Hơn một thập kỷ qua, Quỹ HTND tỉnh Tiền Giang đã trở thành một công cụ tài chính quan trọng, giúp hàng ngàn hộ nông dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng cuộc sống. Không đơn thuần là một kênh tín dụng, Quỹ HTND mang tính đặc thù khi không vì lợi nhuận, không kinh doanh tiền tệ, mà hoạt động dựa trên sự đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân và ngân sách địa phương, tạo nên một nguồn lực tài chính vững chắc, hỗ trợ kịp thời cho nông dân.
Quỹ HTND tỉnh Tiền Giang giải ngân Dự án “Chăn nuôi dê sinh sản, dê thịt” tại xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông.
Việc vận hành Quỹ được thực hiện theo cơ chế minh bạch, lãi suất thu về chỉ ở mức tối thiểu nhằm duy trì hoạt động và đảm bảo nguồn vốn quay vòng, tiếp tục hỗ trợ cho các hộ nông dân khác. Nhờ đó, Quỹ đã tạo ra một hệ thống tài chính linh hoạt, kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là những hộ chưa có điều kiện tiếp cận với các nguồn tín dụng chính thống.
Sau hơn 12 năm hoạt động, tổng nguồn vốn của Quỹ đã đạt hơn 85,3 tỷ đồng, với 204 dự án được triển khai và hơn 4.776 lượt hộ nông dân được hỗ trợ vay vốn; tổng số tiền cho vay lên đến 103,5 tỷ đồng, giúp nhiều hộ gia đình vượt qua khó khăn tài chính để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Tác động của Quỹ HTND không chỉ dừng lại ở việc cung cấp vốn, mà còn góp phần thay đổi tư duy và phương thức sản xuất của nông dân. Thay vì canh tác nhỏ lẻ, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả ngày càng được nhân rộng, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Quá trình hỗ trợ vốn của Quỹ tập trung vào các lĩnh vực sản xuất chủ lực của địa phương như trồng cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển hoa kiểng. Nhờ đó, nhiều hộ nông dân không chỉ thoát nghèo, mà còn vươn lên làm giàu, hình thành các mô hình kinh tế trang trại, hợp tác xã liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Việc gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và thị trường giúp người dân tránh được tình trạng “được mùa mất giá”, ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Nhiều dự án được triển khai từ Quỹ HTND đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Tiêu biểu trong số đó là Dự án Chăm sóc cây sầu riêng tại xã Hiệp Đức (huyện Cai Lậy) và xã Mỹ Tân (huyện Cái Bè), với tổng vốn 500 triệu đồng, hỗ trợ 14 hộ dân tại mỗi địa phương. Nhờ nguồn vốn này, nông dân có điều kiện đầu tư phân bón, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến và mở rộng diện tích trồng trọt.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, Dự án Nuôi dê sinh sản, dê lấy thịt tại Long Bình (huyện Gò Công Tây) và Phước Thạnh (TP. Mỹ Tho) đã hỗ trợ 20 hộ dân tại mỗi địa phương, với số vốn 500 triệu đồng. Nhờ đó, các hộ chăn nuôi có cơ hội phát triển mô hình theo hướng hiện đại, đảm bảo chất lượng sản phẩm và đầu ra ổn định.
Bên cạnh đó, Dự án Chăn nuôi bò sinh sản tại huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây và TP. Gò Công đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác giảm nghèo, giúp nhiều hộ gia đình cải thiện thu nhập và ổn định cuộc sống.
Ông Lê Văn Đức, một hộ cận nghèo tại xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo, là một trong những người hưởng lợi từ dự án. Chia sẻ về cơ hội này, ông Đức cho biết: “Vào đầu năm 2024, khi xã triển khai tiểu dự án vay vốn nuôi bò sinh sản, tôi quyết định tham gia vì tin rằng đây là hướng đi phù hợp để phát triển kinh tế gia đình”.
Nhờ nguồn vốn hỗ trợ, ông Đức đã mua được 2 con bò cái giống và chăm sóc theo hướng dẫn của cán bộ dự án. Sau 7 tháng, ông bán 1 con bò để hoàn trả 30% vốn vay theo quy định, giữ lại con còn lại để tiếp tục phát triển chăn nuôi. Ông Đức khẳng định: “Dự án không chỉ giúp tôi có công việc ổn định mà còn mở ra cơ hội thoát nghèo bền vững”.
Không chỉ dừng lại ở trồng trọt và chăn nuôi, Quỹ còn tạo điều kiện phát triển các ngành nghề đặc trưng của địa phương. Dự án trồng và kinh doanh hoa kiểng tại phường 9 (TP. Mỹ Tho) đã hỗ trợ 20 hộ dân, với tổng vốn 400 triệu đồng, góp phần thúc đẩy ngành hoa kiểng phát triển theo nhu cầu thị trường.
Bên cạnh tác động kinh tế, Quỹ HTND còn có vai trò quan trọng trong việc tạo việc làm và giữ chân lao động tại địa phương. Với hơn 34.600 lượt lao động được tạo việc làm từ các dự án vay vốn, hàng ngàn hộ gia đình đã có thu nhập ổn định, giảm áp lực di cư lên thành phố. Đồng thời, nguồn vốn từ Quỹ cũng giúp hạn chế sự phát triển của tín dụng đen ở nông thôn, góp phần ổn định xã hội và giảm thiểu những rủi ro tài chính cho người dân.
Hoạt động của Quỹ HTND cũng đã thúc đẩy các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, góp phần xây dựng nông thôn mới. Từ những thành công này, Hội Nông dân ngày càng thu hút đông đảo hội viên tham gia, tạo sự gắn kết giữa tổ chức Hội và người dân. Đến cuối năm 2024, số lượng hội viên Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang đã đạt 267.869 người, minh chứng cho sự lan tỏa mạnh mẽ của các hoạt động hỗ trợ nông nghiệp.
NÂNG CAO HIỆU QUẢ SỬ DỤNG VỐN
Nhìn về chặng đường phía trước, Quỹ HTND tỉnh Tiền Giang không chỉ tiếp tục mở rộng quy mô, mà còn đặt ra mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, giúp nông dân sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững và có giá trị gia tăng cao hơn.
Các cấp Hội Nông dân trên địa bàn Tiền Giang thường xuyên quan tâm hỗ trợ kỹ thuật sản xuất cho nông dân yên tâm phát triển mô hình từ Quỹ HTND. Ảnh: VĂN THẢO
Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Toàn cho biết, một trong những ưu tiên hàng đầu là quản lý tốt nguồn vốn, cho hộ vay đúng đối tượng, đáp ứng ngay nhu cầu sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, thực hiện dự án hiệu quả làm tăng năng xuất, chất lượng và thu nhập cho hội viên nông dân; đảm bảo nguồn vốn cho các hội viên được tiếp cận luân phiên, tránh nợ xấu; thực hiện tốt việc đề xuất UBND các cấp chuyển nguồn từ nguồn vốn đầu tư để tăng nguồn hỗ trợ, thực hiện 2% gia tăng nguồn vốn huy động theo Nghị định 37/2023 của Chính phủ từ đóng góp của hội viên nông dân có điều kiện, các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài tỉnh để mở rộng đối tượng hỗ trợ. Đồng thời, việc nâng cao chất lượng quản lý, giám sát sẽ giúp đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, tránh thất thoát và lãng phí.
Bên cạnh đó, Quỹ HTND sẽ tập trung vào việc hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Việc khuyến khích sử dụng giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao, áp dụng mô hình canh tác thông minh và cơ giới hóa sẽ giúp tăng năng suất, giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, phát triển mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là một hướng đi quan trọng, giúp nông dân không chỉ tập trung vào sản xuất, mà còn tham gia vào quá trình chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo đầu ra ổn định và nâng cao lợi nhuận.
Đồng thời, Quỹ sẽ đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn giúp nông dân tiếp cận với những kiến thức mới về quản lý tài chính, thị trường và kinh doanh. Thay vì chỉ hỗ trợ vốn đơn thuần, việc nâng cao kỹ năng và kiến thức cho nông dân sẽ giúp họ chủ động hơn trong sản xuất, tránh phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Quỹ HTND trên địa bàn Tiền Giang, với những thành công đã đạt được, sẽ tiếp tục là một trong những giải pháp quan trọng giúp nông dân vươn lên làm giàu; đồng thời, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới.
LÊ MINH