Trên các cương vị khác nhau nhưng họ đều thể hiện bản lĩnh vững vàng, tinh thần trách nhiệm cao và đức hy sinh thầm lặng. Các chị đã nén những dự định cá nhân lại, tạm xa con thơ, gia đình... để bước vào hành trình rèn luyện gian khổ. Có người đã âm thầm vượt qua nỗi đau thể chất, vượt lên những phút giây mỏi mệt khi luyện tập... Tất cả đều đồng tâm hiệp lực, khắc họa phẩm chất đặc trưng của người phụ nữ Lục quân 1 nói riêng, phụ nữ Quân đội nói chung: Kiên cường trong gian khó, vững vàng trong kỷ luật, bản lĩnh trong hành động, linh hoạt trong tư duy, dịu dàng trong ứng xử. Họ như những bông hồng rực rỡ sắc màu, tỏa ngát hương thơm giữa những ngày tháng Tư lịch sử tại Thành phố mang tên Bác kính yêu, tô thắm trang sử vàng truyền thống của nhà trường anh hùng.
Niềm vui của các nữ quân nhân Trường Sĩ quan Lục quân 1 trong ngày đại lễ của đất nước. Ảnh: PHẠM THÚY
Trong số nữ quân nhân tham gia lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đại úy QNCN Phùng Thị Thủy, nhân viên thông tin, là người đã có kinh nghiệm bởi từng tham gia diễu binh, diễu hành trong đại lễ 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhưng lần tham gia trong đội hình diễu binh 50 năm này, với chị vẫn tràn đầy cảm xúc. Trong suy nghĩ của chị, đây không đơn thuần là một nghi lễ, mà là dịp để bản thân chị cũng như đồng đội cảm nhận sâu sắc hơn giá trị của hòa bình và sự hy sinh của các thế hệ đi trước. Đại úy QNCN Phùng Thị Thủy khẳng định: “Chúng tôi đại diện cho phụ nữ Lục quân 1 muốn khẳng định rằng, chúng tôi không chỉ là hậu phương mà còn là tiền tuyến vững vàng, sẵn sàng lên đường khi Tổ quốc "gọi tên mình".
Trong khi đó, Thiếu úy QNCN Trần Hồ Phương Thảo, nhân viên bảo mật, sinh trưởng trong gia đình quân nhân, được thừa hưởng truyền thống cách mạng và tinh thần kỷ luật từ thế hệ ông cha, xúc động bày tỏ: “Khi tôi bước qua dinh Độc Lập, tôi mang theo niềm tự hào của cả gia đình. Đã có lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc vì chấn thương trong quá trình luyện tập, nhưng nghĩ đến vinh dự lớn lao này, tôi lại càng thêm quyết tâm. Diễu binh, diễu hành không chỉ là một nhiệm vụ mà còn là phần ký ức thiêng liêng của dân tộc mà tôi may mắn được góp mặt và viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc lên tầm cao mới”.
Giống như đồng đội của mình, Đại úy QNCN Trần Thị Kim Ngân, nhân viên thông tin, cũng không giấu được niềm xúc động: “Sau nhiều năm rèn luyện trong quân ngũ, đây là lần đầu tiên tôi đến TP Hồ Chí Minh không phải trong vai trò du khách, mà là một người lính trong đội hình diễu binh, diễu hành. Mỗi bước chân là một lời tri ân gửi tới những người đã ngã xuống cho nền hòa bình hôm nay. Tôi thấy mình phải sống và cống hiến sao cho thật xứng đáng với các thế hệ cha anh đi trước”.
Còn Đại úy QNCN Phạm Thị Thúy, nhân viên quân khí, nghẹn ngào chia sẻ: “Được tham gia lễ diễu binh, diễu hành là niềm vinh dự thiêng liêng và tự hào to lớn của người lính. Với tôi, đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời quân ngũ của mình. Là một người mẹ, sau những ngày xa con, tôi muốn truyền lại cho con tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc qua chính trải nghiệm quý giá này. Đó sẽ là bài học sống động để các con tiếp bước, giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc trong thời đại công nghệ số”.
Mỗi nữ quân nhân đều mang trong tim lòng yêu nước, tự hào dân tộc, về khát vọng cống hiến của người phụ nữ Quân đội nói riêng, phụ nữ Việt Nam nói chung trong thời đại mới. Họ không chỉ phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao mà còn bước đi trong hào khí đồng vọng với chiều dài lịch sử dân tộc bằng tất cả niềm tự hào, trách nhiệm và lòng biết ơn. Những “bông hồng Lục quân 1” không chỉ tô đẹp thêm hình ảnh phụ nữ Quân đội mà còn khẳng định bản lĩnh của Bộ đội Cụ Hồ thời đại mới.
Trung tá, ThS PHẠM THỊ NHUNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.