Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa rà soát sản phẩm thuốc, thực phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. (Ảnh LƯU QUYÊN)
Thực trạng nhức nhối
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), tình hình vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa vi phạm về nhãn hàng hóa, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng hóa không hóa đơn, chứng từ… tiếp tục diễn ra trên hầu hết địa phương.
Trong đó, nổi cộm là hoạt động lợi dụng thủ tục đơn giản với hàng hóa quá cảnh, miễn thuế đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất để buôn lậu vào thị trường Việt Nam. Lợi dụng các sàn thương mại điện tử và sử dụng các trang mạng xã hội, công cụ livestream để quảng cáo, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ với đa dạng các mặt hàng,…
Trong 5 tháng đầu năm 2025, các đơn vị, địa phương tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; phát hiện, xử lý hơn 34.000 vụ việc vi phạm, trong đó có hơn 8.200 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 4.897 tỷ đồng; khởi tố hình sự gần 1.400 vụ với hơn 2.100 đối tượng.
Riêng số vụ việc liên quan hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ lên tới hơn 1.100 vụ, trong đó nhóm hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân như dược phẩm, thực phẩm chức năng và sữa đang trở thành tâm điểm của các đường dây làm giả tinh vi, có tổ chức và quy mô xuyên quốc gia.
Một số vụ việc điển hình như: Ngày 3/4/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Sản xuất hàng giả là thực phẩm” và “Lừa dối khách hàng” xảy ra tại Công ty Asia Life, Công ty Chị Em Rọt và một số công ty liên quan tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đắk Lắk, khởi tố 5 bị can. Ngày 26/4/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, thu giữ hơn 100 tấn hàng với khoảng 900 nhãn hiệu thực phẩm chức năng cho người lớn tuổi, trẻ em và phụ nữ có thai, khởi tố 5 bị can.
Một trong những vụ việc gây rúng động dư luận vừa qua là vụ phát hiện đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với 573 nhãn hiệu sữa bột các loại đã được sản xuất và lưu thông ra thị trường, thu lợi bất chính hơn 500 tỷ đồng.
Qua kiểm nghiệm, lực lượng chức năng phát hiện các đối tượng làm giả đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và bổ sung phụ gia, thay thế các thành phần công bố trên sản phẩm như: Chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột mắc-ca, bột quả óc chó,… dù được quảng cáo là sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai.
Đáng lo ngại hơn, số lượng lớn loại sữa giả này đã được phân phối đến nhiều đại lý nhỏ lẻ và được tiêu thụ rộng rãi tại các khu dân cư có đông trẻ em và người cao tuổi.
Sự tinh vi của các đối tượng này được đánh giá ngày càng tăng, từ việc làm giả tem nhãn, mã QR đến đóng gói bao bì giống hệt hàng thật khiến người tiêu dùng không thể phân biệt bằng mắt thường. Nhiều đường dây còn lợi dụng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để tiêu thụ hàng giả, khiến việc phát hiện và xử lý gặp rất nhiều khó khăn.
Lực lượng chức năng thành phố Hà Nội phát hiện số lượng lớn thực phẩm không bảo đảm chất lượng chuẩn bị tuồn ra thị trường. (Ảnh KHÁNH HOÀNG)
Quyết tâm chấm dứt buôn bán hàng giả
Thứ trưởng Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, vai trò của lực lượng quản lý thị trường trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát, đặc biệt tại các khu vực biên giới và trên các nền tảng thương mại điện tử là rất quan trọng.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa và phối hợp liên ngành chặt chẽ hơn nhằm quản lý phòng ngừa và xử lý sớm các vi phạm; tiếp tục tập trung triển khai, rà soát, bám sát thị trường, bám sát địa bàn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ký cam kết đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với các đối tượng kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội.
Lực lượng chức năng tổ chức các đợt thanh tra chuyên đề, tập trung vào các mặt hàng nhạy cảm như sữa, thuốc và thực phẩm chức năng. Không để hàng giả làm tổn hại doanh nghiệp chân chính và sức khỏe người dân.
Thời gian tới, Bộ Công thương tập trung hoàn thiện pháp luật, xây dựng Luật Thương mại điện tử để điều chỉnh hoạt động liên quan, đặc biệt trong kiểm tra, xử lý triệt để hành vi vi phạm bày bán công khai hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ.
Thứ trưởng Tài chính Bùi Văn Khắng cho biết, các sản phẩm thuốc chữa bệnh, sữa giả, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm giả hoặc không rõ nguồn gốc “tuồn” vào thị trường trong nước bằng rất nhiều đường như: Hàng không, biển, bộ, thông qua các cửa khẩu cả chính ngạch và đường biên giới.
Các hành vi vi phạm, phương thức thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu chủ yếu là khai sai về tên hàng, số lượng, trị giá, nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, lợi dụng che giấu để buôn bán, vận chuyển trái phép qua đường biên, trên phương tiện xuất nhập cảnh.
Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo lực lượng hải quan tăng cường ứng dụng công nghệ, nhất là là trí tuệ nhân tạo trong việc phân tích dữ liệu xuất nhập khẩu, nhằm phát hiện sớm những lô hàng có dấu hiệu gian lận. Không để hàng hóa trôi nổi, không rõ nguồn gốc len lỏi vào thị trường trong nước, quyết liệt xử lý nghiêm mọi hành vi tiếp tay, bao che buôn lậu, gian lận thương mại.
Quyết tâm đấu tranh, đẩy lùi và tiến tới chấm dứt tình trạng buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ..., Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5 về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Công điện yêu cầu các đơn vị, lực lượng chức năng, địa phương mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên toàn quốc, thời gian từ ngày 15/5 đến ngày 15/6/2025, sau đó sẽ tiến hành sơ kết đánh giá.
Trước đó, Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan liên quan phải làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong các vụ sữa giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả,... Thủ tướng nêu rõ mục tiêu không để tình trạng buông lỏng quản lý tiếp diễn, phải kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ…
Tuy nhiên, để những chỉ đạo nêu trên đạt hiệu quả thực tế thì cần sự phối hợp đồng bộ từ các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cả cộng đồng. Chỉ khi đó, thị trường Việt Nam mới thật sự trở thành nơi an toàn, minh bạch, và người tiêu dùng không còn lo lắng về chất lượng của từng sản phẩm mình sử dụng.
MINH THANH