Quy định thời gian đăng ký xét tuyển đại học có thể gây áp lực cho thí sinh

Quy định thời gian đăng ký xét tuyển đại học có thể gây áp lực cho thí sinh
6 giờ trướcBài gốc
Thí sinh đăng ký xét tuyển đại học sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT
Đây là quy định vừa được Bộ GD&ĐT nêu tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non ban hành kèm theo Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là kỳ thi tốt nghiệp đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018. Đây cũng là kỳ thi có nhiều đổi mới, thí sinh chỉ phải thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và 2 môn lựa chọn trong chương trình học lớp 12. Sự điều chỉnh về số môn thi tốt nghiệp THPT dự kiến kéo theo những thay đổi trong việc xét tuyển đại học từ năm 2025… Vì vậy, nhiều thí sinh rất mong ngóng các quy định chính thức về việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học sắp tới.
Theo dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, thời gian đăng ký xét tuyển đại học là sau khi thí sinh có kết quả thi và xét tốt nghiệp THPT.
Liên quan đến công tác xét tuyển đại học năm 2025, Bộ GD&ĐT quy định, thời gian đăng ký xét tuyển đại học là sau khi thí sinh có kết quả thi và xét tốt nghiệp THPT. Thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau không hạn chế số lượng, nhưng phải sắp xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp. Trong trường hợp nhiều nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển, thí sinh chỉ được công nhận trúng tuyển và gọi nhập học theo nguyện vọng cao nhất.
"Quy định đặt ra một số thách thức đối với thí sinh"
Theo cô Lê Thi Nguyệt Nga - giáo viên Trường THPT Công nghiệp (TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), việc quy định thời gian đăng ký xét tuyển đại học sau khi thí sinh có kết quả thi và xét tốt nghiệp THPT được Bộ GD&ĐT đưa ra nhằm đảm bảo tính công bằng và chính xác trong quá trình tuyển sinh. Điều này cho phép thí sinh có cái nhìn toàn diện hơn về năng lực của mình trước khi đưa ra quyết định chọn ngành, chọn trường. Tuy nhiên, quy định này cũng đặt ra một số thách thức đối với thí sinh.
Về mặt tích cực, quy định này giúp thí sinh tránh việc chọn ngành, chọn trường một cách vội vàng, dựa trên dự đoán không chính xác về kết quả thi. Với kết quả chính thức, thí sinh có cơ hội cân nhắc kỹ lưỡng hơn, từ đó tăng khả năng chọn đúng ngành học phù hợp với năng lực và nguyện vọng.
Về khó khăn, thời gian đăng ký xét tuyển ngắn hơn có thể gây áp lực lớn cho thí sinh, đặc biệt trong việc tìm hiểu thông tin và quyết định lựa chọn ngành nghề. Với những thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện tiếp cận thông tin còn hạn chế, việc nắm bắt thông tin tuyển sinh và làm thủ tục có thể gặp nhiều khó khăn.
Theo cô Nga, hiện nay, tại các trường THPT, thầy cô và học sinh đang bước vào giai đoạn nước rút trong ôn tập. Các thầy cô không chỉ tập trung củng cố kiến thức mà còn hướng dẫn kỹ năng làm bài, tư vấn định hướng ngành nghề để học sinh có sự chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi và giai đoạn đăng ký xét tuyển. Ngoài ra, nhiều trường còn tăng cường tổ chức các buổi tư vấn tuyển sinh, giúp học sinh hiểu rõ hơn về các ngành học và cơ hội nghề nghiệp sau này.
"Nhìn chung, quy định mới này phù hợp với xu hướng hiện đại hóa và minh bạch hóa trong giáo dục, nhưng cần có các biện pháp hỗ trợ kịp thời từ Bộ GD&ĐT, như mở rộng các kênh thông tin, tăng thời gian tư vấn, và tạo điều kiện thuận lợi nhất để thí sinh có thể đưa ra quyết định sáng suốt", cô Nga nêu quan điểm.
Đại diện một trường đại học lớn về khối ngành kinh tế cho rằng, việc siết thời gian xét tuyển sớm không được diễn ra trước tháng 5 hoàn toàn phù hợp. Nếu xét tuyển khi các em chưa hoàn thành chương trình lớp 12 sẽ gây xáo trộn và mất công bằng.
TS. Nguyễn Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cho biết, việc dự kiến không cho phép các trường đại học công bố xét tuyển sớm trước 31/5 là hoàn toàn hợp lý bởi thời điểm đó quá sớm, học sinh còn chưa biết kết quả tốt nghiệp THPT. "Với quan điểm đó, hàng năm Trường ĐH Hà Nội chủ trương xét tuyển kết hợp (hay còn gọi là xét tuyển sớm) sau khi thí sinh thi tốt nghiệp THPT để các em có thêm một phương án lựa chọn ngoài xét điểm thi tốt nghiệp THPT".
Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 với nhiều điểm mới đáng chú ý. Theo dự thảo, các trường được xét sớm để chọn thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội. Tuy nhiên, chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20%, điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm chuẩn của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ.
Điểm trúng tuyển ở mọi phương thức, tổ hợp sẽ được quy đổi về một thang điểm chung. Điều này đồng nghĩa các trường không thể sử dụng đồng thời thang điểm 30 khi xét học bạ hay kết quả thi tốt nghiệp THPT và dùng thang 150 khi xét bằng điểm thi đánh giá năng lực như trước.
Về phương thức tuyển sinh, các trường được tự chủ quyết định thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển. Mỗi phương thức phải nêu rõ tiêu chí đánh giá, điều kiện trúng tuyển.
Với xét học bạ, Bộ yêu cầu phải bằng tổ hợp gồm ít nhất ba môn, bắt buộc có Toán hoặc Ngữ văn với trọng số ít nhất một phần ba tổng điểm. Đặc biệt, các trường phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh, thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.
Đỗ Vi
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/quy-dinh-thoi-gian-dang-ky-xet-tuyen-dai-hoc-co-the-gay-ap-luc-cho-thi-sinh-169241125213334319.htm