Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Xã hội Nguyễn Đắc Vinh báo cáo trước Quốc hội (Ảnh: Quang Vinh)
Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, có một số ý kiến cho rằng Điều 15a chủ yếu quy định về nghĩa vụ, thiếu các quy định về quyền của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo và đề nghị rà soát để đảm bảo tính thống nhất giữa dự thảo Luật và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023. Nhiều ý kiến góp ý về nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã chỉnh lý Điều 15a gồm 3 khoản như sau: Khoản 1 quy định về quyền của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; Khoản 2 quy định về nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo nói chung; Khoản 3 quy định về nghĩa vụ của người có ảnh hưởng khi chuyển tải sản phẩm quảng cáo, ngoài nghĩa vụ chung được quy định tại khoản 2, có một số nghĩa vụ đặc thù; bỏ quy định về nghĩa vụ phải trực tiếp sử dụng sản phẩm khi quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội do tính khả thi chưa cao, khó kiểm soát và thực hiện.
Về yêu cầu nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt (khoản 11 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 19), theo ông Vinh, một số ý kiến góp ý cụ thể về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt. Một số ý kiến cho rằng cần giao Chính phủ quy định yêu cầu đối với nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt.
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận (Ảnh: Quang Vinh)
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật quy định những nguyên tắc chung và giao Chính phủ quy định danh mục, yêu cầu đối với nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt. Nội dung này cũng phải trình Quốc hội trong dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành luật cùng với hồ sơ dự thảo Luật.
Đối với quảng cáo trên báo in (khoản 13 Điều 1 dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Điều 21), ông Vinh thông tin có một số ý kiến đề nghị bỏ các quy định giới hạn về tỉ lệ diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí. Có ý kiến đề nghị giữ nguyên như quy định Luật hiện hành.
“Hiện nay, thị phần quảng cáo trên báo in đã giảm mạnh, do vậy, để hỗ trợ các cơ quan báo chí thực hiện tốt cơ chế tự chủ tài chính, đủ nguồn lực đầu tư, nâng cao chất lượng nội dung tin, bài, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với dự thảo Luật về việc điều chỉnh diện tích quảng cáo trên ấn phẩm báo, tạp chí không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí”, ông Vinh giải trình.
Liên quan đến một số ý kiến đề nghị đánh giá tác động kỹ lưỡng về việc thay đổi thời lượng quảng cáo, đặc biệt là trên phim trên Đài Truyền hình Việt Nam vào giờ vàng, ông Vinh cho rằng: Theo pháp luật về điện ảnh, phim Việt Nam được ưu tiên phát sóng vào khung thời gian từ 18 đến 22 giờ. Để hỗ trợ việc tạo nguồn thu, bảo đảm kinh phí cho việc sản xuất các bộ phim có chất lượng, phục vụ người xem của Đài Truyền hình Việt Nam trong bối cảnh quảng cáo trên truyền hình đang có xu hướng sụt giảm và thực hiện các nghĩa vụ pháp lý tại Luật Điện ảnh, dự thảo Luật xin giữ quy định về việc tăng thời lượng quảng cáo trong các chương trình phim truyện. Đồng thời, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chỉnh lý nội dung này như trong dự thảo Luật.
Đối với quảng cáo trên mạng và quảng cáo xuyên biên giới (khoản 15 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 23), có ý kiến đề nghị quy định về quảng cáo trên mạng và quảng cáo xuyên biên giới cần cụ thể hơn, quy định quyền và nghĩa vụ cụ thể của từng chủ thể tham gia thị trường. Có ý kiến đề nghị quy định rõ thẩm quyền xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo trên mạng, quảng cáo xuyên biên giới.
Về việc này, theo giải trình của ông Vinh, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo (Điều 15a); về nghĩa vụ của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người phát hành quảng cáo tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng (khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 23); về trách nhiệm của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng khi thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian để cung cấp dịch vụ (điểm g khoản 5 Điều 23).
Đối với quảng cáo xuyên biên giới, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng xác lập đây là loại hình quảng cáo cần quản lý, các chủ thể liên quan phải thực hiện nghĩa vụ thuế và tuân thủ pháp luật Việt Nam, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo trên mạng, quảng cáo xuyên biên giới phải ngăn chặn, gỡ bỏ quảng cáo vi phạm, trường hợp không thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền triển khai các biện pháp kỹ thuật ngăn chặn và thực hiện biện pháp xử lý theo quy định pháp luật.
Đối với quảng cáo rao vặt, có ý kiến đề nghị bổ sung, hoàn thiện quy định về quảng cáo rao vặt, trong đó xác định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc bố trí địa điểm quảng cáo rao vặt.
“Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã bổ sung quảng cáo rao vặt trong nội dung quy hoạch quảng cáo ngoài trời (khoản 1 Điều 37), đồng thời, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung trách nhiệm của UBND cấp tỉnh đối với hoạt động quảng cáo rao vặt trên địa bàn trong văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật”, ông Vinh cho hay.
Việt Thắng