Quy định được nghỉ làm việc trong Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương có từ khi nào?
Đoàn hành lễ lên đỉnh Nghĩa Lĩnh linh thiêng. (Ảnh: TTXVN)
Đến năm 2007, Chủ tịch nước đã ký Lệnh công bố Luật sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ luật Lao động năm 1994. Theo đó, Điều 73 được sửa đổi, bổ sung như sau:
"Người lao động được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương trong những ngày lễ sau: Tết dương lịch: một ngày (ngày 1 tháng 1 dương lịch). Tết âm lịch: bốn ngày (một ngày cuối năm và 3 ngày đầu năm âm lịch); Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: một ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch); Ngày Chiến thắng: một ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch); Ngày Quốc tế lao động: một ngày (ngày 1 tháng 5 dương lịch); Ngày Quốc khánh: một ngày (ngày 2 tháng 9 dương lịch)…
Điều 73 sửa đổi đã bổ sung thêm nội dung người lao động sẽ được nghỉ làm việc và vẫn hưởng nguyên lương vào Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Như vậy, người lao động được nghỉ làm việc vào lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) từ năm 2007.
Theo quy định tại Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019, từ năm 2021 người lao động có tất cả 11 ngày nghỉ lễ, Tết và được hưởng nguyên lương. Cụ thể: Tết Dương lịch 1 ngày (ngày 1/1 Dương lịch); Tết Âm lịch 5 ngày; Ngày Chiến thắng 1 ngày (ngày 30/4 Dương lịch); Ngày Quốc tế lao động 1 ngày (ngày 1/5 Dương lịch); Quốc khánh 2 ngày (ngày 2/9 Dương lịch và 1 ngày liền kề trước hoặc sau); Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 1 ngày (ngày 10/3 Âm lịch).
Người Việt Nam tổ chức giỗ các vua Hùng từ bao giờ?
Nghi thức tế lễ truyền thống tại đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân. (Ảnh: TTXVN)
Người Việt Nam ai cũng quen thuộc với câu ca dao: "Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ mồng 10 tháng 3". Giỗ Tổ Hùng Vương là một lễ hội truyền thống quan trọng của Việt Nam, nhằm tôn vinh và tưởng nhớ các vua Hùng, những người lập nên và lãnh đạo nhà nước Văn Lang, nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.
Các nhà nghiên cứu cho biết người Việt thờ cúng các vua Hùng từ khoảng 2.000 năm trước. Dưới thời Thục Phán An Dương Vương, cột đá thề đã được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, khẳng định lòng trung kiên và sự tôn thờ miếu Tổ Hùng Vương, ghi rõ: "Nguyện có đất trời lồng lộng chứng giám, nước Nam được trường tồn lưu ở miếu Tổ Hùng Vương, xin đời đời trông nom lăng miếu họ Hùng và gìn giữ giang sơn mà Hùng Vương trao lại; nếu nhạt hẹn, sai thề sẽ bị gió giăng, búa dập".
Theo Ngọc phả Hùng Vương do Hàn lâm trực học sỹ Nguyễn Cố biên soạn dưới thời vua Lê Thánh Tông, từ thời nhà Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần cho đến thời Hậu Lê, vua quan và nhân dân địa phương đều coi trọng việc lễ bái các vua Hùng tại đền ở Phú Thọ. Các triều đại phong kiến Việt Nam giao thẳng cho dân sở tại nhiệm vụ trông nom, sửa chữa Đền Hùng, thờ cúng và tổ chức lễ giỗ Hùng Vương. Người dân địa phương nhờ thế mà được triều đình miễn các khoản thuế ruộng, miễn sưu dịch và đi lính.
Như vậy, có thể thấy thờ tự, cúng giỗ các vua Hùng là một truyền thống có từ rất sớm.
K.N (th)