Rằm Xuân

Rằm Xuân
5 giờ trướcBài gốc
Ngày của lòng thành
Dân gian có câu “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng”, bởi đây là thời điểm trăng tròn đầy, trong sáng nhất trong năm theo quan niệm Phật giáo. Do đó, các chùa, nơi thờ tự thường đón rất đông khách thập phương đi lễ, cầu xin sự thiện lành, bình an. Như “truyền thống” của gia đình, năm nay bà Lâm Thị Tuyết (ngụ phường Vĩnh Mỹ, TP. Châu Đốc) cùng con cháu đi chùa dịp rằm tháng Giêng. Theo thói quen, bà cố gắng đi “10 kiểng chùa”, cầu an cho gia đình, với niềm tin vào một năm hanh thông, thuận lợi. Ở tuổi 75, bà không còn mong muốn nào hơn là nhìn thấy gia đạo an vui, con cháu làm ăn thuận lợi, vui vầy.
Đi chùa rằm tháng Giêng là truyền thống tốt đẹp của người Việt
“Mấy năm trước, tôi nhờ con cháu chở đi mấy ngôi chùa ở xa trong Nhà Bàng (TX. Tịnh Biên), vừa lễ Phật, vừa dạo chơi một thể. Năm nay, sức khỏe không được tốt, nên tôi đi mấy chùa gần nhà cho tiện. Lệ thường, tôi không đi nhiều chùa như vậy, nhưng đến dịp rằm tháng Giêng thì phải ráng, vì đây là rằm lớn nhất trong năm” - bà Tuyết chia sẻ.
Ngày Tết, ông Trần Văn Dũng (ngụ xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú) chủ yếu đi viếng họ hàng, đón tiếp khách và cúng bái tổ tiên. Đến rằm, gia đình ông mới đi chùa lễ Phật. Những ngày rằm khác trong năm, ông có thể “quên” việc ăn chay, nhưng rằm tháng Giêng nhất định phải nhớ.
Hoạt động đặc sắc
Không chỉ đến chùa, người Việt còn bày mâm lễ cúng trời, Phật, các vị thánh thần trong đêm rằm tháng Giêng. Mâm lễ với hương, hoa, trà, trái cây, được bày biện trang trọng, thể hiện sự thành kính đối với các đấng siêu nhiên, mong ước năm mới an vui, nhà nhà no ấm. Ngoài việc trang trí cờ phướn, chùa tổ chức nhiều hoạt động tín ngưỡng đặc sắc, mang giá trị nhân văn, như lễ cầu an, lễ cầu siêu.
Với các ngành, địa phương, dịp rằm tháng Giêng cũng là thời điểm tổ chức hoạt động ý nghĩa, tôn vinh truyền thống văn hóa của dân tộc, thu hút đông đảo người dân tham gia. Điển hình như, UBND xã An Hảo (TX. Tịnh Biên) phối hợp Phòng Kinh tế thị xã, Ban Quản lý Khu du lịch Núi Cấm tổ chức Lễ hội hoa đăng Thiên Cấm Sơn lần I/2025 tại hồ Thủy Liêm, vào tối 15/2 (nhằm ngày 18 tháng Giêng).
Những đóa hoa đăng mang ước vọng quốc thái dân an
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Hảo Nguyễn Hùng Cường thông tin: “Lễ hội hoa đăng Thiên Cấm Sơn nhằm tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, giới thiệu đến du khách về hình ảnh quê hương, con người, ẩm thực chay thiên nhiên của vùng đất Thất Sơn. Qua đó, tạo điểm nhấn trong tư duy tín ngưỡng của du khách khi đến với núi Cấm dịp rằm tháng Giêng. Đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Lễ hội được tổ chức với nhiều hoạt động đặc sắc, gồm: Thưởng thức ẩm thực chay, tiết mục văn nghệ, nghi lễ cầu an - thả đèn hoa đăng… hứa hẹn mang đến giây phút thiêng liêng, đậm màu sắc văn hóa Phật giáo cho người dân, du khách gần xa thưởng thức”.
Việc mượn hình tượng hoa sen tinh khiết kết hợp với ngọn nến lung linh như ánh sáng trí tuệ của Đức Phật, những đóa hoa đăng mang ý nghĩa cầu nguyện cho quốc thái dân an, thế giới hòa bình an lạc, người dân có cuộc sống sung túc, ấm no. Đây là sự kiện mang tính chất đặc sắc trên núi Cấm, góp phần làm phong phú thêm đời sống tín ngưỡng của phật tử, người dân An Giang trong dịp rằm tháng Giêng năm nay.
Từ quan niệm trong tín ngưỡng của Phật giáo, rằm tháng Giêng thực sự trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống tâm linh của người Việt. Để rồi, dù đi bất cứ nơi đâu, người ta vẫn nhớ đến ngày rằm tháng Giêng như một dịp tìm về với sự an yên, tái tạo niềm tin yêu với cuộc đời, tạo động lực cho hành trình sắp tới.
MINH QUÂN
Nguồn An Giang : https://baoangiang.com.vn/ram-xuan-a414961.html