Rà soát Dự thảo Luật Đầu tư công với quy định của Luật Thủ đô 2024

Rà soát Dự thảo Luật Đầu tư công với quy định của Luật Thủ đô 2024
3 giờ trướcBài gốc
Sáng 6/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các luật
Nhất trí với 5 nhóm chính sách cơ bản mà Chính phủ đã đề xuất, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) đề nghị Dự thảo Luật cần được rà soát, đánh giá một cách chặt chẽ, thận trọng, có đối chiếu với quy định trong các luật khác có liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và tránh việc tạo ra thêm những mâu thuẫn, vướng mắc khác làm ảnh hưởng để hiệu quả thi hành pháp luật.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) đề nghị Dự thảo Luật cần được rà soát, đánh giá một cách chặt chẽ, thận trọng, có đối chiếu với quy định trong các luật khác có liên quan.Ảnh: Quang Vinh
Tham gia ý kiến về nhóm chính sách liên quan đến tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho hay, về nguyên tắc, các đại biểu rất nhất trí với chủ trương cũng như nhiều đề xuất sửa đổi trong dự thảo Luật liên quan đến việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Tuy nhiên, cùng với việc giao quyền cho các cơ quan cấp dưới, đặc biệt là cho địa phương để thực hiện đúng chủ trương mà Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội đã đề cập nhiều lần là “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, cũng cần phải bổ sung các cơ chế, các giải pháp để bảo đảm yêu cầu về kiểm soát quyền lực, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát; tăng tính công khai, minh bạch trong quyết định các nội dung về đầu tư cũng như tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan được giao thẩm quyền quyết định.
Liên quan đến thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, Chính phủ đề nghị chuyển thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương từ HĐND sang cho UBND các cấp (khoản 7 và 8 Điều 18), đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho rằng, việc quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nên giao cho 2 cơ quan khác nhau thực hiện để đảm bảo yêu cầu giám sát và kiểm soát quyền lực.
Lấy ví dụ thực tiễn của TP Hà Nội, đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho biết, qua thống kê, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, HĐND TP Hà Nội tổ chức khoảng 20 kỳ họp (bình quân 6 kỳ họp/1 năm; trung bình 2 tháng tổ chức một kỳ họp). Khi UBND có yêu cầu, HĐND đều chủ động sắp xếp, bố trí lịch họp trong thời gian sớm nhất có thể để thực hiện các thẩm quyền theo quy định của pháp luật, trong đó có Luật Đầu tư công, không chờ đến các kỳ họp định kỳ để giải quyết các công việc phát sinh. Mặt khác, khi đưa nội dung này ra xem xét, thảo luận và quyết định tại HĐND thì việc chuẩn bị hồ sơ dự án phải cẩn trọng hơn, việc công khai, minh bạch về quy trình cũng như nội dung dự án đầu tư cũng được bảo đảm tốt hơn, là điều kiện quan trọng để các cơ quan và người dân có thể giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Quang cảnh Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn
Về mối quan hệ giữa Dự thảo Luật Đầu tư công với các quy định của Luật Thủ đô vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2024), đại biểu Nguyễn Phương Thủy cho biết, Luật Thủ đô 2024 là đạo luật có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có cả những chính sách về đầu tư công (như về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư…). Khoản 2 Điều 50 của Luật cũng yêu cầu các bộ, ngành khi xây dựng dự án Luật có trách nhiệm rà soát, đối chiếu với quy định của Luật Thủ đô, xác định cụ thể nội dung thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô hoặc nội dung cần thực hiện theo luật đang được xây dựng.
Tuy nhiên, trong hồ sơ Dự án Luật Đầu tư công chưa thấy có nội dung rà soát, đánh giá nêu trên. Sơ bộ đánh giá, một số quy định của Luật Thủ đô sẽ không thể thực hiện được nếu Dự thảo Luật Đầu tư công được Quốc hội thông qua. Ví dụ, như nếu giao UBND quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương thì quy định tại điểm b khoản 5 Điều 9 của Luật Thủ đô sẽ không còn phù hợp.
“Do đó, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chỉ đạo các cơ quan khẩn trương tiến hành rà soát, đánh giá tác động, ảnh hưởng của các quy định trong Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), cũng như trong các dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật trong lĩnh vực đầu tư và tài chính được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này đối với việc thực hiện các quy định của Luật Thủ đô để đề xuất việc sửa đổi hoặc có quy định phù hợp về việc áp dụng Luật” - đại biểu Nguyễn Phương Thủy nhấn mạnh.
Gỡ vướng cho công tác giải phóng mặt bằng
Đồng tình với phần lớn các nội dung đề xuất sửa đổi trong Luật Đầu tư công, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) cho rằng, thứ nhất, về tách riêng dự án GPMB, với những kết quả đã đạt được của các dự án đã được phép tách, chúng ta có thể yên tâm đồng thuận cho phép tất cả các dự án nhóm A,B,C đều có thể được tách phần GPMB thành dự án riêng.
Tuy nhiên, Luật hiện hành quy định: “trong trường hợp thật sự cần thiết thì Quốc hội xem xét tách đối với dự án quan trọng quốc gia, Thủ tướng Chính phủ hoặc HĐND cấp tỉnh xem xét tách đối với dự án nhóm A”. Nay không quy định cấp có thẩm quyền xem xét việc tách là có thực sự cần thiết hay không mới được tách. Do vậy, trong Dự thảo Luật cần phải quy định cụ thể: người ra quyết định tách phải chịu trách nhiệm về việc dự án GPMB xong đất phải được đưa vào sử dụng đúng mục đích của dự án ban đầu.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn
Thứ hai, về nâng quy mô vốn trong tiêu chí phân loại dự án. So với thời điểm bắt đầu có Luật Đầu tư công năm 2015, quy mô nền kinh tế năm 2024 đã tăng lên hơn 2 lần, do vậy quy mô vốn để phân loại các dự án nhóm A, B, C đề xuất tăng lên 2 lần như Dự thảo Luật là hợp lý.
Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị, cần cân nhắc quy mô dự án quan trọng quốc gia cũng nên tăng lên 2 lần, cho tương đương với mức tăng của quy mô nền kinh tế và như mức tăng của các dự án nhóm A, B, C.
Thứ ba, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, cần cân nhắc việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư từ HĐND cho Chủ tịch UBND cùng cấp, nếu trình qua HĐND phê duyệt, thì dự án buộc phải chuẩn bị kỹ hơn, lấy ý kiến của nhiều cơ quan ban ngành có liên quan, nên sẽ mất thời gian hơn là trình thẳng cho Chủ tịch phê duyệt. Tuy nhiên, việc dự án phải lấy ý kiến tham gia của nhiều cơ quan ban ngành thì sẽ được đánh giá, xem xét kỹ hơn, chuẩn bị tốt hơn, đảm bảo khi triển khai thuận lợi và mang lại hiệu tốt quả hơn. Việc thông qua HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư là một cơ chế kiểm soát quyền lực, tạo lên sự độc lập giữa cơ quan quyết định chủ trương đầu tư với người phê duyệt dự án đầu tư, để tránh những nguy cơ mắc phải những sai phạm, giảm gánh nặng trách nhiệm cho người phê duyệt dự án.
Thêm vào đó, khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời cũng quyết định luôn những cơ chế đặc thù dành riêng cho dự án. Do vậy, khi HĐND các cấp quyết định chủ trương đầu tư cũng sẽ quyết định luôn những cơ chế để giải quyết những vấn đề vướng mắc, giúp cho dự án được triển khai thuận lợi hơn.
Do vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị, cần bổ sung vào Dự thảo Luật sửa đổi: cho phép HĐND các cấp được quyết định những giải pháp đặc thù, phù hợp với thực tế của địa phương và yêu cầu riêng của từng dự án. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư là giao quyền quyết định cho địa phương. Đồng thời, quy định HĐND các cấp có thể ủy quyền cho UBND cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư các dự thuộc thẩm quyền để phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Thứ tư, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, cần xem lại đề xuất: Danh mục dự án đầu tư công trung hạn chỉ là danh mục dự kiến; và phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm. Nếu quy định như trên, các dự án được triển khai đầu tư trên thực tế có thể hoàn toàn khác không phải là các dự án đã đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn…
Cùng đó, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị bổ sung vào Luật thêm kế hoạch đầu tư công trung hạn 3 năm cuốn chiếu. Các dự án đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 3 năm đươc lấy từ danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm. Những dự án bắt đầu được đưa vào danh mục kế hoạch 3 năm sẽ có 2 năm đầu để chuẩn bị dự án, để đến năm thứ 3 là đủ điều kiện để sẵn sàng phê duyệt và giao vốn đầu tư và triển khai.
Theo đại biểu, trong 2 năm chuẩn bị, dự án nào cần điều chỉnh thì tự điều chỉnh luôn; dự án nào không còn phù hợp thì đưa ra khỏi kế hoạch đầu tư công và bổ sung dự án mới vào kế hoạch trung hạn; việc thay đổi này được thực hiện theo kế hoạch cuốn chiếu hàng năm nên rất chủ động, linh hoạt trong việc thay đổi dự án nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát đúng hướng đầu tư.
“Ngoài ra, việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 3 năm cuốn chiếu như trên không thêm thủ thục hành chính, không thêm các bước phê duyệt, mà chỉ giúp cho các dự án được đưa vào kế hoạch có thời gian chuẩn bị kỹ hơn, các dự án đưa vào kế hoạch đầu tư công hàng năm sẽ đủ điều kiện để ký phê duyệt, phân bổ vốn và triển khai ngay từ đầu năm kế hoạch” - đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.
Hồng Thái
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/ra-soat-du-thao-luat-dau-tu-cong-voi-quy-dinh-cua-luat-thu-do-2024.html