Quy định mới về tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của VKSND các cấp

Quy định mới về tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của VKSND các cấp
4 giờ trướcBài gốc
Thông tư này quy định về tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của VKSND các cấp kể từ ngày 1/7/2025 theo quy định của Luật Tổ chức VKSND, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và các luật khác, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan.
Thông tư này không quy định việc tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền của Viện kiểm sát quân sự các cấp.
Đối tượng áp dụng gồm: VKSND tối cao, các đơn vị thuộc VKSND tối cao; VKSND tỉnh, thành phố (VKSND cấp tỉnh); VKSND khu vực; người có thẩm quyền tố tụng thuộc các cơ quan, đơn vị được nêu tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 2 Thông tư này; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Tại Điều 3, Thông tư quy định về việc VKSND tối cao tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền. Theo đó, kể từ ngày 1/7/2025, VKSND tối cao (Vụ Công tố và Kiểm sát xét xử hình sự - Vụ 7, Vụ Kiểm sát án dân sự - Vụ 9, Vụ Kiểm sát án hành chính, kinh doanh thương mại - Vụ 10, Vụ Kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp - Vụ 12) tiếp nhận nhiệm vụ, thực hiện thẩm quyền sau đây:
Tiếp nhận nhiệm vụ xử lý, giải quyết đơn, văn bản đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh mà trước ngày 1/7/2025 thuộc thẩm quyền của VKSND cấp cao; thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của TAND cấp tỉnh đã có hiệu lực pháp luật mà VKSND cấp cao chưa giải quyết xong.
Công chức Viện Công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại Hà Nội (Viện Phúc thẩm 1) bắt tay ngay vào công việc từ ngày 1/7/2025. (Ảnh minh họa)
Xử lý, giải quyết đơn, văn bản đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa Phúc thẩm TAND tối cao, TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh; thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa Phúc thẩm TAND tối cao, TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh.
Giải quyết đơn, văn bản đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định của TAND cấp huyện, TAND khu vực đã có hiệu lực pháp luật khi xét thấy cần thiết. Trường hợp Viện trưởng VKSND tối cao kháng nghị bản án, quyết định của TAND cấp huyện, TAND khu vực đã có hiệu lực pháp luật thì phân công cho VKSND cấp tỉnh (tương ứng với TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm) thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định về việc xử lý trong trường hợp VKSND khu vực tiếp nhận nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với vụ việc, vụ án hình sự đã được VKSND cấp huyện thụ lý trước ngày 1/7/2025 mà không thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ hoặc thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của nhiều VKSND khu vực.
Cụ thể, vụ việc, vụ án VKSND cấp huyện đã thụ lý trước ngày 1/7/2025 đang giải quyết, nhưng sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của VKSND khu vực tiếp nhận nhiệm vụ của VKSND huyện đó thì xử lý như sau:
Trường hợp VKSND khu vực tiếp nhận nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ việc, vụ án thì chuyển nhiệm vụ đó cho VKSND khu vực có phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ căn cứ vào đơn vị hành chính cấp xã mới để thực hiện.
Trường hợp VKSND khu vực tiếp nhận nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát việc truy tố thì ra quyết định chuyển vụ án cho VKSND khu vực có phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ căn cứ vào đơn vị hành chính cấp xã mới để thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Điều 239 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Vụ việc, vụ án VKSND cấp huyện đã thụ lý trước ngày 1/7/2025 đang giải quyết, nhưng sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc thẩm quyền theo lãnh thổ của nhiều VKSND khu vực thì VKSND khu vực nơi kế thừa quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của các VKSND cấp huyện đã thụ lý tiếp tục thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết đối với vụ việc, vụ án đó. Trường hợp phức tạp thì báo cáo VKSND cấp tỉnh để xác định thẩm quyền giải quyết.
P.V
Nguồn BVPL : https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/quy-dinh-moi-ve-tiep-nhan-nhiem-vu-thuc-hien-tham-quyen-cua-vksnd-cac-cap-180429.html