Cải tạo căn cứ Không quân 116
Trong chuyến thăm Căn cứ Không quân 116 tại Luxeuil-Saint-Sauveur, Haute-Saône, Tổng thống Pháp Macron tuyên bố, trong tương lai, tên lửa hạt nhân siêu thanh ASN4G được thiết kế để đổi mới sức mạnh trên không của lực lượng răn đe hạt nhân của Pháp, sẽ được triển khai tại địa điểm này vào năm 2035. Thông báo được đưa ra khi các nước châu Âu tìm cách tăng cường khả năng răn đe hạt nhân trong bối cảnh bất ổn về vai trò mà Mỹ sẽ đảm nhận trong thời gian tới.
Ảnh: Máy bay chiến đấu Rafale của Pháp. Nguồn: armyrecognition.com
Hiện tại, căn cứ không quân có một phi đội Rafale không có khả năng thực hiện các cuộc tấn công hạt nhân. Sau khi triển khai, đây sẽ trở thành căn cứ không quân hạt nhân thứ tư của Pháp. Ba căn cứ khác là - Saint-Dizier, Istres và Avord có tổng cộng 50 máy bay Rafale được trang bị tên lửa siêu thanh ASMPA mang đầu đạn hạt nhân.
Đầu tư 1,5 tỷ euro vào Căn cứ Không quân Luxeuil, sức chứa của căn cứ sẽ tăng gấp đôi, có thể tiếp nhận hơn 2.000 quân nhân và nhân viên dân sự vào năm 2035, củng cố thêm vai trò của căn cứ trong chiến lược phòng không của Pháp. Luxeuil sẽ có phi đội Rafale F5 đầu tiên vào năm 2032 và sẽ đi vào hoạt động một năm sau đó trong khi nhóm máy bay chiến đấu thứ hai sẽ sẵn sàng vào năm 2036.
Ngoài vai trò răn đe hạt nhân, căn cứ sẽ tiếp tục đảm bảo các nhiệm vụ "kiểm soát trên không" và tham gia vào các hoạt động của NATO, đặc biệt là ở sườn phía đông của liên minh. Việc tích hợp máy bay chiến đấu Rafale F5 và tên lửa ASN4G khẳng định tầm quan trọng chiến lược của Luxeuil trong thế phòng thủ của Pháp, kết hợp các nỗ lực hiện đại hóa với việc thích ứng với các thách thức an ninh mới nổi.
Hai phi đội máy bay chiến đấu Rafale F5 (40 chiếc) sẽ được phân bổ đến căn cứ này. Đây là một phần của kế hoạch lớn hơn nhằm hiện đại hóa năng lực không quân Pháp, bao gồm việc đẩy nhanh các đơn đặt hàng Rafale và khoản đầu tư 1,5 tỷ euro nâng cấp cơ sở hạ tầng để có thể lưu trữ tên lửa hạt nhân mới nhất. Mục đích là biến căn cứ này thành một trong những căn cứ tiên tiến nhất trong việc tăng cường khả năng răn đe hạt nhân của Pháp.
Phát triển Rafale F5 và ASN4G
Rafale F5 hiện đang trong quá trình phát triển kết hợp những tiến bộ đáng kể về khả năng kết nối, tác chiến điện tử và ưu thế thông tin. Đây sẽ là máy bay chiến đấu đầu tiên của Pháp tích hợp máy bay không người lái chiến đấu tàng hình có nguồn gốc từ chương trình nEUROn, được thiết kế để hoạt động cùng với máy bay nhằm tăng cường khả năng thâm nhập trong môi trường có tranh chấp và cung cấp khả năng trinh sát tiên tiến.
Rafale là máy bay chiến đấu đa năng có thể thực hiện các chức năng từ nhiệm vụ phòng không/cảnh sát trên không, nhiệm vụ răn đe hạt nhân, triển khai và hỗ trợ sức mạnh cho các nhiệm vụ bên ngoài, nhiệm vụ tấn công sâu, hỗ trợ trên không cho lực lượng mặt đất và nhiệm vụ trinh sát. Nó có phiên bản một chỗ ngồi và hai chỗ ngồi có thể được Lục quân, Không quân và Hải quân sử dụng.
Rafale F5 sẽ tích hợp radar Thales RBEX2 mới, cải thiện phạm vi phát hiện, độ phân giải và sự kết hợp cảm biến, đồng thời mang lại cho phi công khả năng nhận thức tình huống tốt hơn so với các hệ thống radar thế hệ hiện tại. Những cải tiến này cho phép Lực lượng Không quân Chiến lược Pháp (FAS) hoạt động trong các môi trường ngày càng cạnh tranh.
Một tính năng chính của Rafale F5 là khả năng mang tên lửa siêu thanh gắn đầu đạn hạt nhân ASN4G, sẽ thay thế ASMPA - tên lửa siêu thanh được trang bị đầu đạn hạt nhân. ASMPA có tầm bắn 600 km và hiện tại Pháp có 54 tên lửa như vậy. ASN4G là tên lửa siêu thanh hạt nhân không đối đất thế hệ thứ tư, có khả năng tàng hình và cơ động được cải thiện. Được MBDA phát triển, ASN4G sử dụng động cơ phản lực ramjet, đạt tốc độ Mach 6 - 7, có tầm bắn hơn 1.000 km có thể xuyên thủng các hệ thống phòng không tiên tiến.
Tầm bắn của nó sẽ tăng cường tính linh hoạt chiến lược của lực lượng răn đe của Pháp, trong khi kiến trúc tàng hình sẽ giảm khả năng phát hiện của radar, cải thiện khả năng sống sót của nó trong môi trường tác chiến điện tử. Song song với đó, Pháp tiếp tục phát triển phương tiện lướt siêu thanh V-MAX, phản ánh nỗ lực lớn hơn nhằm đa dạng hóa và tăng cường cả khả năng tấn công thông thường và hạt nhân.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Không quân Pháp, Dassault Aviation sẽ tăng cường sản xuất Rafale, dần dần đạt tốc độ năm máy bay mỗi tháng. Nỗ lực này nhằm duy trì nguồn cung ổn định cho các lực lượng của Pháp đồng thời thực hiện các cam kết xuất khẩu cho các đối tác Ấn Độ, Ai Cập, Hy Lạp và Indonesia. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng những diễn biến này phản ánh ý định của Pháp củng cố quyền tự chủ chiến lược và duy trì khả năng răn đe hạt nhân trước các mối đe dọa đang phát triển.
Pháp có thể đang tìm cách chia sẻ khả năng răn đe hạt nhân của mình với các đồng minh châu Âu khác theo hình thức tương tự như các thỏa thuận chia sẻ hạt nhân hiện tại của Mỹ với Đức, Italia, Bỉ, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuyên bố của Macron rằng Pháp sẵn sàng cung cấp khả năng răn đe hạt nhân cho các quốc gia thành viên NATO là quan trọng và đại diện cho một sự thay đổi đáng kể trong chính sách hạt nhân của Pháp.
Điều này cho thấy quốc gia này là ứng cử viên nặng ký cho vị trí lãnh đạo ở châu Âu. Quyết định phát triển ASN4G và máy bay chiến đấu được lựa chọn của họ Rafale F5, cùng với việc tái phát triển Căn cứ Không quân Luxeuil, trấn an NATO về cam kết của Pháp không chỉ đối với quyền tự chủ chiến lược của riêng mình mà còn đối với an ninh chung của châu Âu.
Việc bổ sung các tên lửa hạt nhân siêu thanh tầm xa, dự kiến sẽ diễn ra vào những năm 2030, sẽ thúc đẩy đáng kể khả năng răn đe hạt nhân của Pháp. Việc tăng cường kho vũ khí hạt nhân của Paris cũng sẽ được các giới quốc phòng châu Âu hoan nghênh sau những thay đổi chính sách của Mỹ đối với an ninh châu Âu và cuộc chiến ở Ukraine.
CTV Lê Ngọc/VON.VN (tổng hợp)