Rằm tháng Giêng: Người dân đội mưa đi chùa cầu an

Rằm tháng Giêng: Người dân đội mưa đi chùa cầu an
3 giờ trướcBài gốc
Từ xa xưa, dân gian có câu “Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng”. Trong đạo Phật, Tết Nguyên tiêu là ngày lễ quan trọng, các phật tử tin rằng ngày Rằm tháng Giêng là ngày mà ánh sáng từ bi của Phật có pháp lực mạnh mẽ, phổ chiếu nhân gian. Do đó, ngay từ sáng 12/12 (ngày Rằm tháng Giêng năm Ất Tỵ), người dân đã không quản ngại cơn mưa phùn nặng hạt, trời giá lạnh để đến chùa Phúc Khánh (phố Tây Sơn, Hà Nội) thắp hương, cầu bình an. Ảnh: Lê An
Chùa Phúc Khánh tọa lạc tại ngã tư đường Tây Sơn và Thái Thịnh, Hà Nội, là một trong những ngôi chùa cổ kính và linh thiêng bậc nhất ở thủ đô. Đây là biểu tượng của nét đẹp truyền thống Việt, là sự kết hợp hài hòa giữa tín ngưỡng, văn hóa và nhịp sống hiện đại. Khi đến với chùa Phúc Khánh, du khách sẽ tìm thấy sự bình yên giữa lòng thành phố sôi động, đồng thời có cơ hội tìm về những giá trị tâm linh sâu sắc. Ảnh: Lê An
Chùa Phúc Khánh là nơi thờ Phật và các vị Bồ Tát, đặc biệt là Đức Phật A Di Đà, Đức Quan Thế Âm Bồ Tát và Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát. Bên cạnh đó, chùa còn thờ Đức Ông và Đức Thánh Hiền, những vị thần linh bảo hộ theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Hàng năm, chùa tổ chức các lễ cầu an, lễ Vu Lan và nhiều sự kiện lớn của Phật giáo. Ảnh: Lê An
Đặc biệt, chùa Phúc Khánh nổi bật với lễ cầu an đầu năm, thu hút hàng nghìn người và đông đảo phật tử tham dự, tạo nên một nét đẹp văn hóa tâm linh độc đáo của Hà Nội. Chùa không chỉ là nơi tôn thờ tín ngưỡng Phật giáo mà còn là một điểm đến văn hóa và lịch sử quan trọng, thể hiện sự hòa quyện giữa đạo Phật và đời sống của người dân Việt Nam. Ảnh: Lê An
Theo sử sách, chùa Phúc Khánh được xây dựng vào thời kỳ Hậu Lê, vào khoảng thế kỷ 17. Đây là giai đoạn Phật giáo phát triển mạnh mẽ trong đời sống văn hóa và tín ngưỡng của người dân Đại Việt, đặc biệt là tại kinh thành Thăng Long. Ảnh: Lê An
Chùa Phúc Khánh là một công trình kiến trúc tiêu biểu cho phong cách truyền thống của Phật giáo Việt Nam, được thiết kế theo lối "nội Công, ngoại Quốc". Theo đó, các gian nhà bên trong được sắp xếp theo hình chữ Công và bao quanh là những công trình kiến trúc khác tạo thành khối chữ Quốc. Đây là kiểu kiến trúc đặc trưng của các chùa thời Hậu Lê, thể hiện sự hòa quyện giữa không gian thờ tự và thiên nhiên. Ảnh: Lê An
Bước vào chùa là khoảng sân vườn nhỏ dẫn đến tiền đường, đi sâu vào phía trong là các gian nhà tiền đường chánh điện, hậu cung, nhà Tổ… Trong đó, tiền đường và hậu cung thuộc Phật điện. Ảnh: Lê An
Khách thập phương đang đốt nén hương thơm để cầu sự bình an tại chùa Phúc Khánh vào ngày Rằm tháng Giêng. Ảnh: Lê An
Góc sân nhỏ cho thấy giữa những nhộn nhịp phố phường, chùa Phúc Khánh vẫn toát lên vẻ cổ kính, linh thiêng. Ảnh: Lê An
Trần Đình
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/ram-thang-gieng-nguoi-dan-doi-mua-di-chua-cau-an-373433.html