Theo kế hoạch, huyện Càng Long tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ tại các xã, thị trấn; mỗi xã, thị trấn trung bình mở rộng thêm 40ha. (Trong ảnh: Mô hình sản xuất dừa hữu cơ của nông dân ấp Số 5, xã Mỹ Cẩm, huyện Càng Long).
Huyện tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp, thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 01 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” tại 02 xã Huyền Hội và Tân Bình, diện tích 69,72ha, với 97 hộ tham gia. Phê duyệt chủ trương đầu tư hỗ trợ lúa giống và tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật phục vụ mô hình sản xuất lúa chất lượng cao với quy mô khoảng 600ha.
Diện tích gieo trồng cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày và cây khác đạt 25,11% nghị quyết (tăng 11,72% so cùng kỳ). Thực hiện vùng nguyên liệu dừa hữu cơ tại các xã An Trường, An Trường A, Tân Bình, Huyền Hội, Phương Thạnh, Bình Phú, Nhị Long, Nhị Long Phú, Đại Phúc, Đại Phước và Đức Mỹ, có 3.560 hộ tham gia, với diện tích khoảng 2.712,28ha. Đến nay, tỉnh đã cấp 07 mã số vùng trồng nội địa, diện tích 842,94ha, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cấp 03 mã vùng trồng quốc tế, diện tích trên 305,72ha cho cây dừa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Thực hiện mô hình chanh không hạt của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thành Chí, xã Huyền Hội, bước đầu mang lại hiệu quả cao, với tổng diện tích trồng trên địa bàn xã Huyền Hội 150ha, trung bình mỗi tháng hợp tác xã thu mua của thành viên trên địa bàn huyện Càng Long và các huyện lân cận để cung ứng cho công ty khoảng 20 tấn nông sản. Huyện đang chỉ đạo xây dựng, triển khai kế hoạch mở rộng diện tích trồng trên địa bàn các xã Huyền Hội, Tân An, Tân Bình, An Trường và An Trường A với tổng diện tích khoảng 180ha.
Tập trung phát triển đàn gia súc, gia cầm, tăng cường hoạt động tuyên truyền khuyến cáo người dân thực hiện phun xịt, tiêu độc khử trùng; phòng, chống, kiểm soát các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm, tiêm vắc-xin phòng bệnh dịch tả heo Châu Phi, dịch cúm gia cầm.
Thực hiện kế hoạch phát triển mỗi xã, thị trấn một sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP. Đến nay, huyện Càng Long có 14/14 xã, thị trấn đều có sản phẩm OCOP, trong đó, xã Mỹ Cẩm có số lượng nhiều nhất với 12 sản phẩm; xã Huyền Hội 07 sản phẩm; xã An Trường A, Tân An, Phương Thạnh, Bình Phú mỗi xã có 05 sản phẩm; xã Đức Mỹ 04 sản phẩm; thị trấn Càng Long và xã An Trường mỗi đơn vị có 03 sản phẩm; xã Đại Phước và Tân Bình mỗi xã có 02 sản phẩm; các xã Nhị Long, Nhị Long Phú, Đại Phúc mỗi xã 01 sản phẩm.
Trong quý, công nhận mới 10 sản phẩm OCOP hạng 3 sao, nâng đến nay, toàn huyện có 55 sản phẩm đạt OCOP (trong đó, có 01 sản phẩm đạt 4 sao, 54 sản phẩm đạt 3 sao). Vận động thành lập mới 11/45 doanh nghiệp, đạt 24,44% nghị quyết; đến nay, toàn huyện có 27 hợp tác xã, 214 tổ hợp tác, trên 3.600 thành viên.
Tin, ảnh: KIM LOAN