Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày. Theo đó, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 9 chương, 46 điều, giảm 4 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ Tám.
Về sự cần thiết ban hành Luật, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo; tuy nhiên, còn có ý kiến băn khoăn, đề nghị làm rõ mục tiêu, căn cứ pháp lý của việc xây dựng luật riêng về nhà giáo.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo. Ảnh: Hồ Long
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng trên căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học giáo dục và thực tiễn, đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Đặc biệt, tại Kết luận số 91-KL/TW ngày 12.8.2024, Bộ Chính trị đã khẳng định cần “sớm xây dựng Luật về nhà giáo”. Mục tiêu xây dựng Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý thuận lợi, thống nhất trong quản lý, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, khắc phục hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn.
Về vai trò, vị trí của nhà giáo (Điều 3), có ý kiến đề nghị cân nhắc sự cần thiết quy định “nhà giáo là nguồn nhân lực chất lượng cao”, “là bộ phận quan trọng trong đội ngũ trí thức”, được xã hội “bảo vệ, kính trọng, tôn vinh”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy ý kiến của đại biểu là xác đáng; xin tiếp thu, bỏ các nội dung trên trong khoản 1 Điều 3; đồng thời, bổ sung quy định “có vị thế quan trọng trong xã hội” để thống nhất với quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật Giáo dục hiện hành.
Có ý kiến đề nghị bổ sung vai trò của nhà giáo trong sáng tạo, ứng dụng tri thức mới; trong sự hình thành và phát triển nhân cách của học sinh.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng quy định hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo “là hoạt động có tính chuyên nghiệp, sáng tạo giúp người học phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực” (khoản 1 Điều 7); nêu rõ trách nhiệm của nhà giáo phải “vận dụng kết quả đào tạo, bồi dưỡng vào hoạt động giảng dạy, giáo dục, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng, đổi mới sáng tạo” (điểm đ, khoản 1 Điều 33); quy định nhà giáo có nghĩa vụ “phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, phát huy phẩm chất và năng lực của người học” (điểm d khoản 2 Điều 9).
Đã thể hiện đúng tinh thần đổi mới tư duy trong công tác lập pháp
Đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ cho rằng, việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đã thể hiện đúng tinh thần đổi mới tư duy trong công tác lập pháp, chỉ quy định những nội dung, chính sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội, đã được thực tiễn chứng minh tính ổn định.
Đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Một số ý kiến cho rằng, hồ sơ dự án Luật đã rà soát, bổ sung, hoàn thiện nội dung dự thảo 3 nghị định, 13 thông tư hướng dẫn gửi kèm Hồ sơ dự án Luật; rà soát, bổ sung nội dung đánh giá tác động về nguồn lực bảo đảm thực hiện đối với một số chính sách về đãi ngộ, trợ cấp, thu hút nhà giáo, việc bảo lưu chế độ đối với nhà giáo được điều động, biệt phái... bảo đảm sự phù hợp của các chính sách với điều kiện thực tiễn, khả năng chi trả của ngân sách nhà nước.
Về đạo đức nhà giáo (Điều 10), tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉ đạo chỉnh lý khoản 1 theo hướng quy định rõ đạo đức nhà giáo là các chuẩn mực về nhận thức, thái độ và hành vi ứng xử trong mối quan hệ của nhà giáo với người học, đồng nghiệp, gia đình người học, cộng đồng; quy định rõ đạo đức nhà giáo được thể hiện qua các quy tắc ứng xử của nhà giáo; đồng thời, giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy tắc ứng xử của nhà giáo. Nội dung liên quan nghĩa vụ chịu sự giám sát của xã hội đối với các hành vi ứng xử theo chuẩn mực đạo đức nhà giáo sẽ được cụ thể hóa trong văn bản hướng dẫn thi hành.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, đạo đức không phải là quy tắc mà là chuẩn mực ứng xử. Đạo đức nhà giáo là vấn đề rất khó định nghĩa, đạo đức nhà giáo là ứng xử của nhà giáo được mọi người đánh giá là có đạo đức, không có đạo đức, đạo đức cao, đạo đức thấp. Do đó, nên sửa thành Quy định về đạo đức nhà giáo; nếu dùng từ “đạo đức nhà giáo” thì phải viết lại.
Cùng quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, qua tham khảo các tài liệu thì tóm lại đạo đức là một hệ giá trị chuẩn mực song chưa thống nhất với nhau về khái niệm. Do đó, có thể quy định lại là quy tắc ứng xử hoặc quy tắc về đạo đức nhà giáo thì sẽ thuyết phục hơn.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Ở khía cạnh khác, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị, cần bổ sung thêm một điều khoản quy định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền trong việc bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên thì cần phải bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức sư phạm của mình.
Phát biểu kết luận nội dung làm việc, trên tinh thần mong muốn Luật Nhà giáo là luật mẫu mực Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu tối đa ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thiết kế vào dự thảo luật. Báo cáo giải trình, tiếp thu cần ngắn gọn lại, những điều đã thống nhất thì chúng ta không nêu lại mà chỉ nêu những vấn đề cần giải trình để tạo sự đồng thuận khi bấm nút thông qua.
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật gửi Chính phủ có ý kiến chính thức về các nội dung tiếp thu, chỉnh lý và tiếp cận với các luật đang sửa, trong đó có Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện dự thảo luật và các văn bản chi tiết để báo cáo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Chín.
N. Thành