiệp thuộc đối tượng chi trả, làm rõ vị trí của các đơn vị kinh doanh du lịch sinh thái phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, hay cơ chế điều tiết tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng giữa các địa phương...
Việc hoàn thiện khung pháp lý này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc tồn tại nhiều năm qua và thúc đẩy tính minh bạch, hiệu quả trong thực thi chính sách dịch vụ môi trường rừng.
Người dân tham gia tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lai Châu
Mở rộng nguồn thu từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon, khai thác giá trị đa dụng của rừng
Trong năm 2025, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đặt kế hoạch thu tiền dịch vụ môi trường rừng của cả nước dự kiến đạt 3.300 tỷ đồng. Hệ thống Quỹ tiếp tục triển khai hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, góp phần huy động nguồn lực quan trọng, đóng góp cho ngành lâm nghiệp phục vụ công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Đặc biệt, Quỹ sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ chi trả nguồn thu từ ERPA cho các đối tượng hưởng lợi; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và ERPA. Việc kịp thời tổng kết kinh nghiệm thực tiễn và bài học từ ERPA sẽ là cơ sở giúp sớm thể chế hóa cho sự hình thành việc trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ các-bon rừng và phát triển thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam trong tương lai.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, Quỹ vẫn đối mặt với không ít khó khăn như một số địa phương chưa bố trí đủ nhân sự hoặc điều kiện cần thiết để Quỹ vận hành hiệu quả; một số Quỹ cấp tỉnh có nguồn thu thấp, cán bộ kiêm nhiệm, gây khó khăn trong công tác xác định và cập nhật diện tích rừng làm cơ sở chi trả. Đặc biệt, dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng là loại hình mới, chưa có tiền lệ, nên các địa phương và chủ rừng còn thận trọng trong lập kế hoạch tài chính và sử dụng nguồn thu từ loại dịch vụ này.
Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam nỗ lực thúc đẩy nguồn thu từ rừng, mở rộng các dịch vụ hệ sinh thái và xây dựng nền tảng phát triển thị trường carbon rừng.
Để tháo gỡ những vướng mắc trên, Quỹ đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ được coi là yếu tố đột phá - từ xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng, hệ thống WebGIS, đến phần mềm giám sát thực hiện chính sách. Song song, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, đào tạo chuyên môn cho cán bộ các cấp cũng được chú trọng. Bên cạnh đó, Quỹ sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính để triển khai hiệu quả các dịch vụ môi trường rừng mới, đặc biệt là dịch vụ liên quan đến tín chỉ carbon.
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Công Thương, Ông Lê Văn Thanh - Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Quỹ là phối hợp, tham mưu để hoàn thiện hành lang pháp lý và thể chế để thúc đẩy sự phát triển của thị trường tín chỉ carbon rừng, trong đó có việc tham gia nghiên cứu, góp ý và xây dựng dự thảo Nghị định về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, Quỹ đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu khai thác giá trị đa dụng của rừng, chuyển hóa tiềm năng sinh thái thành giá trị kinh tế thực tiễn.
Đồng thời, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam sẽ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, cập nhật thường xuyên tình hình vận hành Quỹ các cấp, đảm bảo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và ERPA được triển khai đúng đối tượng, đúng tiến độ và đúng quy định pháp luật. Truyền thông cũng sẽ được thúc đẩy như một trụ cột để lan tỏa thông tin chính sách, nâng cao hiểu biết của các bên liên quan, từ đó mở rộng kết nối với các đối tác tiềm năng trong trao đổi và chuyển nhượng tín chỉ các-bon rừng.
“Với tầm nhìn chiến lược và những bước đi đồng bộ, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đang từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong xây dựng phát triển nền kinh tế xanh. Việc mở rộng dịch vụ môi trường rừng và phát triển thị trường tín chỉ carbon không chỉ giúp gia tăng nguồn lực cho công tác bảo vệ rừng mà còn mở ra cơ hội lớn để Việt Nam hội nhập sâu hơn vào xu hướng kinh tế tuần hoàn, phát thải thấp và phát triển bền vững” ông Thanh khẳng định.
Cảnh Hưng - Chung Thắng
Nguồn Tạp chí Công thương : https://tapchicongthuong.vn/quy-bao-ve-va-phat-trien-rung-viet-nam--no-luc-phat-trien-thi-truong-tin-chi-carbon-rung-139525.htm