Hàng cây Bồ Đề được trồng xanh tốt trên tuyến đường vào Khu du lịch sinh thái Tràng An. Ảnh: Anh Tuấn
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, ngay sau khi được công nhận là đô thị loại 1, thành phố Hoa Lư đã được giao trọng trách trở thành hình mẫu của “Đô thị di sản”. Vậy, việc xây dựng một không gian xanh có ý nghĩa như thế nào trong sự phát triển bền vững của thành phố Hoa Lư?
Đồng chí (Đ/c) Bùi Thiện Thi: Cây xanh, không gian xanh được ví như lá phổi của đô thị nói chung và là một hợp phần không thể thiếu trong hệ sinh thái xanh của Đô thị di sản. Ngoài các giá trị đã được biết đến như điều hòa khí hậu, ngăn bụi, giảm tiếng ồn... còn rất nhiều giá trị khác mà người ta không thể ngờ tới. Trong nhiều trường hợp, niềm tự hào của công dân về thành phố không phải là tăng trưởng kinh tế, công trình cao tầng mà lại là cây xanh, mặt nước. Công viên cây xanh, vỉa hè các tuyến phố làm cho quan hệ cộng đồng gắn bó hơn.
Với phương châm phát triển “Xanh và bền vững”, nhiều năm qua, tỉnh Ninh Bình đã quan tâm chỉ đạo các địa phương chú trọng phát triển đô thị xanh, đô thị sinh thái thân thiện với môi trường. Nhờ vậy, tổng diện tích đất trồng cây xanh đô thị của thành phố Hoa Lư đến nay đạt gần 1,46 triệu m2 . 100% các phường thực hiện tốt quy chế về quản lý quy hoạch, kiến trúc cảnh quan đô thị.
Cùng với đó, kết cấu hạ tầng, kiến trúc, cảnh quan khu vực ngoại thành của Hoa Lư cũng mang đậm dấu ấn khác biệt của vùng đất Cố đô, phát triển theo triết lý “đô thị-nông thôn hòa hợp”, nhiều khu vực đô thị hóa nhanh chóng. Di sản cảnh quan nông nghiệp được tích hợp vào phát triển Đô thị di sản thiên niên kỷ theo hướng xanh-sạch-đẹp-an toàn.
Những yếu tố trên không chỉ tạo nên một thành phố Hoa Lư có không gian xanh mà còn giúp tạo lập bản sắc, làm nổi bật vẻ đẹp kiến trúc cố kính, tạo nên bối cảnh hài hòa giữa di sản và thiên nhiên. Hơn nữa, cảnh quan tươi đẹp, xanh mát chắc chắn sẽ hấp dẫn, thu hút du khách, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
PV: Như vậy, không gian xanh đóng một vai trò rất quan trọng, vậy thành phố đã có những hành động cụ thể nào để mở rộng, phát triển không gian xanh và kết quả đạt được ra sao, thưa đồng chí?
Đ/c Bùi Thiện Thi: Thành phố Hoa Lư có lợi thế sở hữu di sản hỗn hợp thế giới duy nhất của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á là Quần thể danh thắng Tràng An. Đây là tài sản vô giá của quốc gia và thế giới và là động lực, nền tảng cho sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố. Ngay sau khi thành lập và được công nhận là đô thị loại 1, quy hoạch cây xanh đô thị là một trong những vấn đề được thành phố Hoa Lư ưu tiên quan tâm.
Trên cơ sở Quy hoạch xây dựng và phát triển hệ thống cây xanh đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của UBND tỉnh và nhiều văn bản pháp lý đồng bộ khác, việc quản lý cây xanh ngày càng được thực hiện tốt hơn, từ khâu lập quy hoạch đến khi thực hiện theo quy hoạch và quản lý cây xanh theo quy hoạch.
Đặc biệt, từ năm 2021, thực hiện Đề án “Trồng một tỷ cây xanh” do Chính phủ phát động, thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư (nay là thành phố Hoa Lư) đã huy động mọi nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa để hoàn thành kế hoạch theo phân bổ.
Nổi bật như việc xã hội hóa trồng hơn 100 cây cọ trên dải phân cách đường Đào Duy Từ (đoạn từ Trần Hưng Đạo đến Tôn Đức Thắng); cải tạo, chỉnh trang vườn hoa đền Đồng Bến (phường Đông Thành), diện tích khoảng 4.400m2 ; trồng 100 cây sao đen khu vực Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế (tuyến đường Nguyễn Bặc); trồng 10 ha cây xanh khu vực phía Đông Nhà thi đấu thể dục thể thao tỉnh... Lũy kế, trong 4 năm (từ 2021 đến 2024), toàn thành phố đã trồng được gần 15 vạn cây xanh phân tán các loại.
Hàng năm, cùng với các địa phương trong toàn tỉnh, thành phố đều tổ chức Tết trồng cây đầu Xuân. Việc trồng cây đã đi vào thực chất, trồng đi đôi với chăm sóc, bảo vệ, quản lý, giám sát để bảo đảm cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Các hoạt động trồng cây, trồng rừng góp phần tạo thêm cảnh quan, bóng mát, nâng cao tỷ lệ cây xanh trên đầu người của thành phố.
Cùng với công tác trồng, khoanh nuôi, quản lý, bảo vệ phát triển rừng, thành phố chú trọng quy hoạch, tạo lập hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, qua đó giúp cải thiện đáng kể cảnh quan, môi trường. Nhiều tuyến đường trên địa bàn được nâng cấp, trồng 1 loại cây đặc trưng tạo điểm nhấn, nét đẹp cho không gian đô thị.
PV: Theo đồng chí, công tác phát triển cây xanh đô thị của thành phố Hoa Lư còn có những tồn tại, thách thức gì?
Đ/c Bùi Thiện Thi: Bên cạnh kết quả đạt được, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận một thực tế là hệ thống cây xanh đô thị của thành phố vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về môi trường cảnh quan. Tỷ lệ và diện tích cây xanh đô thị còn ở mức thấp; chưa hình thành rõ nét xu hướng hạ tầng xanh cho phát triển đô thị; chưa lựa chọn được các loài cây bản địa phù hợp, bền vững trên các tuyến đường giao thông, trong khu dân cư, đô thị, điểm du lịch để thực sự tạo ra nét đặc sắc riêng của thành phố. Nguyên nhân một phần là do công tác quản lý quy hoạch, duy trì diện tích đất cho trồng cây xanh đô thị chưa được quan tâm đúng mức; trong quá trình quy hoạch phát triển cây xanh cũng chưa chú trọng nhiều đến yếu tố văn hóa bản địa. Việc phối hợp giữa cơ quan quản lý trực tiếp cây xanh với các đơn vị quản lý hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế…
PV: Với tầm nhìn của thành phố di sản, thời gian tới, công tác quy hoạch không gian xanh sẽ được triển khai thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?
Đ/c Bùi Thiện Thi: Cây xanh luôn được xem là một trong những yếu tố phản ánh văn minh đô thị. Hoa Lư không chỉ được tạo hóa ưu ái, ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú, non nước hữu tình mà còn có nhiều di tích lịch sử-văn hóa đặc biệt quan trọng. Chính vì vậy, ngoài việc đảm bảo chỉ tiêu về tỷ lệ cây xanh/người theo quy định, khi xây dựng không gian xanh cho thành phố cần rất thận trọng, làm sao để gửi gắm được thông điệp, câu chuyện nhân văn đằng sau, từ đó tạo nên bản sắc riêng có về văn hóa của vùng đất, con người miền Cố đô.
Tới đây, thành phố sẽ có các giải pháp cụ thể nhằm phát triển không gian đô thị hài hòa với cảnh quan tự nhiên đặc thù. Đi theo mô hình “rừng trong phố-phố trong rừng”, trong đó, chú trọng phát triển các trục cây xanh, mặt nước tiếp cận, dẫn dắt từ khu vực Quần thể danh thắng Tràng An đến đô thị Hoa Lư hiện hữu.
Đưa thêm các chức năng công cộng, văn hóa, thể dục thể thao và các giải pháp trồng cây xanh để tạo nên không gian công cộng cho cộng đồng và du khách. Đẩy mạnh việc nghiên cứu sưu tầm, chọn lọc, nhân giống những chủng loại cây bản địa phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu tại địa phương để trồng mới, trồng thay thế các chủng loại không phù hợp nhằm làm phong phú, đa dạng, phát triển bền vững hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố. Trồng cây xanh đường phố theo chủ đề, phát triển không gian xanh trong mỗi hộ gia đình, từ đó tạo cho mỗi con đường, góc phố, đô thị có những đặc tính riêng, bản sắc riêng.
Để có căn cứ triển khai, thực hiện đồng bộ, đảm bảo tính khoa học và thực tiễn, thời gian tới, thành phố Hoa Lư sẽ tổ chức Hội thảo khoa học “Cây xanh và hoa trong đô thị di sản” với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý Nhà nước về đô thị; từ đó thành phố Hoa Lư sẽ định hình lộ trình, bước đi bài bản theo từng giai đoạn để xây dựng một không gian xanh cho thành phố di sản “hình mẫu” của quốc gia.
PV: Đồng chí có thể gợi mở một vài định hướng trong tương lai để cư dân địa phương và du khách sẽ đóng góp vào quá trình xây dựng và bảo vệ không gian xanh?
Đ/c Bùi Thiện Thi: Nhằm tăng diện tích cây xanh, bên cạnh nguồn lực của Nhà nước thì thành phố cũng sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa nhằm huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân và cả du khách trong việc đầu tư trồng mới cây xanh. Kêu gọi các nhà đầu tư, đầu tư vào hệ thống công viên cây xanh, kết hợp với các dịch vụ vui chơi, giải trí. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, du khách về bảo vệ cây xanh, mặt nước, tạo không gian sống xanh, sạch, đẹp; vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện trồng và bảo vệ cây xanh đô thị bằng những hành động, việc làm thiết thực như chăm sóc, bảo vệ cây xanh trước cửa nhà mình; trang trí nhà cửa, mặt tiền bằng các cây xanh, cây hoa, cây cảnh...
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Song Nguyễn (thực hiện)