Vì sao máy bay chiến đấu tàng hình F-35 bị tỷ phú Elon Musk cho 'lên thớt'?

Vì sao máy bay chiến đấu tàng hình F-35 bị tỷ phú Elon Musk cho 'lên thớt'?
một ngày trướcBài gốc
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Mỹ. (Nguồn: Không quân Mỹ)
Ngay cả trước khi các điều tra viên DOGE bắt tay vào việc, tỷ phú Elon Musk đã gọi chương trình máy bay chiến đấu tàng hình F-35 là một "thất bại" và những người chế tạo ra F-35 là "kẻ ngốc". Một số ý kiến cho rằng dường như ông Musk đang đánh giá quá cao khả năng của máy bay không người lái (UAV) trong việc thay thế máy bay chiến đấu trên chiến trường.
Những thách thức mà "chim sắt" phải đối mặt
Những chỉ trích của tỷ phú Elon Musk về F-35 không phải là không có cơ sở. Một báo cáo giải mật vào tháng 2/2024 của Trưởng ban Kiểm tra vận hành và đánh giá hoạt động (DOT&E) thuộc Lầu Năm Góc đã tiết lộ rằng chương trình F-35 đang gặp phải nhiều thách thức nghiêm trọng, dù được kỳ vọng là một dòng máy bay chiến đấu tối tân.
Theo báo cáo, quá trình phát triển và thử nghiệm biến thể Block 4 của F-35 đã bộc lộ những vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động của chương trình.
Trước hết, quy trình Phát triển và cung cấp năng lực liên tục (C2D2) – vốn được thiết kế để nâng cấp dần các tính năng Block 4 sau mỗi 6 tháng – đã không đáp ứng được kỳ vọng, gây ra sự chậm trễ đáng kể.
Bản nâng cấp phần mềm Tech Refresh 3 (TR-3), được thiết kế để cải thiện năng lực Block 4 với các cảm biến mới, vũ khí tầm xa, tác chiến điện tử, hợp nhất dữ liệu và khả năng tương tác đa nền tảng, vẫn chưa hoàn thiện sau hơn 2 năm phát triển. Phiên bản phần mềmTR-3 30R08 tiếp tục tồn tại nhiều thiếu sót, khiến tiến độ nâng cấp bị kéo dài.
Quá trình phát triển gặp khó khăn do thiếu tài nguyên mô hình hóa và mô phỏng, buộc phải áp dụng phương pháp "bay-sửa-bay", làm trầm trọng thêm tình trạng chậm trễ. Hệ quả là thử nghiệm hoạt động đối với F-35 nâng cấp TR-3 có thể phải lùi đến năm 2026, chậm hai năm so với kế hoạch ban đầu.
Về an ninh mạng, quá trình thử nghiệm các phiên bản phần mềm cập nhật của Hệ thống thông tin hậu cần tự động (ALIS) đã phát hiện một số lỗ hổng chưa được khắc phục. Trong khi đó, việc chuyển đổi sang Mạng tích hợp dữ liệu hoạt động (ODIN) dựa trên nền tảng đám mây vẫn gặp nhiều vấn đề.
Hiệu suất bảo trì của tất cả các biến thể F-35 vẫn chưa đạt tiêu chuẩn theo Tài liệu hoạt động yêu cầu (ORD) của chương trình Máy bay chiến đấu tấn công chung (JSF). Các lỗi nghiêm trọng trong vận hành khiến thời gian sửa chữa kéo dài gấp đôi so với dự kiến. Ngoài ra, các chỉ số độ tin cậy, chẳng hạn như giờ bay trung bình giữa các lần hỏng hóc nghiêm trọng vẫn chưa đáp ứng tiêu chuẩn đề ra.
Tỷ lệ khả dụng hoạt động của đội bay F-35 cũng thấp hơn mục tiêu do thiếu phụ tùng thay thế và nhu cầu bảo trì cao. Điều này không chỉ làm trì hoãn quá trình sản xuất toàn tốc độ, mà còn ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng chiến đấu của F-35 trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh hiện đại hóa lực lượng không quân.
Những vấn đề này có thể lý giải cho những chỉ trích của Elon Musk đối với F-35, bao gồm cả quan điểm của ông về thiết kế, khả năng tàng hình và tính hữu dụng của dòng máy bay này so với máy bay không người lái (UAV).
Tỷ phú Elon Musk gọi chương trình máy bay chiến đấu tàng hình F-35 là một "thất bại" . (Nguồn: Financial Times)
Tranh cãi xoay quanh F-35
Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall bảo vệ chương trình F-35, cho rằng quan điểm của tỷ phú Elon Musk mang góc nhìn của một kỹ sư hơn là một quân nhân. Ông khẳng định F-35 sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng, hoạt động song song với UAV cho đến khi Chương trình chiến đấu cơ chiếm ưu thế trên không thế hệ tiếp theo (NGAD) được triển khai.
Tuy nhiên, truyền thông Mỹ lại chỉ ra nhiều vấn đề của F-35. Báo cáo của Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ (CRS) (12/2024) cho biết các nâng cấp phần mềm theo quy trình C2D2 thường xuyên gây mất ổn định hệ thống. Trong Tạp chí Lực lượng không quân và không gian (5/2024), tác giả John Tirpak đề cập việc phi công phải khởi động lại phần mềm TR-3 nhiều lần trong quá trình thử nghiệm. Ngay cả khi được chấp thuận, F-35 vẫn cần các bản vá thường xuyên để khắc phục lỗi.
Vấn đề bảo trì cũng là một rào cản lớn. Theo bài viết trên Dự án Chính phủ giám sát (POGO) (11/2024), tác giả Greg William nhận định hệ thống ALIS – vốn là “xương sống” bảo trì của F-35 – gặp nhiều lỗi nghiêm trọng, gây cản trở thay vì hỗ trợ hoạt động. Tác giả Grant Turnbull trên Global Defense Technology cảnh báo ALIS dễ bị tấn công mạng, có thể làm gián đoạn lịch trình bảo dưỡng và gây nguy cơ an ninh.
Khả năng sẵn sàng chiến đấu của F-35 cũng giảm mạnh. Báo cáo của Văn phòng Giải trình trách nhiệm của chính phủ Mỹ (GAO) (9/2023) nêu rõ các vấn đề về bảo trì, bao gồm sự phụ thuộc vào nhà thầu, thiếu quyền truy cập dữ liệu kỹ thuật và tình trạng thiếu phụ tùng thay thế. Báo cáo của DOT&E (1/2024) cho thấy tỷ lệ sẵn sàng trung bình chỉ đạt 51%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 65%. Riêng tỷ lệ Có khả năng thực hiện nhiệm vụ đầy đủ (FMC) của toàn bộ phi đội Mỹ chỉ là 30%, còn với phi đội thử nghiệm hoạt động chỉ đạt 9%.
Dù đối mặt với nhiều thách thức, F-35 vẫn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược không quân của Mỹ, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh với Nga và Trung Quốc. Việc tiếp tục đầu tư hay cắt giảm chương trình này sẽ là bài toán khó mà Washington cần cân nhắc kỹ lưỡng.
(theo Asia Times)
Quang Hiếu
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/vi-sao-may-bay-chien-dau-tang-hinh-f-35-bi-ty-phu-elon-musk-cho-len-thot-304793.html