Ngọa Du Sào trong khuôn viên trường Dục Thanh ở Phan Thiết, do nhà thơ Nguyễn Thông xây dựng để có nơi làm thơ, đọc sách. Ảnh: INT
Mang tấm lòng yêu nước, thương dân và tư thế của một nhà Nho hành đạo, Nguyễn Thông đã có nhiều đóng góp to lớn cho văn học, sử học và sự phát triển đất nước thế kỷ 19.
Con đường học vấn gian nan
Nguyễn Thông (tên thật là Nguyễn Thới Thông), sinh năm 1827, mất năm 1884, tự là Hi Phần, hiệu Kỳ Xuyên, biệt hiệu Độn Am. Ông quê ở thôn Bình Thanh, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An, tỉnh Gia Định (nay là tỉnh Long An).
Nhà thơ Nguyễn Thông. Ảnh tư liệu
Trong tác phẩm “Sơn tuyết” ở tập “Ngọa du sào văn tập” được nhà nghiên cứu Ca Văn Thỉnh dịch có nhiều đoạn văn đẹp, giàu hình ảnh: Trong vũ trụ không có chi lạ bằng núi. Có núi thinh thang thoáng đạt mà khúc chiết, có núi bàn khuất, uyển diên mà thẳng thắn, có núi sắc xanh xanh mà đáng yêu đương, có núi cao vòi vọi mà đáng kinh sợ, có núi trơ trơ mà cổ lão, có núi thon vót mà xinh xắn. Bên trong núi có dãy xuyên qua bình nguyên, dãy độ qua đãnh khác, trông ra như rừng vượt lên, như biển phục xuống, có dãy sừng sựng như đứng quay đầu, có dãy lài lài như nằm ngửa mặt. Hình dáng trăm thế, dường như có tay tinh xảo khéo đặt bày.
Theo sách “Nhân vật chí tỉnh Vĩnh Long”, cha của ông là Nguyễn Hanh, quê gốc ở Tân Thạnh, kết hôn với bà Trịnh Thị A Mầu, người gốc Thừa Thiên. Hai ông bà sinh được hai người con trai là Nguyễn Thông và Nguyễn Hài.
Từ nhỏ, Nguyễn Thông cùng em trai được cha dạy học tại nhà. Khi ông lên 10 tuổi, mẹ mất, đến năm 17 tuổi lại chịu cảnh mồ côi cha. Hoàn cảnh gia đình khó khăn buộc ông phải lao động để giúp đỡ gia đình, song niềm đam mê học tập của ông chưa bao giờ phai nhạt.
Không có thầy dạy, ông đành tự học cùng em trai. Sau đó, ông may mắn được học với Nguyễn Nhữ Hiền khi ông được bổ nhiệm đến Tân An làm quan. Tuy nhiên, thời gian học không kéo dài vì thầy sớm trở về kinh thành.
Năm 22 tuổi, tức năm 1849 (Kỷ Dậu), dưới triều Tự Đức, Nguyễn Thông tham gia khoa thi và đỗ cử nhân. Năm 1851, trong khoa thi Hội, bài thi của ông rất xuất sắc nhưng bị đánh hỏng do vấy mực. Đọc bài thi và thấy văn tài của ông, nhiều người khuyên ông tiếp tục học để thi lại.
Nhưng vì nhà nghèo, Nguyễn Thông không thể tiếp tục con đường khoa cử. Thay vào đó, ông nhận chức huấn đạo tại Phú Phong, tỉnh An Giang. Sáu năm sau, ông được điều ra Huế làm việc ở nội các, tham gia soạn sách “Nhân sự kim giám” (Gương vàng soi việc người).
Nhà Nho hành đạo
Nguyễn Thông được người đời sau đánh giá là một trí thức mang tư tưởng của một nhà Nho hành đạo khi tích cực tham gia vào công cuộc kháng Pháp, diệt trừ nạn nhũng nhiễu dân thường, và dâng lên nhiều kế sách có lợi cho đất nước.
Khi Pháp đánh thành Gia Định vào năm 1859, Nguyễn Thông tình nguyện tòng quân và hỗ trợ đắc lực cho Thống đốc quân vụ Tôn Thất Hiệp và Nguyễn Duy (em Nguyễn Tri Phương). Hai năm sau, đại đồn Chí Hòa thất thủ và tỉnh Biên Hòa lần lượt bị chiếm đóng. Khi đó, ông tham gia chiêu mộ nghĩa binh chống Pháp ở Tân An và Gò Công cùng cậu ruột là Trịnh Quang Nghị và người bạn Phan Văn Đạt.
Năm 1862, Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông. Ông may mắn thoát nạn trong khi Phan Văn Đạt bị bắt giết. Ông được Quan Kinh lược đại sứ Phan Thanh Giản tiến cử làm Đốc học Vĩnh Long. Tại đây, ông tiếp tục liên lạc với cậu Trịnh Quang Nghị và các sĩ phu yêu nước, ghi chép lại những câu chuyện về Trương Định, Hồ Huân Nghiệp, Phan Văn Đạt, Nguyễn Duy… trong tác phẩm “Kỳ Xuyên văn sao”.
Cũng trong thời gian này, ông cho xây dựng Văn Thánh Miếu, cạnh đó dựng lầu Tụy Văn cho mục đích học tập. Ông còn cùng Phan Thanh Giản khởi xướng việc dời mộ của nhà giáo Võ Trường Toản từ Chí Hòa về Bảo Thạnh (Ba Tri, Bến Tre ngày nay) để tránh bị quân Pháp xâm phạm.
Năm 1867, Pháp chiếm thành Vĩnh Long, ba tỉnh miền Tây lần lượt rơi vào tay giặc. Ông cùng nhiều sĩ phu Nam kỳ không chịu hợp tác nên tị địa (không sống chung với giặc) tại Bình Thuận. Tại đây, ông tiếp tục nghiên cứu địa hình lập căn cứ kháng Pháp, tổ chức đi thám hiểm các vùng cao nguyên La Ngư, Bà Dần, ghi rõ địa thế, khả năng khai hoang và vẽ địa đồ. Ông cũng thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp để duy trì cuộc sống lâu dài.
Đến cuối năm 1867, ông được bổ nhiệm làm Án sát Khánh Hòa rồi sau đó công tác ở Quảng Ngãi. Thời gian này, ông dâng sớ lên vua Tự Đức 4 bản điều trần về kế sách hưng thịnh quốc gia, gồm: Chọn nhân tài bổ làm quan, cải tiến võ lược, đánh thuế thổ sản và dùng chính sách khoan hậu. Tuy nhiên, tất cả đều không được chấp nhận vì sự gièm pha của các đại thần không cùng chính kiến trong triều.
Năm 1870, ông về kinh rồi được bổ làm Biện lý Bộ Hình. Cùng năm, ông lãnh chức Bố chánh Quảng Ngãi. Tại đây, ông đưa ra các kiến nghị cải thiện hệ thống thủy lợi, tài thực và chăm lo giáo dục. Những đề xuất của ông đều được vua phê chuẩn, mang lại nhiều lợi ích cho người dân, đặc biệt là nông dân với công tác thủy lợi.
Nói về lợi ích của đập Đinh Gia mà ông tham gia xây dựng ở huyện Bình Sơn, ông viết trong “Ngọa du sào thi văn tập”: “Cuối thu sang đông nước mưa trên núi đổ về, không chỗ nào bị xoáy, lở, úng, tắc, có đủ nước tưới ruộng cho cả ba thôn. Ngoài ra còn có các thứ củ ấu và các loại sò ốc, cá, tôm. Dân sở tại thu lợi khá nhiều”.
Ông còn tích cực thi hành nhiều biện pháp bài trừ nạn tham ô, hà hiếp dân chúng của cường hào. Đáng kể nhất là thái độ của ông khi lên tiếng bảo vệ dân trong vụ quyên tiền mua phẩm tước ở Quảng Ngãi năm 1872. Khi nghiên cứu kỹ đầu đuôi vụ án, ông tuyên bố: “Trong vụ này chỉ có vua và quan là nói dối dân, chớ không nói dối ai hết”, cho thấy ông đã mạnh mẽ nói sự thật mà ít người dám lên tiếng.
Không lâu sau, ông bị vu cáo xử án thất xuất nên bị cách chức, chịu giam cầm và xử trượng. May mắn rằng nhân dân và binh lính thương mến ông đã đứng ra kêu oan, xin quan Khâm sai Nguyễn Bính khi đến công tác tại Quảng Ngãi xét lại tội. Có người còn tự nguyện đến tận kinh thành kêu oan. Ông được giải tội. Sau này tìm hiểu mới rõ ông bị cường hào tên Lê Doãn vu cáo.
Năm 1873, ông xin về dưỡng bệnh tại Bình Thuận, kết bạn cùng các thân hào trí thức địa phương, đồng thời thực hiện khai khẩn đất đai. Năm 1874, ông được phục chức, làm việc tại Bộ Lễ nhưng khi đến Huế, ông bị bệnh nên phải cáo quan trở về.
Năm 1876, ông lại được triệu về kinh, giữ vị trí Tư nghiệp Quốc Tử Giám, tham gia khảo duyệt bộ “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” cùng các ông Bùi Ước, Hoàng Dụng Tân. Nhân đó, ông soạn bộ “Việt sử cương giám khảo lược”. Bộ sách này làm rõ nhiều ngọn nguồn về sử tích, cương vực và địa đồ, kể cả việc khẳng định chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Gọi Hoàng Sa là vạn lý trường sa, ông viết: “Vạn lý trường sa thuộc đảo Lý Sơn, tỉnh Quãng Ngãi. Đi thuyền theo hướng Đông chạy ra chỉ 3 ngày đêm là đến nơi. Nước Đại Việt Nam từ xưa thường chọn người đinh tráng ở hai hộ An Hải và An Vĩnh Đạt làm đội Hoàng Sa để thu lượm hải sản, mỗi năm cứ tháng 2 ra đi, tháng 8 trở về”.
Trong thời gian này, ông cũng dâng sớ xin khai khẩn vùng Tây Nguyên từ biên giới Campuchia đến Quảng Trị, đưa dân Nam kỳ ra khai hoang nhưng bị Pháp phản đối. Dù vậy, triều đình vẫn chấp thuận kế hoạch khai hoang vùng La Ngư, Ba Dầu (Bình Tuy). Nguyễn Thông được giao trọng trách này với chức Doanh điền sứ Bình Thuận.
Gian thờ cụ Nguyễn Thông được bày biện trang nghiêm tại trường Dục Thanh, TP Phan Thiết (Bình Thuận). Ảnh: TTXVN
Di sản văn chương giá trị
Nguyễn Thông là một nhà thơ, nhà văn xuất sắc, để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Nổi bật trong số đó là các tập “Ngọa du sào thi văn tập”, “Độn Am văn tập”, “Kỳ Xuyên văn sao” và “Việt sử cương giám khảo lược”. Các tác phẩm của ông vừa mang giá trị nghệ thuật vừa thể hiện tinh thần yêu nước thương dân sâu sắc.
Trong bài “Phú nghĩa địa làm phúc”, một bài phú về nghĩa trang ở Vĩnh Long, ông đã thể hiện lòng thương xót dân nghèo và căm ghét quan lại tham ô:
“Những nắm xương tuy nay yên chỗ
Còn kiếp người đau khổ ai thương?
Tham ô quan lại một phường
Nuôi thân bằng máu bằng xương dân lành
Tay dệt cửi mà mình rét cóng
Chân đi cầy mà bụng đói dài
Dẫu còn thoi thóp chút hơi
Xem ra chẳng khác bọn người cửu nguyên”.
Năm 1877, bệnh cũ tái phát, ông xin nghỉ dài hạn. Năm 1880, Nguyễn Thông được mật chỉ cùng các quan địa phương xử vụ nổi dậy của người thiểu số, xử vụ lưu dân từ trong Nam ra. Năm 1881, ông được bổ làm Phó sứ điển nông kiêm Đốc học tỉnh Bình Thuận. Năm sau, ông được thăng làm Hồng lô tự khanh.
Những năm cuối đời ở Bình Thuận, ông dựng một ngôi nhà nhỏ bên sông Phan Thiết, đặt tên là Ngọa Du Sào, nơi ông đọc sách, làm thơ và suy tư về thế sự. Nơi này sau đó được các con ông tiếp nối truyền thống, thành lập Dục Thanh học hiệu, nơi mà sau đó người thanh niên Nguyễn Tất Thành dạy học trước khi ra đi tìm đường cứu nước.
Nguyễn Thông mất năm 1884, khi 57 tuổi, tại Ngọa Du Sào. Ông để lại dấu ấn lớn trong lịch sử Việt Nam với tư cách một nhà Nho yêu nước, một nhà văn hóa lỗi lạc. Các tác phẩm của ông vẫn còn được lưu giữ và nghiên cứu cho đến ngày nay.
Long An có một Khu lưu niệm Nguyễn Thông rộng hơn 500m2, với một bia tưởng niệm được xây dựng năm 1984 nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của ông. Khu lưu niệm này được trùng tu trên đất nền nhà cũ của ông, gồm mộ phần bà nội và tấm bia đá do ông lập năm 1868 cho song thân của mình. Năm 2001, Khu lưu niệm Nguyễn Thông được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích quốc gia. Tên ông được đặt cho nhiều trường học và đường phố ở Nam Bộ, trong đó có một con đường tại Quận 3, TPHCM.
Lê Nam