Rà soát, quy định chặt chẽ về quy định chỉ định thầu

Rà soát, quy định chặt chẽ về quy định chỉ định thầu
8 giờ trướcBài gốc
Quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) bày tỏ đồng tình với việc giao Chính phủ quy định các trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu để tăng tính chủ động. Tuy nhiên, chủ đầu tư cần chọn nhà thầu có tiềm lực tài chính, uy tín và đã thực hiện nhiều dự án chất lượng. Thực tế, có trường hợp một nhà thầu liên tục trúng thầu hàng chục công trình trong nhiều năm, nhưng mức giảm giá chỉ dưới 1%, không mang lại hiệu quả cho nhà nước.
“Đề nghị quy định chỉ định thầu phải gắn với giảm giá đáng kể, bảo đảm chất lượng công trình và trách nhiệm rõ ràng của chủ đầu tư. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và tránh lãng phí ngân sách nhà nước”, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu.
Quang cảnh phiên họp chiều 23-5. Ảnh: TRỌNG HẢI
Về đấu thầu gói thầu xây lắp, đại biểu đoàn Đồng Tháp nêu một số bất cập. Ví dụ, trong đấu thầu vật liệu xây dựng, có trường hợp giá bỏ thầu cao gấp đôi hoặc gấp trăm lần giá trị thực tế, đặc biệt trong khai thác mỏ cát. Do vậy, đề nghị xem xét kỹ việc lựa chọn nhà thầu trong các gói thầu xây lắp, áp dụng chỉ định thầu khi cần thiết, nhưng phải bảo đảm chất lượng và hiệu quả. Đồng thời, cần có chế tài mạnh tay với các nhà thầu trúng thầu nhưng bỏ thầu, như cấm tham gia đấu thầu trong vài năm, để tránh gây ảnh hưởng đến dư luận và tiến độ dự án.
Cũng liên quan đến nội dung chỉ định thầu, đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho biết, cần làm rõ mức độ công khai, minh bạch trong các trường hợp chỉ định thầu hoặc chào hàng cạnh tranh. Hiện nay, quy trình và hồ sơ dự thầu, mời thầu, chỉ định thầu đã khá minh bạch, nhưng mức độ công khai được thực hiện như thế nào? Ví dụ, đối với doanh nghiệp nhà nước tự quyết định mua sắm hàng hóa, dịch vụ công, việc công khai được thực hiện ở phạm vi nội bộ doanh nghiệp, trên báo chí, hay trên các phương tiện thông tin đại chúng? Trong trường hợp đấu thầu rộng rãi, thông tin được công khai minh bạch trên báo chí hoặc truyền thông, nhưng với chỉ định thầu hoặc chào hàng cạnh tranh, mức độ công khai cần được quy định rõ ràng hơn. Đại biểu đề nghị bổ sung hướng dẫn cụ thể về hình thức và mức độ công khai để các đơn vị thực hiện dễ dàng hơn.
Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu thảo luận. Ảnh: TRỌNG HẢI
Đại biểu Trần Anh Tuấn cũng cho rằng, hiện nay, vướng mắc lớn nhất của Luật Đấu thầu là thời gian triển khai và quy mô gói thầu. Theo quy định, các gói thầu mua sắm dưới 500 triệu đồng hoặc dự án xây lắp dưới 1 tỷ đồng được phép chỉ định thầu. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị xem xét lại ngưỡng quy mô này để phù hợp hơn với thực tế, giúp triển khai các gói thầu thuận lợi hơn. Về thời gian, một cuộc đấu thầu trung bình mất 3-4 tháng, trong khi các gói thầu cấp bách hoặc có yêu cầu kỹ thuật, chuyên môn cao cần xử lý nhanh hơn. Nếu phải tuân thủ quy trình đấu thầu thông thường, việc lựa chọn nhà thầu mất 3-4 tháng sẽ không đáp ứng được yêu cầu cấp bách.
Có đại biểu cũng cho rằng, quy định thời hạn chỉ định thầu không quá 45 ngày hoặc 90 ngày đối với gói thầu quy mô lớn, phức tạp. Tuy nhiên, cụm từ “gói thầu quy mô lớn” chưa được định nghĩa hoặc hướng dẫn rõ ràng, gây khó khăn trong áp dụng. Đại biểu đề nghị bổ sung giải thích cụm từ này để bảo đảm tính minh bạch và thống nhất trong thực thi pháp luật.
VŨ DUNG
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/kinh-te/tai-chinh/ra-soat-quy-dinh-chat-che-ve-quy-dinh-chi-dinh-thau-829665