Rằm tháng Giêng là ngày nào?
Rằm tháng Giêng hay còn gọi tết Nguyên tiêu là đêm trăng tròn đầu tiên khởi đầu một năm mới. Đây là ngày lễ quan trọng mang những ý nghĩa tâm linh đặc biệt của người Việt.
Rằm tháng Giêng diễn ra từ giữa đêm 14/1 âm lịch đến hết ngày 15/1 âm lịch. Năm nay, Rằm tháng Giêng rơi vào thứ Tư, nhằm ngày 12/2 dương lịch.
Người dân thường đi chùa cầu bình an vào Rằm tháng Giêng. Ảnh: Hà Nguyễn
Nguồn gốc của Rằm tháng Giêng
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trọng Tuệ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến trúc và Văn hóa phương Đông cho biết: “Rằm tháng Giêng, hay còn gọi là lễ Thượng nguyên, tết Nguyên tiêu.
Dân gian có câu 'cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng'. Câu nói này khẳng định, Rằm tháng Giêng có ý nghĩa đặc biệt trong hệ thống tâm linh và tín ngưỡng của người phương Đông.
Đây là một tín ngưỡng của Đạo giáo, có nguồn gốc từ Trung Quốc, truyền bá vào các quốc gia phương Đông từ xa xưa. Tuy nhiên, trong quá trình du nhập, ngày lễ này đã được người dân tiếp nhận có chọn lọc và sáng tạo”.
Theo nhà nghiên cứu, tín ngưỡng của Đạo giáo thờ 3 vị thần: Thiên Quan, Địa Quan, Thủy Quan hay còn gọi là Tam Nguyên: Thượng Nguyên, Trung Nguyên, Hạ Nguyên.
Các ngày lễ Tam Nguyên gồm: Rằm tháng Giêng là lễ Thượng Nguyên, Rằm tháng Bảy là lễ Trung Nguyên, Rằm tháng Mười là lễ Hạ Nguyên.
Rằm tháng Giêng, tức 15/1 âm lịch, là ngày Thánh đản (ngày vía) của Đức Thiên Quan, hay còn gọi là Thượng Nguyên Tứ phúc Thiên Quan nhất phẩm Tử vi đại đế. Đây là vị thần nhất phẩm trên Thiên đình, trông coi toàn bộ họa phúc của nhân gian, một nhân vật rất quan trọng trong Đạo giáo.
“Theo Đạo giáo, Rằm tháng Giêng là ngày Đức Thiên Quan (Tử vi đại đế) sẽ ban phúc lành cho toàn bộ hạ giới, nên nhân gian gọi là ngày Thiên Quan Tứ Phúc (Thiên quan ban phúc).
Vì vậy, dân gian sẽ chọn ngày này để lập đàn tế lễ, cầu phúc, tiêu tai giải họa, cầu mong cho một năm được bình yên, an lạc. Cho nên, nó trở thành một ngày rất quan trọng trong số các lễ, tiết của năm”, ông Tuệ cho biết.
Người dân chuẩn bị mâm cỗ cúng gia tiên và thần linh trong ngày Rằm tháng Giêng. Ảnh: Vũ Thu Hương
Do cũng chịu một phần ảnh hưởng của văn hóa Đạo giáo trong quá trình lịch sử, nên dân gian Việt Nam cũng có tục cúng Rằm tháng Giêng.
Trong các triều đại phong kiến xưa, triều đình đều tổ chức lễ rất long trọng do vua làm chủ lễ, cầu cho thiên hạ thái bình, mưa thuận gió hòa, nơi nơi thịnh vượng, người người an lạc thái hòa.
Trong dân gian, người dân ở khắp mọi miền đất nước tổ chức cúng Rằm tháng Giêng với nhiều hình thức đa dạng, lễ vật phong phú.
Ngoài ra còn một tích khác kể rằng, vua Hán Văn lên ngôi vào đúng ngày Rằm tháng Giêng nên hàng năm cứ đến ngày này, vua lại ra ngoài chung vui với dân.
Ý nghĩa của Rằm tháng Giêng
Rằm tháng Giêng là dịp để con cháu thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên, trời đất, thần linh. Vào ngày này, nhiều gia đình làm mâm cỗ cúng gia tiên, cúng Phật và cầu tài lộc.
Người Việt tổ chức lễ cúng gia tiên để tưởng nhớ công đức của ông bà, tổ tiên. Qua đó, họ cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng.
Rằm tháng Giêng cũng là dịp để các gia đình đến chùa lễ Phật, làm việc thiện, phóng sinh… cầu nguyện bình an, may mắn trong năm mới.
Ngoài ra, nhiều người cũng tổ chức lễ cúng cầu tài lộc, cầu công việc thuận buồm xuôi gió, gia đình hạnh phúc, sức khỏe dồi dào.
Ngọc Lài