Hợp tác xã đã thành công xây dựng thương hiệu, hình thành đầu ra ổn định cho sản phẩm, giúp xã viên, nông dân nâng cao thu nhập.
Nông dân xã Văn Đức sản xuất rau theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP. Ảnh: Trung Nguyên
Năm 1997, Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức được thành lập với quy mô toàn xã. Nhận thấy người tiêu dùng đang đề cao tính an toàn, chất lượng nên hợp tác xã tập trung sản xuất rau áp dụng theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP.
Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức Nguyễn Văn Minh chia sẻ: Các loại rau, củ, quả của hợp tác xã khi được trồng đều phải bảo đảm 4 tiêu chí quan trọng nhất, đó là sử dụng giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và nguồn nước. Trong quá trình canh tác, hợp tác xã chủ yếu sử dụng phân hữu cơ đã được ủ hoai mục, phân vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học lành tính,...; quá trình chăm sóc rau phải bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Đóng gói các sản phẩm rau tại Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức. Ảnh: Trung Nguyên
Để hỗ trợ các xã viên, nông dân trong sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã cung cấp các dịch vụ, như: Chọn giống, phân bón, tập huấn, hướng dẫn áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất. Hợp tác xã cũng bao tiêu sản phẩm cho nông dân, giảm nguy cơ bị ép giá trên thị trường.
Các sản phẩm của Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức đạt OCOP 4 sao. Ảnh: HTX Văn Đức
Đánh giá về quy trình sản xuất rau tại xã Văn Đức, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gia Lâm Hoàng Thị Thúy Nga khẳng định: Quy trình sản xuất rau tại Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức được thực hiện bài bản, với mô hình kiểm soát, quản lý theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ.
Các hộ tham gia sản xuất theo nhóm đều được cơ quan chức năng tập huấn về cách thức vận hành quản lý theo PGS (hệ thống đảm bảo có sự tham gia và đóng góp của các tổ chức và nhà nông vào quy trình sản xuất, cung ứng hữu cơ); sản xuất rau theo quy chuẩn an toàn, VietGAP theo phương pháp FFS (hệ thống dành cho các cơ sở sản xuất công suất cao, nhằm đóng gói, niêm phong và vận chuyển hàng hóa thực phẩm); phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM). Bên cạnh đó, mỗi hộ còn được cấp sổ nhật ký đồng ruộng để cập nhật đầy đủ thông tin về quy trình sản xuất, như thời gian, cách sử dụng các loại phân bón, thuốc trừ sâu sinh học...
Ngoài ra, Ban kiểm soát gồm đại diện người tiêu dùng, công ty phân phối, thu mua, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, chính quyền địa phương và hợp tác xã thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát định kỳ, hoặc đột xuất các hoạt động sản xuất, chăm sóc rau của mỗi thành viên trong nhóm, kiểm tra nhật ký sản xuất, bảo đảm sản phẩm an toàn thực phẩm theo quy định.
Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức Nguyễn Văn Minh thông tin thêm, các sản phẩm của hợp tác xã đều đạt chất lượng cao, luôn tươi, ngon, giòn, ngọt, đáp ứng các tiêu chí vệ sinh, an toàn thực phẩm. Từ năm 2019 đến năm 2024, hợp tác xã có 17 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3-4 sao, tiêu biểu là các sản phẩm: Cà tím, súp lơ xanh, súp lơ trắng, mùng tơi, mướp đắng, quả bầu, cải ngọt, cải ngồng, cải bắp, cải thảo…
Hợp tác xã cũng chỉ đạo xã viên sản xuất, cung cấp cho thị trường các loại rau, củ, quả theo mùa, được người tiêu dùng đánh giá cao, giúp việc tiêu thụ ổn định, sản xuất đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Hiện, bình quân thu nhập trên một héc-ta canh tác ở Văn Đức đạt khoảng 700 triệu đồng/năm, góp phần nâng thu nhập bình quân toàn xã lên 79,52 triệu đồng/người/năm.
Ánh Dương