Quy hoạch phải đi trước một bước
Tính đến nay, quy hoạch Hà Nội đã trải qua 8 lần điều chỉnh. Quy hoạch gắn với từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội và cả đổi mới, sáng tạo trong đô thị hóa Thủ đô. Năm 1954, Hà Nội có diện tích 152km2 với dân số 370.000 người ở nội thành và 160.000 người ở ngoại thành. Để xứng với tầm vóc là Thủ đô của cả nước, kỳ họp Quốc hội khóa II kỳ 2 đã quyết định Hà Nội mở rộng với diện tích 584km2 và 910.000 dân.
Quy hoạch Hà Nội đã trải qua 8 lần điều chỉnh. Ảnh: Tiến Hào.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, ngay từ giai đoạn này, Chính phủ và thành phố Hà Nội đã khẳng định, cần phải sớm có quy hoạch chung Thủ đô để định hướng cho xây dựng và làm cơ sở cho phát triển kinh tế - xã hội. Năm 1959, Bác Hồ căn dặn "phải có quy hoạch trước, tránh làm rồi lại phá đi".
Sau khi Bộ Chính trị ra nghị quyết, đoàn chuyên gia Liên Xô đã nghiên cứu lập phương án quy hoạch cải tạo Thủ đô quy mô 20.000ha và khoảng 1 triệu dân, có xu hướng phát triển về phía Bắc sông Hồng.
Điều chỉnh quy hoạch phù hợp với thời chiến
Khi chiến tranh ở miền Nam trở nên ác liệt, Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc. Hà Nội bị đe dọa bởi chiến tranh nên phải tính đến phương án phân tán, chú trọng yếu tố an ninh - quốc phòng. Vì vậy, phải điều chỉnh lại Quy hoạch của Thủ đô, tập trung phát triển ở phía Nam sông Hồng, phía Tây trục đường 21.
Giữa thời kỳ đánh phá ác liệt của chiến tranh phá hoại, Hà Nội lại bị đe dọa bởi thiên tai lũ lụt. Trong bối cảnh đó, cần xem xét lại hướng phát triển của Thủ đô, gắn kết với khu vực xung quanh Sơn Tây, Xuân Mai.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ toàn thắng, đất nước thống nhất mở ra cả giai đoạn mới phát triển Thủ đô. Năm 1976, Hội đồng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2000 với quy mô dân số là 1,5 triệu dân.
Hà Nội xác định phải sớm có quy hoạch chung Thủ đô để định hướng cho xây dựng và làm cơ sở cho phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Tiến Hào.
Trong đó, ngoại thành Hà Nội là vành đai xanh cung cấp thực phẩm, nơi bố trí các hoạt động văn hóa nghỉ ngơi, các công trình đầu mối giao thông và vành đai bảo vệ môi trường.
Với định hướng như vậy, tháng 12/1978, Chính phủ đã có quyết định phân định lại ranh giới Hà Nội. Các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức, thị xã Sơn Tây, Hà Đông và một số xã của tỉnh Hà Sơn Bình sáp nhập vào Hà Nội. Thủ đô mở rộng diện tích lên 2.136km2 với dân số 3,5 triệu người.
Việc phát triển đô thị gắn với an ninh - quốc phòng một cách rõ ràng, cụ thể hơn. Các chuyên gia nước ngoài đã phối hợp nghiên cứu, điều chỉnh tổng mặt bằng quy hoạch Thủ đô đến năm 2000 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 100/TTg ngày 24/4/1981.
Xây dựng Thủ đô hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc
Khi đô thị có nhiều yếu tố mới xuất hiện sẽ đòi hỏi phải có sự điều chỉnh quy hoạch. Năm 1984, Hà Nội điều chỉnh về tổ chức không gian nhưng vẫn giữ nguyên các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật. Do mối quan hệ với vùng và cơ cấu đô thị với vùng ngoại thành, ranh giới Hà Nội được điều chỉnh và chuyển lại 7 huyện về Hà Tây, Vĩnh Phúc.
Tổng mặt bằng quy hoạch Thủ đô Hà Nội được nghiên cứu lại theo chỉ đạo của Chính phủ. Ngày 18/4/1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phê duyệt Quy hoạch điều chỉnh Thủ đô Hà Nội đến năm 2010.
Quy hoạch xác định Hà Nội chủ yếu phát triển về phía Nam sông Hồng. Dân số nội thị dự kiến là 1,3 triệu vào năm 2000 và 1,5 triệu vào năm 2010. Chỉ tiêu đất đô thị bình quân là 43,7m2/người.
Do mối quan hệ với vùng và cơ cấu đô thị với vùng ngoại thành, ranh giới Hà Nội đã được điều chỉnh (Ảnh: Tiến Hào).
Nhưng trong quá trình thực hiện quy hoạch năm 1992, các vấn đề dự báo và nghiên cứu trong quy hoạch trước đây có một số điểm không còn phù hợp. Đặc biệt, cần có đột phá để xây dựng Hà Nội trở thành một thành phố hiện đại, trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật của cả nước, xứng đáng là Thủ đô của một nước 100 triệu dân vào đầu thế kỷ 21.
Do đó, Bộ Xây dựng cùng UBND thành phố Hà Nội đã nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998.
Quy hoạch xác định mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố vừa dân tộc, vừa hiện đại, đậm đà bản sắc và truyền thống nghìn năm văn hiến, đồng thời là trung tâm đầu não về chính trị, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học kỹ thuật, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước…
Quy hoạch Hà Nội "xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại"
Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện quy hoạch Hà Nội năm 1998 tiếp tục cho thấy một số thách thức trong phát triển Thủ đô.
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, sự phát triển của Hà Nội phải gắn với định hướng phát triển vùng kinh tế trọng điểm, nhưng khó khăn là sự phối hợp đa ngành. Tốc độ tăng dân số mạnh, nhưng cấu trúc mô hình Thủ đô là thách thức lớn. Hà Nội là đô thị có quá trình phát triển hàng nghìn năm nên phát triển đô thị luôn gắn với việc bảo tồn di sản…
Từ những tồn tại nêu trên và để tạo điều kiện quy hoạch Hà Nội xứng tầm là Thủ đô của cả nước, Quốc hội khóa XIII đã có Nghị quyết về điều chỉnh địa giới Hà Nội. Năm 2008, tỉnh Hà Tây, 4 xã của Hòa Bình và huyện Mê Linh của Vĩnh Phúc được sáp nhập vào Hà Nội. Quy mô của Thủ đô nâng từ 924km2 lên 3.344km2 với dân số 6,4 triệu người.
Ngày 26/7/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
Quy hoạch Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng Thủ đô trở thành thành phố "xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại". (Ảnh: Tiến Hào).
Quy hoạch có mục tiêu phát triển Hà Nội bền vững, có cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản di tích lịch sử với phát triển kinh tế; xây dựng Hà Nội trở thành thành phố "xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại", là đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế…
Nhưng sau 70 năm kể từ ngày giải phóng, công tác đô thị hóa của Hà Nội vẫn bộc lộ một số tồn tại. Bên cạnh đó, Luật Quy hoạch 2017 đòi hỏi phải lập quy hoạch tích hợp.
Vì vậy, Chính phủ đã có Quyết định số 1569/QĐ-TTg ngày 12/12/2024 phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 27/12/2024 phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về quy hoạch Hà Nội đã nhấn mạnh phát triển trục sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, biểu tượng phát triển mới của Thủ đô; xây dựng đô thị thông minh, từng bước tạo ra chùm đô thị, đô thị vệ tinh, xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô; phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD); phát triển công nghiệp văn hóa, giải trí, du lịch, kết nối với không gian truyền thống.
Với những định hướng, giải pháp cụ thể nêu trong quy hoạch Hà Nội và chính sách đặc thù trong Luật Thủ đô 2024 sẽ góp phần thực hiện mục tiêu phát triển Thủ đô trở thành thành phố "xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại" vào năm 2030.
Hữu Mạnh