Với định hướng phát triển bền vững, mục tiêu chung thực hiện các chỉ tiêu về môi trường đến năm 2030 theo Quy hoạch tỉnh (tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ) tỉnh Nam Định đặt ra là: Các tác động xấu gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, các sự cố môi trường được chủ động phòng ngừa, kiểm soát. Các vấn đề môi trường cấp bách cơ bản được giải quyết, chất lượng môi trường từng bước được cải thiện, phục hồi. Tăng cường bảo vệ các di sản thiên nhiên, phục hồi các hệ sinh thái; ngăn chặn xu hướng suy giảm đa dạng sinh học. Tăng cường khả năng chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ mức độ gia tăng phát thải khí nhà kính. Duy trì ổn định tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 2%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 100%; tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định đạt 98%; tỷ lệ nước thải sinh hoạt của các đô thị được thu gom và xử lý đạt 55-60%; 100% các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) mới thành lập có trạm xử lý nước thải. Đây là bước đi chiến lược nhằm kiểm soát ô nhiễm, phòng ngừa các sự cố môi trường, bảo tồn hệ sinh thái và nâng cao chất lượng sống của người dân.
Tỉnh Nam Định phấn đấu đến năm 2030, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt tỷ lệ 100%.
Giải pháp trọng tâm: Quản lý môi trường theo phân vùng
Để thực hiện các mục tiêu chung, trong Kế hoạch số 21/KH-UBND ngày 6/2/2025 của UBND tỉnh đã cụ thể hóa lộ trình hành động. Kế hoạch lần này tỉnh tập trung cao độ vào bốn nhóm nhiệm vụ trọng tâm, với phương châm hành động quyết liệt, triển khai đến tận cơ sở, gồm: Xây dựng cụ thể phương án phân vùng môi trường làm cơ sở triển khai các giải pháp về bảo vệ môi trường (BVMT) thích hợp theo phân vùng môi trường nhằm kiểm soát, phòng ngừa, giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường đến sự sống và phát triển bình thường của con người và sinh vật. Bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị Khu dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng (phần diện tích thuộc tỉnh); duy trì tính ổn định và bảo tồn các nguồn gen quý hiếm, đặc hữu tại khu vực Vườn quốc gia (VQG) Xuân Thủy. Phát triển hạ tầng, thiết bị, mạng lưới quan trắc cho từng loại môi trường; bố trí các điểm quan trắc môi trường không khí, môi trường nước mặt, môi trường nước ven bờ biển, môi trường nước dưới đất, môi trường đất, trầm tích ven bờ và cửa sông; xây dựng trạm quan trắc tự động môi trường không khí. Bảo vệ và phát triển rừng bền vững trên cơ sở quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng rừng; nâng cao chất lượng phòng hộ của rừng, giữ gìn đa dạng sinh học trong các khu rừng; bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng đặc dụng hiện có tại VQG Xuân Thủy; duy trì diện tích rừng phòng hộ hiện có kết hợp với trồng mới, trồng bổ sung phục hồi rừng đặc dụng tại các vị trí dễ bị tác động của biến đổi khí hậu. Quản lý chất thải rắn và nước thải.
Bám sát tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, các ngành chức năng, các địa phương đã tích cực thúc đẩy tiến độ, hiệu quả các phần việc liên quan. Sở Nông nghiệp và Môi trường bám sát phương án phân vùng môi trường đã được xác định theo Quy hoạch tỉnh để xây dựng kế hoạch BVMT phù hợp với phân vùng môi trường tỉnh. Một trong những điểm đột phá trong công tác quản lý môi trường của tỉnh là phân vùng môi trường chi tiết thành ba khu vực chính: Vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải và vùng bảo vệ khác. Việc phân vùng này giúp tỉnh quản lý chặt chẽ hơn các nguồn phát thải, phòng ngừa ô nhiễm từ gốc và có giải pháp kiểm soát phù hợp với từng khu vực.
Vùng bảo vệ nghiêm ngặt là khu vực có giá trị sinh thái cao, chủ yếu tập trung tại VQG Xuân Thủy và các khu bảo tồn thiên nhiên. Các giải pháp BVMT tại vùng này tập trung vào: Bảo vệ, bảo tồn nghiêm ngặt các hệ sinh thái, khu hệ động thực vật, đa dạng sinh học trong VQG Xuân Thủy; phối hợp với Ban quản lý VQG Xuân Thủy trong các công tác quản lý liên quan đến VQG, tổ chức quản lý tốt vùng đệm VQG; tổ chức phòng, chống hoạt động khai thác trái phép, hoạt động xâm hại các khu bảo tồn thiên nhiên; ổn định đời sống nhân dân trong vùng đệm VQG, khu bảo tồn thiên nhiên. Tiếp tục quản lý bảo vệ có hiệu quả khu hệ động vật, thực vật hiện có. Xây dựng hành lang kết nối với các VQG, Khu bảo tồn và kết nối các khu vực trong khu bảo tồn. Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào quản lý đa dạng sinh học. Trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt, chỉ chấp thuận dự án đầu tư sinh thái, vì mục đích bảo tồn và sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường; duy trì diện tích rừng tự nhiên, nâng tỷ lệ che phủ rừng, kiểm soát phát thải khí nhà kính. Hạn chế quy hoạch, phát triển dự án khai thác khoáng sản; xây dựng kho chứa hóa chất độc hại, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu có yếu tố độc hại đối với môi trường; xây dựng cơ sở xử lý, bãi chôn lấp, vị trí thải bỏ chất thải rắn, cơ sở sản xuất, kinh doanh phát sinh chất ô nhiễm độc hại, có hoạt động xâm hại đến các đối tượng, yếu tố cần bảo vệ nghiêm ngặt.
Vùng hạn chế phát thải bao gồm các khu vực đô thị, khu dân cư, làng nghề và CCN có nguy cơ ô nhiễm cao. Các giải pháp BVMT tại vùng này tập trung vào: Phát triển kinh tế - xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng đệm; thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích cho cộng đồng vùng đệm. Phát triển đô thị, cụm dân cư hài hòa với cảnh quan môi trường, có cơ sở hạ tầng cấp, thoát nước, xử lý nước thải; tỷ lệ cây xanh/diện tích tự nhiên cao. Tập trung bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị lịch sử, văn hóa trong khu vực, phát triển du lịch sinh thái, giáo dục môi trường. Phát triển bền vững tại các di sản, di tích, địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Kiểm soát xả thải chất ô nhiễm tại các vùng đất ngập nước quan trọng. Đối với các vùng cấp nước sinh hoạt cho các huyện, thành phố phải được giữ nguyên diện tích mặt nước, chất lượng nước, không để nguồn thải tập trung xả thải vào vùng cấp nước, nguồn thải phải được xử lý triệt để trước khi xả thải ra môi trường. Hạn chế phát thải, cải thiện môi trường tại các khu vực có các hoạt động ảnh hưởng lớn đến chất lượng môi trường đất, nước, không khí xung quanh bao gồm các khu, CCN, các cơ sở sản xuất, làng nghề... Các khu, CCN, làng nghề, cơ sở sản xuất công nghiệp... được khoanh vùng cần xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, chất thải rắn đáp ứng quy định. Kiểm soát, nghiêm cấm các hoạt động xả thải các chất thải không qua xử lý vào môi trường tại các khu dân cư tập trung, đặc biệt là khu vực các đô thị lớn trên địa bàn tỉnh. Thu gom, xử lý triệt để chất thải trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại các đô thị.
Vùng bảo vệ khác tập trung vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chí môi trường: Áp dụng sản xuất sạch hơn trong các hoạt động sản xuất. Quan tâm, khai thác hiệu quả các khu vực tiềm năng đảm bảo đáp ứng các tiêu chí, chỉ tiêu về môi trường. Ngăn ngừa ô nhiễm do hoạt động các cơ sở sản xuất trong KCN, CCN, làng nghề, các cơ sở sản xuất xen kẽ trong khu dân cư, bảo vệ chất lượng nước và chất lượng không khí khu đô thị, dân cư.
Huy động sự tham gia của toàn dân cùng các cấp chính quyền
Theo kế hoạch, Sở Nông nghiệp và Môi trường làm nòng cốt trong công tác thanh tra, kiểm soát ô nhiễm; Sở Xây dựng chịu trách nhiệm phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng sinh thái, đồng thời phối hợp với Sở Công Thương và Ban quản lý các KCN tỉnh đảm bảo tất cả khu, CCN có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. Sở Nông nghiệp và Môi trường thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Công tác bảo vệ rừng, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu được lồng ghép chặt chẽ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Sở Khoa học và Công nghệ, Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức về BVMT đến các cơ quan, tổ chức, nhân dân; chú trọng tuyên truyền công tác phân loại rác thải tại nguồn, phương án thu gom, vận chuyển rác thải. Không chỉ dựa vào các cơ quan quản lý Nhà nước, tỉnh cũng kêu gọi sự chung tay của người dân và doanh nghiệp trong công tác BVMT. Trong đó, người dân được khuyến khích phân loại rác sinh hoạt tại nguồn, giảm sử dụng túi nilon, bảo vệ nguồn nước và không gian sống. Doanh nghiệp được ưu đãi nếu áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn, sử dụng năng lượng tái tạo, xử lý chất thải theo quy định. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thúc đẩy triển khai nền tảng phản ánh ô nhiễm môi trường trực tuyến, cho phép người dân tham gia giám sát và báo cáo các vi phạm về môi trường.
Việc phân vùng môi trường giúp kiểm soát ô nhiễm từ gốc, nâng cao chất lượng sống và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên quý giá. Tỉnh đặt mục tiêu hướng đến tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng Nam Định phát triển mạnh về kinh tế nhưng vẫn giữ được môi trường trong lành, hài hòa với thiên nhiên. Đây không chỉ là trách nhiệm của chính quyền, mà còn là nghĩa vụ chung của toàn xã hội - vì một tương lai xanh cho thế hệ mai sau.
Bài và ảnh: Thanh Thúy