Quy hoạch TP Thủ Đức thành trung tâm liên kết và phát triển mạnh

Quy hoạch TP Thủ Đức thành trung tâm liên kết và phát triển mạnh
4 giờ trướcBài gốc
Theo ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức, quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của TP Thủ Đức, một đô thị loại 1.
Theo đồ án quy hoạch, TP Thủ Đức sẽ là đầu mối giao thông của vùng Đông Nam Bộ về đường bộ, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa và trung tâm phía Đông về kinh tế, khoa học kỹ thuật, công nghệ, văn hóa, giáo dục đào tạo. Quy mô dân số đến năm 2030 đạt khoảng 1,8 triệu người, năm 2040 tăng lên 2,6 triệu người và sau năm 2040 là 3 triệu người.
Về không gian, TP Thủ Đức được chia thành 9 phân vùng tương ứng với 11 trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó sẽ phát triển 9 tuyến đường sắt đô thị và liên vùng kết nối TP Thủ Đức với các quận, huyện khác của TP Hồ Chí Minh và sân bay quốc tế Long Thành; phát triển nhiều tuyến đường mới, có tính kết nối liên vùng như đường Liên cảng Cát Lái - Phú Hữu - Nút giao Vành Đai 3 - Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, tuyến nối đường Vành đai 2 vào cao tốc TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành…
Cảng Cát Lái ở TP Thủ Đức - cảng container lớn nhất cả nước.
Thời điểm khảo sát, lập đề án thành lập TP Thủ Đức - mô hình thành phố thuộc thành phố đầu tiên của cả nước cách đây hơn 5 năm, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh khi đó xác định, chỉ riêng Khu Công nghệ cao ở quận 9 cũ đã đóng góp khoảng 28% kinh tế TP Hồ Chí Minh. Nếu cộng thêm một số khu công nghiệp trên địa bàn cùng Khu chế xuất Linh Trung và một số đơn vị kinh tế lớn khác ở TP Thủ Đức như Cảng Cát Lái, thì TP Thủ Đức đã đóng góp không dưới 30% kinh tế của TP Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, thế mạnh của TP Thủ Đức có 5 loại hạ tầng: Hạ tầng liên quan đến công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo với mũi nhọn là Khu Công nghệ cao, khu đào tạo đại học và tương lai là Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước; hạ tầng về giao thông và dịch vụ đô thị với thế mạnh là quy hoạch hệ thống giao thông đường bộ gắn với cao tốc, tàu điện ngầm được kết nối rất thuận tiện với sân bay Tân Sơn Nhất, Long Thành; hạ tầng về tài chính và thương mại với Trung tâm tài chính quốc tế tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm; hạ tầng đô thị hiện đại với các khu đô thị đã và đang được phát triển… nên với đồ án quy hoạch trên, kỳ vọng của lãnh đạo TP Hồ Chí Minh về mục tiêu TP Thủ Đức sẽ đóng góp khoảng 7% GDP của cả nước sẽ không còn xa.
Để tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội cho TP Thủ Đức, dịp này TP Hồ Chí Minh cũng giới thiệu 535 dự án phát triển hạ tầng trên địa bàn TP Thủ Đức với tổng vốn lên đến 800.000 tỷ đồng để mời gọi các nhà đầu tư.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đề nghị chính quyền TP Thủ Đức hoàn thành việc mở rộng Khu Công nghệ cao trước năm 2030, tăng cường liên kết với các địa bàn giáp ranh gắn với thế mạnh của từng địa phương để tạo động lực phát triển chung. Về phía nhà đầu tư, phải thực hiện đúng cam kết đầu tư, ghi nhớ đầu tư, giải ngân vốn đầu tư nhanh sau khi được chấp thuận…
Bảo Sơn
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/quy-hoach-tp-thu-duc-thanh-trung-tam-lien-ket-va-phat-trien-manh-i758329/