Cây xanh được trồng và chăm sóc xanh tốt trên các tuyến đường thuộc Khu đô thị Xuân Thành (thành phố Hoa Lư). Ảnh: Anh Tuấn
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến môi trường. Mùa Xuân Canh Tý (1960), Người phát động Tết trồng cây đầu tiên và căn dặn Nhân dân phải tích cực trồng cây, gây rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Từ đó đến nay, cứ mỗi độ Xuân về, Nhân dân cả nước lại hưởng ứng “Tết trồng cây” làm theo lời Bác, trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Với tỉnh ta, kiên định với phương châm phát triển “Xanh, bền vững và hài hòa”, cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và đông đảo các tầng lớp nhân dân đã tích cực triển khai các kế hoạch trồng cây, bảo vệ và phát triển rừng. Điều này giúp diện mạo khắp các vùng đô thị, nông thôn trên địa bàn ngày càng xanh hơn, đẹp hơn.
Tại huyện Nho Quan, địa phương có tiềm năng thế mạnh về lâm nghiệp, nhiều năm qua, phong trào trồng rừng đã mang lại nhiều lợi ích. Từ phong trào này đã góp phần quan trọng cải tạo vườn tạp, xây dựng nhiều mô hình trang trại đồi rừng mang lại thu nhập đáng kể cho người dân.
Chúng tôi đến thăm mô hình nông lâm kết hợp của gia đình ông Bùi Trung Hiếu (thôn Bãi Lóng, xã Thạch Bình). Ở đây, ngoài rừng keo, ở dưới chân đồi còn có bạt ngàn các loại cây ăn quả, thanh long, bưởi, mít, sim... cây nào cây ấy xanh mướt, trĩu quả.
Ông Hiếu hồ hởi khoe: Từ khi được cán bộ Kiểm lâm tuyên truyền hướng dẫn bà con chúng tôi trồng và bảo vệ rừng, màu xanh mới hiện hữu, đất đai không bị xói mòn nữa, nguồn nước ngầm cũng dồi dào hơn. Từ đó, người dân chúng tôi mới có thể trồng và phát triển các loại cây ăn quả. Trung bình mỗi năm gia đình thu nhập khoảng 100 triệu từ cây ăn quả, riêng diện tích rừng là “của để dành”.
Đồng chí Vũ Dũng, Chủ tịch UBND xã Thạch Bình cho biết: Thạch Bình có diện tích rừng lớn với hơn 1.000 ha, trong đó có 600 ha rừng sản xuất còn lại là rừng phòng hộ, thời gian qua, xã đã chỉ đạo các ngành và các khu dân cư thực hiện tốt công tác chăm sóc và bảo vệ rừng, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả của việc trồng rừng gắn với bảo vệ tài nguyên rừng hiện có. Đồng thời, phát động phong trào thi đua trồng cây, trồng hoa, tại các trụ sở cơ quan, trường học, khu dân cư, tạo không gian sinh thái xanh-sạch-đẹp gắn với xây dựng nông thôn mới. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái và giảm tác động của biến đổi khí hậu.
Không chỉ tại huyện Nho Quan, xác định trồng cây xanh, bảo vệ rừng là việc làm quan trọng, gắn liền với quá trình phát triển toàn diện, góp phần làm đẹp thêm cảnh quan, phát huy tiềm năng du lịch sinh thái, các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, địa phương, Nhân dân trong toàn tỉnh đều tích cực hưởng ứng phong trào này.
Từ năm 2021 đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã huy động được hơn 106.722 triệu đồng để trồng mới gần 3,2 triệu cây xanh. Đặc biệt, năm 2023, được sự tài trợ của Chính phủ Hàn Quốc (thông qua Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc KFS), Ninh Bình đã khởi động chương trình trồng mới và trồng bổ sung phục hồi 260 ha rừng ngập mặn tại vùng ven biển huyện Kim Sơn. Riêng năm 2024, tỉnh tiếp tục trồng mới được 1,2 triệu cây xanh nữa. Điều này thể hiện hành động và quyết tâm mạnh mẽ của tỉnh trong việc giữ gìn màu xanh cho quê hương.
Học sinh xã Gia Hưng (Gia Viễn) tham gia trồng cây đầu Xuân. Ảnh: Anh Tuấn
Ninh Bình tự hào có Vân Long-Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, được Ủy ban Danh lục Xanh toàn cầu (IUCN) phê duyệt và chứng nhận là Danh lục xanh đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á, hay Cúc Phương nhiều năm liền được World Travel Awards vinh danh là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á; hay Khu rừng Văn hóa-Lịch sử-Môi trường Hoa Lư nằm trọn trong vùng di sản Quần thể Danh thắng Tràng An...
Có thể khẳng định chính việc bảo vệ, giữ gìn nguyên vẹn những cánh rừng đã giúp tỉnh ta ngày càng khẳng định được những giá trị nổi bật về đa dạng sinh học, về tài nguyên thiên nhiên và môi trường, từ đó thúc đẩy ngành Du lịch ngày càng phát triển.
Thời gian tới, để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, tạo bước đột phá trồng cây xanh, tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái; tiếp tục xây dựng, phát triển bản sắc đặc trưng vùng sinh thái di sản thiên nhiên văn hóa, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu xây dựng Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ vào năm 2035, mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU về tăng cường công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội trong tỉnh phải xác định trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung, ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, tạo sự thống nhất cao, thực chất trong nhận thức, hành động của mọi tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc trồng cây xanh, cải tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường sinh thái.
Bên cạnh đó, thực hiện rà soát quy hoạch xây dựng và phát triển hệ thống cây xanh đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 gắn với phát triển hạ tầng xanh, bảo đảm quan điểm, tầm nhìn phát triển đô thị di sản thiên niên kỷ.
Tiếp tục thực hiện hiệu quả Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Tập trung công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, lựa chọn loại cây, vị trí trồng theo quy hoạch và đề án được phê duyệt phù hợp với tình hình thực tiễn, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong phát triển du lịch, phát huy giá trị di sản, xây dựng bản sắc và thương hiệu của địa phương.
Rà soát diện tích khu vực ven biển, diện tích đất trống, các diện tích đã đóng cửa mỏ có thể trồng cây xanh, diện tích cần cải tạo, thay thế cây xanh; xây dựng lộ trình thực hiện việc trồng cây gắn với xây dựng cảnh quan. Tập trung xây dựng các quy định, thiết chế, cơ chế, giải pháp cụ thể để quản lý, bảo tồn cây bản địa, cây di sản. Điều tra, rà soát, thiết lập hồ sơ lý lịch cây di sản.
Nghiên cứu bổ sung chức năng, nhiệm vụ, nguồn lực cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Ninh Bình để thực hiện nhiệm vụ trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh. Mỗi người dân, mỗi cơ quan, đoàn thể hãy tiếp tục hưởng ứng phong trào trồng cây, bảo vệ rừng để cùng nhau kiến tạo Ninh Bình trở thành “ngôi nhà xanh”, là điểm đến hấp dẫn với du khách và các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Nguyễn Lựu