Quyết định phút chót đưa nữ sinh Bắc Giang đến giải nhất quốc gia Địa lý

Quyết định phút chót đưa nữ sinh Bắc Giang đến giải nhất quốc gia Địa lý
5 giờ trướcBài gốc
Hồi đầu tháng 1, Phạm Hồng Liên, học sinh lớp 12 Sử Địa, trường THPT chuyên Bắc Giang, trở thành là một trong 5 cá nhân của tỉnh Bắc Giang được trao danh hiệu “Học sinh 3 tốt” cấp Trung ương. Sau đó ít ngày, nữ sinh lại vỡ òa cảm xúc khi nhận kết quả đoạt giải Nhất học sinh giỏi quốc gia môn Địa lý.
Hồng Liên quê ở huyện Tân Yên, nơi cách trung tâm thành phố Bắc Giang khoảng 15km.
“Mình không nhớ khi đó đã khóc hay cười, chỉ nhớ một mớ cảm xúc hỗn độn vừa hạnh phúc, ngỡ ngàng xen lẫn tự hào. Bởi dù đã cố gắng làm bài hết sức, mình vẫn không dám tin bản thân có thể đạt tới vị trí cao như vậy”, nữ sinh 17 tuổi chia sẻ với phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong.
Từ khi còn nhỏ, Liên đã tỏ ra thích thú khi được quan sát tấm bản đồ thế giới, ngắm nghía mô hình quả địa cầu ở nhà ông nội, hay say mê tập đọc thông tin về các quốc gia được chú thích.
Khi học môn Địa lý, Liên nhận ra mỗi tấm bản đồ không chỉ là hình vẽ mà còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và con người. Mỗi tấm bản đồ lại kể một câu chuyện riêng, cũng là điều khiến bạn thấy hấp dẫn và không hề thấy nhàm chán ở môn học này.
Những năm THCS, Liên được giáo viên phát hiện niềm yêu thích với môn Địa lý và chọn vào đội tuyển của trường. Liên bắt đầu chinh chiến tại cuộc thi học sinh giỏi các cấp rồi thi đỗ trường chuyên của tỉnh. Càng học càng thấy năng khiếu và sự gắn bó, khi thi vượt cấp vào năm lớp 11, Liên đã giành giải Nhì học sinh giỏi quốc gia.
Liên (hàng dưới, ngoài cùng bên trái) cùng các cô giáo phụ trách và thành viên đội tuyển Địa lý tại Lễ ra quân thi chọn học sinh giỏi quốc gia của tỉnh Bắc Giang năm học 2024 - 2025.
Với kết quả đó, Liên từng muốn rời đội tuyển vì nỗi sợ không thể vượt qua chính mình và đã đủ điều kiện được tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển vào nhiều trường đại học. Nếu thi tiếp, thành tích không chắc được cải thiện bởi khoảng cách giữa giải nhất và giải nhì đôi khi chỉ là 0.25 điểm.
Chỉ đến một ngày trước khi học tiền đội tuyển, Liên mới tham khảo ý kiến của cô giáo phụ trách chuyên môn rồi quyết định thử thách bản thân lần nữa. Gần ba tháng ôn tập, Liên nhiều lần tự trách mình vì kết quả thi thử không tốt, nhiều lần ngồi lại một mình sau giờ học rồi bật khóc vì nghi ngờ bản thân.
Liên và các học sinh trong đội tuyển được sắp xếp học chương trình chính khóa vào buổi sáng, học kiến thức chuyên sâu và ôn luyện vào các buổi chiều. Đến giai đoạn gần ngày thi, lịch học đội tuyển dày đặc hơn, các bạn được nhà trường tạo điều kiện tập trung ôn luyện tăng cường cả sáng, chiều và tối.
Liên (bàn đầu) trong một buổi thi đánh giá thường xuyên tại đội tuyển.
Trong các phần kiến thức đi thi, Liên thừa nhận cảm thấy khó nhất là các câu hỏi về địa lý tự nhiên Việt Nam. Dù đã theo học đội tuyển hai năm và nắm được kiến thức cốt lõi của địa lý tự nhiên đại cương, đây vẫn là phần khiến bạn “đau đầu” vì thường bị mất điểm trong các bài kiểm tra hàng tuần.
Để cải thiện, Liên học theo sơ đồ tư duy, xem video mô phỏng trên Internet để hiểu hơn về các hiện tượng tự nhiên của nước ta. Liên cũng nhờ thầy, cô giảng lại phần kiến thức còn thắc mắc, trao đổi với các bạn, các em cùng đội để hiểu rõ những lỗi sai.
Những ngày cận thi dẫu nhiều căng thẳng nhưng lại là quãng thời gian có nhiều kỷ niệm đáng quý nhất. Đó là những tối ở lại lớp ôn bài tới tận khuya mới trở về phòng ký túc xá, những bữa cơm vừa ăn vừa nói chuyện rôm rả, hay những ngày được đi Hà Nội học với các thầy, cô là giảng viên đại học.
Liên tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong thời gian ôn thi quốc gia.
Bên cạnh môn chuyên, Liên cũng học tốt các môn khác và có hai năm lớp 10, 11 đều đạt danh hiệu Học sinh xuất sắc. Liên còn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, là thành viên CLB Sách và Hành động, CLB Bóng rổ. Liên cùng mọi người tổ chức thành công nhiều sự kiện như quyên góp sách, đổi sách lấy cây, kêu gọi ủng hộ các bạn vùng cao hay giải đấu bóng rổ 3x3 cấp cụm.
Lúc rảnh rỗi, Liên thích xem phim hoạt hình và là người hâm mộ trung thành của hãng phim Disney bởi cốt truyện sâu sắc, nhân vật được xây dựng kỹ lưỡng. Ngoài việc giải trí, sở thích này còn giúp Liên học về cách kể chuyện, tính sáng tạo và cả những giá trị nhân văn trong cuộc sống.
Với danh hiệu “Học sinh 3 tốt cấp” Trung ương, Liên đã có dịp tham dự Lễ tuyên dương được diễn ra tại Phố đi bộ Trần Nhân Tông ở thủ đô Hà Nội. Chuyến đi này thật sự là một hành trình ý nghĩa với cô gái 17 tuổi, nơi Liên được gặp gỡ những người anh, chị, bạn bè tài giỏi và thân thiện từ mọi miền tổ quốc.
Hồng Liên (thứ 2 từ phải qua) và các “Học sinh 3 tốt” cấp Trung ương của tỉnh Bắc Giang năm học 2023 - 2024 tại lễ tuyên dương.
Giây phút bước lên sân khấu nhận danh hiệu, Liên tràn ngập cảm xúc tự hào và biết ơn khi những nỗ lực không ngừng nghỉ đã được ghi nhận. Với Liên, danh hiệu này không chỉ là một thành quả mà còn là lời nhắc nhở để tiếp tục học tập, rèn luyện, trở thành một người trẻ có ích cho cộng đồng.
Ngay khi lễ trao thưởng khép lại, trận chung kết ASEAN Cup 2024 giữa Việt Nam và Thái Lan cũng vừa bắt đầu. Chiến thắng của đội tuyển Việt Nam đã khép lại một buổi tối trọn vẹn, khi Liên cùng bạn bè đã có một chuyến "đi bão" tưng bừng, đánh dấu kỷ niệm đáng nhớ trong quãng đời học sinh.
Liên (giữa) cùng bạn bè “đi bão” sau chiến thắng của tuyển Việt Nam.
Hoàn thành kỳ thi học sinh giỏi quốc gia với kết quả xuất sắc, thêm nhiều thành tích ngoại khóa nổi bật, Liên có nhiều lựa chọn khi xét tuyển đại học. Ưu tiên của Liên là ngành Ngôn ngữ Trung Quốc của trường Đại học Hà Nội, bởi yêu thích nét cuốn hút từ ngữ nghĩa đến thanh điệu của ngôn ngữ này.
“Mình cũng muốn thử sức ứng tuyển một số học bổng du học để được khám phá thế giới, giống như điều mà mình đã luôn ấp ủ khi quan sát quả địa cầu lúc còn nhỏ”, Liên cho biết.
Ảnh: NVCC
Trịnh Vũ Lam Trang
Nguồn SVVN : https://svvn.tienphong.vn/quyet-dinh-phut-chot-dua-nu-sinh-bac-giang-den-giai-nhat-quoc-gia-dia-ly-post1719869.tpo