Startup xAI của Elon Musk vừa giới thiệu mô hình Grok-3, phiên bản chatbot mà tỷ phú tuyên bố là ‘AI thông minh nhất Trái Đất’.
xAI cho biết Grok-3 đánh bại Google Gemini, DeepSeek V3, Anthropic Claude, OpenAI GPT-4o trong các bài đánh giá hiệu chuẩn toán học, khoa học và lập trình. Ảnh: Geeky gadgets
Trong livestream hôm 17/2 (giờ địa phương), xAI cho biết Grok-3 đánh bại Google Gemini, DeepSeek V3, Anthropic Claude, OpenAI GPT-4o trong các bài đánh giá hiệu chuẩn toán học, khoa học và lập trình.
Grok-3 sở hữu sức mạnh tính toán gấp 10 lần so với thế hệ trước đó, Elon Musk nói trong phần trình bày cùng 3 kỹ sư của xAI.
Startup sử dụng trung tâm dữ liệu khổng lồ tại Memphis chứa khoảng 200.000 GPU để đào tạo Grok-3.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện mô hình hằng ngày, bạn sẽ thấy sự tiến bộ trong 24 giờ”, tỷ phú Elon Musk khẳng định.
xAI giới thiệu công cụ tìm kiếm thông minh mới cùng Grok-3 có tên DeepSearch. DeepSearch là chatbot suy luận, có thể trình bày quá trình tìm hiểu từ khóa và cách phản hồi. Nó bao gồm các tùy chọn nghiên cứu, động não (brainstorm) và phân tích dữ liệu.
Grok-3 có sẵn với thuê bao Premium+ trên X ngay lập tức. Công ty sẽ bán gói thuê bao mới SuperGrok cho ứng dụng di động Grok và website Grok.com.
Chatbot mới dường như đưa Grok đi trước ChatGPT mới nhất của OpenAI và càng khiến sự ganh đua giữa hai công ty thêm căng thẳng.
Musk thành lập xAI năm 2023 để đối đầu với OpenAI – công ty ông đồng sáng lập nhiều năm trước nhưng đã rời đi năm 2018.
Microsoft phát minh loại vật liệu mới trong chip lượng tử
Ngày 19/2, Microsoft công bố Majorana 1, chip điện toán lượng tử đầu tiên của mình. Công ty cho biết đã đạt được đột phá sau 17 năm nghiên cứu để cho ra đời loại vật liệu và kiến trúc mới dùng cho điện toán lượng tử. Majorana 1 dựa trên đột phá này.
Microsoft đặt 8 bít lượng tử topo trên một con chip và hy vọng có thể mở rộng quy mô lên 1 triệu qubit. Ảnh: Microsoft
Máy tính lượng tử dùng đơn vị thông tin cơ bản là qubit (bít lượng tử), thay vì bit như máy tính thông thường.
Các công ty như IBM, Microsoft và Google đều đang tìm cách làm cho qubit ổn định như bit nhị phân (binary) vì máy tính lượng tử nhạy cảm hơn rất nhiều, yêu cầu điều kiện áp suất, nhiệt độ, độ cách điện cụ thể để hoạt động chính xác.
Nếu xảy ra tương tác với các hạt bên ngoài, có thể dẫn đến sai sót hoặc mất dữ liệu.
Majorana 1 có thể đưa 1 triệu qubit vào một con chip duy nhất có kích thước không lớn hơn nhiều so với CPU trong desktop và máy chủ.
Microsoft không sử dụng electron trong chip mới mà dùng hạt majorana được nhà vật lý học lý thuyết Ettore Majorana mô tả năm 1937.
Microsoft làm được điều này bằng cách tạo ra loại vật liệu mới mà họ gọi là “topoconductor đầu tiên trên thế giới”. Nó có thể kiểm soát các hạt majorana để tạo ra các qubit đáng tin cậy hơn.
Video Microsoft giới thiệu Majorana 1 (Nguồn: Microsoft)
Nhà sản xuất Windows công bố nghiên cứu của mình trên tạp chí Nature, giải thích quá trình các nhà nghiên cứu tạo ra qubit topo. Vật liệu mới được làm từ indium arsenide và nhôm.
Họ đặt 8 qubit topo trên một con chip và hy vọng có thể mở rộng quy mô lên 1 triệu qubit.
Mỗi con chip với 1 triệu qubit có thể thực hiện các mô phỏng chính xác hơn nhiều và giúp cải thiện việc tìm hiểu thế giới tự nhiên, mở khóa những đột phá trong khoa học vật liệu và dược phẩm.
Đây là những gì mà máy tính lượng tử đã hứa hẹn nhiều năm nay. Microsoft tin rằng topoconductor, hay siêu dẫn topo, sẽ là đột phá lớn tiếp theo.
Tiết lộ dự án cáp quang biển dài nhất thế giới
Meta vừa công bố dự án cáp quang biển Project Waterworth 50.000km kết nối 5 châu lục, dài nhất thế giới khi hoàn thành.
Tuyến cáp quang biển của Meta sẽ có độ dài 50.000km, kết nối 5 châu lục. Ảnh: Meta
Theo Meta, Waterworth sẽ kết nối 5 châu lục với các trạm cập bờ tại Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi cùng các khu vực trọng điểm khác.
Công ty mẹ Facebook đặc biệt nhắc đến các cơ hội tại Ấn Độ và vai trò của mạng trong việc triển khai dịch vụ AI trên toàn cầu là hai nguyên chính của dự án.
Meta cho biết sẽ tạo ra đột phá mới với kiến trúc riêng, cấu hình 24 cặp sợi (24FP), tối đa hóa cáp đặt ở độ sâu tối đa 7.000m, cùng kỹ thuật chôn lấp mới để giảm các lỗi ở những khu vực bị đánh giá là “rủi ro cao” do các vấn đề địa lý hoặc chính trị hoặc cả hai.
Trước đó, ngày 13/2, Nhà Trắng công bố tuyên bố chung giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Ấn Độ, nêu chi tiết các lĩnh vực hai nước sẽ hợp tác.
Đồng phát triển công nghệ dưới biển như một phần của hợp tác quốc phòng, dự án Waterworth của Meta và vai trò hỗ trợ tài chính của Ấn Độ được nêu trong tuyên bố.
Tuyến cáp của Meta sẽ khởi động trong năm nay. Ấn Độ dự định đầu tư vào bảo trì, sửa chữa và hỗ trợ tài chính cho cáp biển tại Ấn Độ Dương, sử dụng các nhà cung cấp đáng tin cậy.