Mới: Bổ sung thời hạn xem xét đơn xin ân giảm án tử hình

Mới: Bổ sung thời hạn xem xét đơn xin ân giảm án tử hình
8 giờ trướcBài gốc
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự (TTHS) và Bộ luật Hình sự (BLHS) có hiệu lực kể từ ngày 1-7. Luật sửa đổi đã có những thay đổi về quy trình xem xét và thi hành án tử hình.
Thi hành án nếu sau 1 năm không có quyết định ân giảm
Theo quy định cũ tại Điều 367 Bộ luật TTHS thì thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành được thực hiện như sau:
Trước tiên, sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật, hồ sơ vụ án phải được gửi ngay cho Chánh án TAND Tối cao và bản án phải được gửi ngay cho Viện trưởng VKSND Tối cao.
Sau khi đã xem xét hồ sơ vụ án để quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, TAND Tối cao phải chuyển hồ sơ vụ án cho VKSND Tối cao. VKSND Tối cao có 1 tháng để xem xét hồ sơ trước khi trả lại cho tòa.
Các bị cáo trong một vụ án ma túy bị tuyên án tử hình. Ảnh: ĐẶNG LÊ
Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối có 2 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ phải quyết định kháng nghị hoặc quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án được gửi đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước. Bản án tử hình được thi hành nếu Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và người bị kết án không có đơn xin ân giảm lên Chủ tịch nước.
Trường hợp bản án tử hình bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm mà Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm TAND Tối cao quyết định không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình thì TAND tối cao phải thông báo ngay cho người bị kết án biết để họ làm đơn xin ân giảm hình phạt tử hình.
Trường hợp người bị kết án có đơn xin ân giảm hình phạt tử hình thì bản án tử hình được thi hành sau khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm.
Có thể thấy quy định trên không nêu cụ thể thời hạn mà Chủ tịch nước xem xét ân giảm/không ân giảm cho tử tù là bao lâu.
Khắc phục vấn đề này, điểm e khoản 1 Điều 367 Bộ luật TTHS đã được sửa đổi theo hướng: Trường hợp người bị kết án có đơn xin ân giảm gửi Chủ tịch nước thì Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao có ý kiến trình Chủ tịch nước về việc xét đơn xin ân giảm.
Trường hợp Chủ tịch nước quyết định ân giảm thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm ra quyết định chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án. Hết thời hạn 01 năm kể từ ngày nhận được ý kiến của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao mà Chủ tịch nước không có quyết định ân giảm thì cơ quan có thẩm quyền thông báo ngay về việc không có quyết định ân giảm của Chủ tịch nước để Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm tổ chức việc thi hành bản án tử hình theo quy định.
Như vậy, kể từ ngày 1-7 trong quy trình xem xét ân giảm bản án tử hình của các tử tù thì những người này có một năm chờ đợi để biết mình có được ân giảm hay không.
Điều chỉnh lại thuật ngữ pháp lý
Về trình tự thi hành bản án tử hình cũng có sự thay đổi, điểm c khoản 4 Điều 82 Luật Thi hành án hình sự được sửa đổi theo hướng thay thế cụm từ "quyết định của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình" bằng "văn bản thông báo của cơ quan có thẩm quyền về việc không có quyết định ân giảm hình phạt tử hình".
Cụ thể, Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình công bố quyết định thi hành án, quyết định không kháng nghị của Chánh án TAND Tối cao và quyết định không kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao, quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao không chấp nhận kháng nghị, văn bản thông báo của cơ quan có thẩm quyền về việc không có quyết định ân giảm hình phạt tử hình.
Ngay sau khi Chủ tịch Hội đồng thi hành án công bố các quyết định, Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp hoặc Vệ binh hỗ trợ tư pháp có nhiệm vụ giao các quyết định trên cho người chấp hành án để người đó tự đọc.
Trường hợp người chấp hành án không biết chữ, không biết tiếng Việt hoặc không tự mình đọc được thì Hội đồng thi hành án tử hình chỉ định người đọc hoặc phiên dịch các quyết định trên cho người đó nghe. Quá trình công bố và đọc các quyết định phải được chụp ảnh, ghi hình, ghi âm và lưu vào hồ sơ thi hành án tử hình.
Bổ sung thời hạn là hợp lý
Việc bổ sung quy định thời hạn để Chủ tịch xem xét ân giảm đối với những người bị kết án tử hình là 01 năm kể từ ngày nhận được báo cáo, ý kiến của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao là phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.
Bởi lẽ có nhiều trường hợp tử tù sau khi bị kết án tử hình (bản án không bị kháng nghị) và có đơn xin ân giảm gửi đến Chủ tịch nước nhưng lại không thể thi hành được vì chưa có quyết định bác đơn xin ân giảm. Trong khi luật lại không quy định thời hạn xem xét ân giảm/bác đơn ân giảm của Chủ tịch nước là bao lâu nên Hội đồng thi hành án tử hình không thể thi hành, vẫn cứ chờ đợi.
Cạnh đó, hiện nay người bị kết án tử hình có thể gửi đơn xin ân giảm trong hai trường hợp: (1) trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật; (2) sau khi Hội đồng giám đốc thẩm, Hội đồng tái thẩm TAND tối cao quyết định không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án tử hình.
Vì vậy cách xác định thời hạn 01 năm kể từ ngày Chủ tịch nước nhận được báo cáo, ý kiến của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao là phù hợp, đảm bảo thời gian xem xét hồ sơ và lấy ý kiến trình Chủ tịch nước xem xét quyết định. Nếu quy định thời hạn 01 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật thì sẽ chỉ phù hợp với trường hợp một mà chưa bao quát đối với trường hợp thứ hai tử tù gửi đơn xin ân giảm.
Luật sư Lê Dũng, Đoàn Luật sư TP.HCM
HỮU ĐĂNG
Nguồn PLO : https://plo.vn/moi-bo-sung-thoi-han-xem-xet-don-xin-an-giam-an-tu-hinh-post858339.html