Xử nghiêm hàng gian, hàng giả, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính

Xử nghiêm hàng gian, hàng giả, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính
9 giờ trướcBài gốc
Từ ngày 1-7-2025, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS chính thức có hiệu lực. Trong đó, đáng chú ý là việc bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh như tội vận chuyển trái phép chất ma túy, tham ô tài sản, nhận hối lộ...; tăng mạnh hình phạt tiền với 24 tội danh như sản xuất hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm, hủy hoại môi trường…
Những đổi mới này đang nhận được nhiều sự quan tâm từ phía bạn đọc.
Ngày 1-7, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm vụ vận chuyển trái phép hơn 118 kg ma túy, 4 bị cáo thoát án tử hình nhờ tòa áp dụng luật mới. Ảnh: HUỲNH THƠ
Đúng xu hướng cải cách tư pháp hiện đại và hội nhập quốc tế
Nhiều bạn đọc cho rằng việc bỏ án tử hình với một số tội danh là bước đi đúng xu hướng cải cách tư pháp hiện đại và hội nhập quốc tế.
Những bị cáo được áp dụng nguyên tắc có lợi
Tại TP.HCM, trong hai phiên tòa gần đây xét xử các vụ vận chuyển lượng lớn ma túy (một vụ hơn 118 kg, vụ còn lại hơn 3,5 kg), các bị cáo chỉ bị tuyên án chung thân đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
HĐXX nhận định VKS đã truy tố đúng người đúng tội. Bị cáo phạm tội trước ngày 1-7-2025 nên áp dụng BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Tuy nhiên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1-7-2025. Trong đó, bỏ hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
Do đó, khi xét xử sau ngày 1-7-2025, tòa áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo, áp dụng Luật sửa đổi (đã bỏ hình phạt tử hình đối với tội danh này) để tuyên phạt bị cáo tù chung thân.
Bạn đọc Lâm Như Ngọc (phường Tân Sơn Nhất, TP.HCM) nêu quan điểm: “Nếu đã thi hành án tử hình mà sau này có chứng cứ mới chứng minh bị cáo vô tội thì không còn cơ hội để sửa sai. Nhiều nước phát triển đã bỏ án tử hình từ lâu vì lý do này. Án chung thân thể hiện sự nghiêm trị, nhưng cũng mở ra hy vọng cho người biết ăn năn”.
Bạn đọc Minh Tâm (ngụ phường Diên Hồng, TP.HCM) chia sẻ: “Tôi từng theo dõi nhiều vụ án về ma túy mà trong đó bị cáo chỉ là người vận chuyển ma túy thuê, trình độ thấp, hoàn cảnh khó khăn, không rõ toàn bộ sự việc. Việc bỏ án tử hình trong những trường hợp như vậy là cần thiết để họ có thể cải tạo, chuộc lỗi. Pháp luật không chỉ để trừng phạt mà còn để mở cánh cửa sửa sai”.
Anh Trần Ngọc Mỹ (phường Tây Thạnh, TP.HCM) nêu nhận xét: "Đây là một bước tiến thể hiện tính nhân đạo và phù hợp với xu hướng quốc tế trong chính sách hình sự. Việc này không làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật mà còn hướng tới việc tăng cường hiệu quả khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản và bảo vệ lợi ích của nhà nước và xã hội. Chẳng hạn đối với tội tham ô, nhận hối lộ thì việc bỏ án tử thay bằng tù chung thân kèm điều kiện phải nộp lại ít nhất 3/4 tài sản để được xét giảm án có thể mang lại hiệu quả tốt trong việc thu hồi tài sản và bồi thường thiệt hại".
Tăng nặng phạt tiền là đúng
Ngoài bỏ án tử hình đối với 8 tội danh, luật mới còn tăng mạnh mức phạt tiền trong hình phạt tiền của 24 tội danh, như sản xuất hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm, hủy hoại môi trường…
Nhiều bạn đọc đánh giá đây là hướng điều chỉnh tích cực, vì mức phạt hiện hành còn thấp, không đủ sức răn đe.
Bạn đọc Nguyễn Khánh Duy (phường Tân Sơn Hòa, TP.HCM) đánh giá: “Tăng mức phạt là cần thiết, nhưng cũng cần giám sát, công khai việc xử lý vi phạm. Ví dụ, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm bẩn bị phạt tiền xong vẫn tiếp tục hoạt động như chưa có gì thì đâu có ai sợ? Tôi nghĩ nên bổ sung biện pháp xử lý bổ sung như công khai tên đơn vị vi phạm trên phương tiện truyền thông, thu hồi giấy phép kinh doanh nếu tái phạm. Có vậy mới tạo áp lực thật sự”.
Bạn đọc Nguyễn Khanh (phường Bảy Hiền, TP.HCM) chia sẻ quan điểm: “Hành vi tác động xấu đến sức khỏe người tiêu dùng và môi trường sống còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, uy tín và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Một quốc gia không thể phát triển bền vững nếu người tiêu dùng mất niềm tin, môi trường bị đầu độc và luật pháp bị xem nhẹ.
Tôi cho rằng nếu chỉ tăng phạt mà không xử lý nghiêm thì người vi phạm dễ tái phạm. Vậy nên rất cần siết chặt quy trình chứng minh thiệt hại, xác định mức độ vi phạm và áp dụng phạt tiền đúng bản chất vụ án”.
Bạn đọc Huỳnh Thy (phường Sài Gòn, TP.HCM) bày tỏ: “Các doanh nghiệp đầu tư công nghệ sạch, tuân thủ tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, kiểm định định kỳ nghiêm ngặt, nhưng lại phải cạnh tranh với những cơ sở làm hàng nhái, hàng kém chất lượng bán giá rẻ tràn lan ngoài thị trường. Nay luật nâng mạnh mức phạt đối với doanh nghiệp làm ăn gian dối, sản xuất hàng gian, hàng giả thì chắc chắn doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ được bảo vệ, phát triển ổn định dài lâu”.
Chính sách hình sự hiệu quả và nhân văn
Theo quy định, các điều luật mới có lợi hơn cho người phạm tội (như bỏ một hình phạt, quy định hình phạt nhẹ hơn) sẽ được áp dụng hồi tố. Đây là một quy định bắt buộc nhằm đảm bảo sự công bằng, bình đẳng trước pháp luật, tránh tình trạng hai người có cùng hành vi nhưng chịu mức án khác nhau chỉ vì thời điểm xét xử.
Việc bỏ án tử hình phải đi đôi với việc tăng cường hiệu quả của các chế tài thay thế. Đặc biệt, công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế hiện vẫn là khâu yếu.
Tôi đề xuất hai giải pháp trọng tâm: Hoàn thiện pháp luật tố tụng, cho phép cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp ngăn chặn như phong tỏa tài khoản, kê biên tài sản ngay từ giai đoạn xác minh tin báo, trước khi khởi tố bị can, để ngăn chặn tẩu tán tài sản.
Nghiên cứu cơ chế thu hồi tài sản không qua kết tội, xây dựng thủ tục tố tụng dân sự để tịch thu các tài sản mà người có chức vụ, quyền hạn không giải trình được nguồn gốc hợp pháp. Đây là kinh nghiệm quốc tế tiến bộ được Công ước Liên Hợp Quốc về Chống tham nhũng khuyến nghị.
Những cải cách này sẽ đảm bảo luật mới thực sự là một chính sách hình sự hiệu quả và nhân văn hơn.
Luật sư CAO NHẬT ANH, Đoàn Luật sư TP.HCM
HUỲNH THƠ
Nguồn PLO : https://plo.vn/xu-nghiem-hang-gian-hang-gia-bao-ve-doanh-nghiep-lam-an-chan-chinh-post858716.html