Quy định rõ ràng hơn trách nhiệm giữa thanh tra với kiểm toán

Quy định rõ ràng hơn trách nhiệm giữa thanh tra với kiểm toán
9 giờ trướcBài gốc
Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) cần quy định rõ ràng hơn trách nhiệm giữa cơ quan thanh tra và kiểm toán để tránh trùng lặp, chồng chéo. Ảnh: T. QUỲNH
Giữ quy định về thời hạn thanh tra
Theo các đại biểu, việc sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra năm 2022 nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó có việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) đề nghị xem xét quy định về kết luận thanh tra từ Luật hiện hành và cần có cơ chế để đối tượng thanh tra được khiếu nại, kiến nghị nội dung trong kết luận thanh tra. Đại biểu cho rằng, hiện nay vẫn còn khoảng trống pháp luật về nội dung này.
Liên quan đến thời hạn thanh tra, đại biểu Trần Thị Kim Nhung đề nghị cân nhắc không thay đổi đơn vị tính “ngày” thành “ngày làm việc” như đề xuất trong Dự thảo Luật. Cùng với đó, cần rà soát kỹ các quy trình, thủ tục, các khâu trong công tác thanh tra để đáp ứng yêu cầu của chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy hiện nay, cần cải cách các thủ tục hành chính theo hướng rút gọn.
Đồng tình quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, với sự thay đổi như Dự thảo Luật, thời hạn tiến hành một cuộc thanh tra sẽ kéo dài hơn rất nhiều.
Phó Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, thời hạn thực hiện một cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành hiện nay là không quá 60 ngày nhưng theo Dự thảo Luật thì là không quá 60 ngày “làm việc”, tương đương 84 ngày (12 tuần), tăng 40%.
Nếu tính cả 2 lần gia hạn thì thời hạn tối đa của một cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành sẽ là 120 ngày “làm việc”, tương đương 24 tuần (6 tháng) là quá dài. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra, chưa phù hợp với chủ trương “trong năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực hải quan, chi phí tuân thủ quy định, chi phí không chính thức” mà Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã quán triệt trong thời gian qua - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh; đồng thời đề nghị cân nhắc không thay đổi đơn vị tính “ngày” thành “ngày làm việc” như đề xuất trong Dự thảo Luật mà giữ nguyên như quy định hiện hành.
Xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra nhà nước, kiểm toán, thanh tra chuyên ngành
Liên quan đến hoạt động thanh tra quy định tại Chương VII về phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, quy định như Dự thảo Luật để xử lý mâu thuẫn, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra với kiểm toán. Tuy nhiên, cần thiết phải quy định rõ ràng hơn nữa trách nhiệm giữa thanh tra với kiểm toán để tránh chồng chéo giữa hoạt động của hai cơ quan này.
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ chiều 8/5. Ảnh: T. QUỲNH
“Để tránh vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, cần nghiên cứu quy định triệt để hơn việc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động giữa thanh tra nhà nước với kiểm toán nhà nước, thanh tra chuyên ngành của các Bộ, ngành; bảo đảm hiệu quả hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng như quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra, kiểm tra, giám sát” – Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu quan điểm.
Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) nêu, Thanh tra Chính phủ vừa tiếp nhận các thanh tra Bộ về, đây là các thanh tra chuyên ngành, lĩnh vực. Thanh tra các tỉnh có các thanh tra Sở cũng là thanh tra chuyên ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, Dự thảo Luật cần xác định Thanh tra Chính phủ thực hiện với đối tượng nào, Thanh tra tỉnh thực hiện với đối tượng nào để tránh chồng chéo, trùng lặp.
Đại biểu Ngô Trung Thành (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) cũng bày tỏ băn khoăn khi “tối giản” hệ thống cơ quan thanh tra thì làm thế nào để đảm bảo vận hành cơ quan thanh tra và đối tượng thanh tra có thể bao quát, thực sự đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước.
Theo đại biểu, trong Dự thảo Luật mới quy định thống nhất một hoạt động thanh tra, không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành như trong Luật hiện hành. Khi không tổ chức hoạt động thanh tra của các Bộ, ngành thì vai trò, trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và các cơ quan thanh tra còn lại là rất lớn.
Mặt khác, đối với hoạt động thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành thì các quy trình, thủ tục thanh tra rất chặt chẽ, bài bản để bảo đảm cho cuộc thanh tra diễn ra khách quan, chính xác. Tuy nhiên, khi chuyển các hoạt động thanh tra sang hoạt động kiểm tra thì những quy định, thể chế liên quan đến kiểm tra chuyên ngành lại đang rất “thiếu vắng”.
Đại biểu Ngô Trung Thành đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu để có thể quy định trong Luật hoặc ban hành các văn bản như Nghị định quy định về hoạt động kiểm tra.
Đ. KHOA
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/quy-dinh-ro-rang-hon-trach-nhiem-giua-thanh-tra-voi-kiem-toan-40109.html