Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc quản lý độ cao chướng ngại vật hàng không, các trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời và các đài, trạm vô tuyến điện hàng không tại Việt Nam.
Chướng ngại vật phải được cảnh báo hàng không
Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Văn bản hợp nhất số 20/VBHN-BQP, những chướng ngại vật sau đây phải được cảnh báo hàng không: Có độ cao vượt lên khỏi các bề mặt giới hạn chướng ngại vật của sân bay; nằm trong phạm vi vùng trời lân cận của sân bay, có độ cao từ 45m trở lên so với mức cao sân bay; nằm ngoài phạm vi vùng trời phụ cận có độ cao từ 45m trở lên so với mặt đất tự nhiên; các chướng ngại vật quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.
Những trường hợp được miễn trừ cảnh báo hàng không do Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam xem xét, quyết định và nêu trong văn bản chấp thuận độ cao công trình.
Những công trình, dự án phải được chấp thuận về quản lý độ cao công trình
Điều 9 Văn bản hợp nhất số 20/VBHN-BQP quy định những công trình, dự án phải được chấp thuận về quản lý độ cao công trình. Theo đó, các công trình, dự án này gồm:
- Công trình có độ cao vượt lên khỏi quy hoạch các bề mặt giới hạn chướng ngại vật của sân bay và những công trình nằm trong vùng phụ cận sân bay có độ cao từ 45m trở lên so với mức cao sân bay.
- Công trình có chiều cao vượt trên khu vực bề mặt giới hạn chướng ngại vật hàng không đã được công bố hoặc cao từ 45m trở lên so với mặt đất tự nhiên, nằm ngoài các khu vực, dự án quy hoạch đô thị, không gian đã được các bộ, ngành, địa phương thống nhất với Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam về độ cao theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 4 và Điều 8 Nghị định này.
Điểm b khoản 3 Điều 4 quy định: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt quy hoạch hệ thống sân bay chuyên dùng, bãi cất hạ cánh trên mặt đất, mặt nước, công trình nhân tạo và quy hoạch trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời. Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam ban hành quy hoạch các bề mặt tĩnh không cơ bản của sân bay quân sự, sân bay dân dụng, sân bay dùng chung, khu vực bay đặc biệt để làm cơ sở cho UBND cấp tỉnh, các cơ quan, đơn vị khi quy hoạch không gian đô thị, khu nhà ở cao tầng, khu hạ kỹ thuật công nghiệp bảo đảm thực hiện đúng về quản lý độ cao công trình theo quy định của pháp luật.
Còn Điều 8 Nghị định này quy định:
1. Các bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là UBND cấp tỉnh) trước khi phê duyệt đồ án quy hoạch chung hoặc đồ án quy hoạch chi tiết để xây dựng các khu đô thị, khu nhà ở cao tầng, khu hạ tầng kỹ thuật công nghiệp, khu kinh tế, khu đặc thù, khu công nghệ cao phải có văn bản lấy ý kiến của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam để thống nhất bề mặt quản lý độ cao công trình. Văn bản lấy ý kiến của Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam thực hiện theo trình tự, thủ tục được quy định tại Điều 10, 11 Nghị định này.
2. Cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng của địa phương phải tuân thủ đúng quy định về độ cao công trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận tại điểm b khoản 3 Điều 4 và Điều 11 Nghị định này.
- Hệ thống cột treo đèn chiếu sáng ở khu vực tĩnh không đầu các sân bay; tuyến đường dây tải điện cao thế, cáp treo, các trạm thu, phát sóng vô tuyến và các công trình điện gió; công trình nằm trong phạm vi ảnh hưởng và tiếp giáp với các khu vực bố trí trận địa quản lý, bảo vệ vùng trời và các đài, trạm vô tuyến điện hàng không.
Thủ tục đề nghị chấp thuận độ cao công trình
Thủ tục đề nghị chấp thuận độ cao công trình được quy định tại Điều 10 Văn bản hợp nhất số 20/VBHN-BQP. Cụ thể như sau:
1. Hồ sơ đề nghị chấp thuận độ cao công trình:
a) Văn bản đề nghị chấp thuận độ cao công trình thực hiện theo Mẫu số 01- ĐNCTĐC (đối với tổ chức) và Mẫu số 02-ĐNCTĐC (đối với cá nhân) tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao bản đồ hoặc sơ đồ không gian, vị trí khu vực xây dựng công trình có đánh dấu vị trí xây dựng công trình;
c) Bản sao một trong những giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu, quản lý, sử dụng công trình, nhà ở theo quy định của pháp luật.
Mẫu đơn đề nghị chấp thuận độ cao công trình thực hiện đối với tổ chức.
Mẫu đơn đề nghị chấp thuận độ cao công trình thực hiện đối với cá nhân.
2. Cơ quan cấp phép xây dựng hoặc chủ đầu tư, chủ sở hữu công trình lập 1 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này, gửi đến Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu bằng hình thức trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Quốc phòng. Trường hợp nộp hồ sơ trực tuyến thì gửi bản điện tử hoặc bản sao điện tử các thành phần hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Địa chỉ tiếp nhận hồ sơ đề nghị chấp thuận độ cao công trình của tổ chức, cá nhân, chủ đầu tư:
a) Cơ quan tiếp nhận: Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam;
b) Địa chỉ và hộp thư tiếp nhận: số 1 Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, thành phố Hà Nội;
c) Số điện thoại liên hệ: 069.696.172; 069.696.108; fax: 04.37337994.
QĐND