Cũng theo báo cáo, quy mô ngành AI của Trung Quốc đã duy trì tốc độ tăng trưởng hơn 20% trong nhiều năm liên tiếp. Trong đó, tỉnh Chiết Giang lần đầu tiên gia nhập nhóm dẫn đầu nhờ sức mạnh được cải thiện trong năm 2024, vượt qua Quảng Đông, Thượng Hải và Bắc Kinh, đứng đầu về tiềm năng trong khu vực. Về đánh giá năng lực đổi mới AI, Quảng Đông đứng đầu với 80,5 điểm.
Một số chú chó robot được trưng bày tại một trung tâm mua sắm ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc tháng 4/2025. Ảnh: VCG
Ngoài ra, dòng vốn cũng thể hiện rõ đặc điểm tập trung theo vùng. Bắc Kinh, Thượng Hải và Chiết Giang có tổng số tiền đầu tư lớn nhất, đạt 64,93 tỷ nhân dân tệ, thu hút gần 78% đầu tư AI của Trung Quốc, tập trung vào các lĩnh vực tiên tiến như mô hình lớn và hệ thống đa phương thức.
Được biết, Hàng Châu – thủ phủ tỉnh Chiết Giang – thời gian qua được truyền thông Trung Quốc ca ngợi là “kỳ quan công nghệ” sau khi có “6 con rồng nhỏ” làm mưa làm gió thị trường công nghệ nước này. Trong đó có DeepSeek – công ty AI gây tiếng vang toàn cầu, Game Science – nhà phát triển tựa game Black Myth: Wukong đình đám, BrainCo – chuyên nghiên cứu công nghệ kết nối não máy tính, Manycore – đơn vị tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ không gian, cùng hai công ty robot hàng đầu khác của Trung Quốc hiện nay là Unitree Robotics và DEEP Robotics.
Trước đó, phát biểu tại phiên nghiên cứu tập thể về tăng cường phát triển và giám sát AI của Bộ Chính trị ngày 25/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã yêu cầu nước này cần tận dụng lợi thế thế chế “huy động nguồn lực toàn quốc gia kiểu mới”, kiên trì tự lực tự cường để thúc đẩy phát triển AI theo định hướng ứng dụng, trước tình hình mới về sự tiến triển nhanh chóng của công nghệ AI thế hệ mới.
Ông nhấn mạnh, Trung Quốc phải nhìn thẳng vào những khoảng cách và tăng gấp đôi nỗ lực trong các lĩnh vực còn yếu về lý luận cơ bản và công nghệ cốt lõi. Ông cho biết, hỗ trợ chính sách nhà nước trong lĩnh vực AI của Trung Quốc sẽ tập trung vào các mặt như quyền sở hữu trí tuệ, tài chính và thuế, mua sắm chính phủ, nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng nhân tài.
Các tuyên bố về phát triển AI nội địa của lãnh đạo Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh nước này đang cạnh tranh với Mỹ trong lĩnh vực quan trọng này.
Ông cũng yêu cầu Trung Quốc phải hoàn thiện thể chế và cơ chế quản lý AI, nắm quyền chủ động trong phát triển và quản trị AI, đồng thời nhấn mạnh cần đẩy nhanh và hoàn thiện các luật, quy định, chính sách, cũng như hệ thống cảnh báo rủi ro và ứng phó khẩn cấp về AI, nhằm “đảm bảo AI an toàn, đáng tin cậy và có thể kiểm soát được”.
Bích Thuận/VOV-Bắc Kinh