Rời game, viết trang đời mới

Rời game, viết trang đời mới
4 giờ trướcBài gốc
Tuy không trực tiếp đứng lớp nhưng anh Tâm vẫn luôn sẵn sàng hỗ trợ khi học sinh cần giúp đỡ - Ảnh: Q.H
Ranh giới mong manh
Trong quá trình công tác tại Trường PTDTNT tỉnh, anh Tâm và đồng nghiệp từng gặp một số học sinh mê game, bỏ bê học hành. Đối với nhiều giáo viên, đây là những “ca khó”. Thế nhưng, nhiệm vụ này lại khá nhẹ nhàng với anh Tâm. Từng có quãng thời gian “vùi tuổi trẻ” trong game, anh đã rút ra nhiều bài học. Vì thế, những lời khuyên của anh Tâm luôn nhẹ nhàng, mộc mạc mà thấm sâu.
Trước khi “say” game, anh Tâm từng là một cậu bé đam mê tin học. Theo dòng hồi tưởng, anh cho biết, mình may mắn sinh ra, lớn lên trong yên ấm. Ba mẹ luôn tạo điều kiện tốt cho chị em Tâm học tập. Thời thơ ấu, anh rất thích bộ môn Toán. Lên lớp 7, một lần vô tình đọc cuốn sách Tin học của chị gái, những dòng lệnh như đánh thức thứ gì đó trong anh. Từ đó, anh có thêm một tình yêu. Về sau, tình yêu dành cho môn Toán và Tin học đã mang về cho anh nhiều giải thưởng. Tốt nghiệp THCS, anh Tâm đỗ vào Trường Quốc học Huế trong niềm vui khôn xiết của gia đình.
Khoảng cách giữa đam mê tin học đến “say” game vốn rất mong manh, nhất là đối với một cậu bé tuổi mới lớn. Khi bước vào THPT, anh Tâm bắt đầu biết tới những trò chơi đầy mãnh lực trong thế giới ảo. Từ tò mò tìm hiểu, anh say mê lúc nào không hay. Có thời điểm, phần lớn thời gian anh Tâm dành cho những cuộc chiến trên màn hình. Các nhân vật của thế giới ảo đôi khi hiện diện cả trong giấc mơ của anh.
Chiếc máy vi tính từ lâu đã trở thành người bạn của anh Tâm - Ảnh: Q.H
Gần gũi con, ba mẹ anh Tâm sớm nhận ra những biểu hiện đáng ngại ấy và nhỏ to khuyên bảo. Những bất đồng quan điểm cũng nảy sinh từ đây. Bấy giờ, anh Tâm luôn nghĩ, mình biết rõ ranh giới giữa thế giới ảo và cuộc đời thật. Anh tin mình có thể dung hòa việc học tập và giải trí. Với anh Tâm, chơi game cũng là cách rèn luyện kỹ năng. “Sau này, khi chín chắn hơn, tôi mới nhận ra, lúc đó mình đang đứng ở một góc nhìn hẹp. Nếu dành một nửa thời gian chơi game cho việc học và các hoạt động xã hội, chắc chắn tôi sẽ trưởng thành hơn rất nhiều”, anh Tâm nói.
Đoạn tuyệt với game
Trong khi đang “lạc lối” bởi game, bản lĩnh, tố chất của một học sinh giỏi đã đánh thức anh Tâm. Năm lớp 12, trong một lần làm bài thi thử, anh chợt nhận ra, nếu không cắt giảm thời gian chơi game, dồn lực vào việc học, mình khó đỗ vào ngôi trường đã chọn. Sự lo lắng đó đã thôi thúc anh Tâm thay đổi. Kết quả cho những tháng ngày gác game sang một bên là anh đã đỗ vào Trường Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh - ngôi trường ước mơ của bao thế hệ học sinh yêu công nghệ.
Game luôn là một thế giới dễ bước vào nhưng lại khó rời đi. Khi đã trở thành sinh viên và có laptop riêng, anh Tâm lại trở về với thế giới ảo. Trong 2 năm đầu đại học, có những ngày, thời gian anh dành cho việc chơi game còn nhiều hơn lên giảng đường. Để lập nên những chiến công ảo, đôi khi, anh có thể ngồi hàng giờ liền. “Khi bắt đầu học chuyên ngành, tôi biết mình sẽ không thể nào đuổi kịp các bạn nếu không chú tâm đèn sách. Đó là lúc tôi rút dần khỏi game. Đó là thời gian tôi phải trải qua cuộc đấu tranh tinh thần rất lớn”, anh Tâm kể.
Nhờ quyết định ấy, anh Tâm có thời gian học tập, trải nghiệm nhiều hơn. Những cuộc thi khoa học - kỹ thuật dần có sức hút với anh hơn. Không những thế, anh Tâm còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào ở trường. Từ đây, chàng trai người Quảng Trị đã định vị được mình trong tập thể gồm nhiều gương mặt xuất sắc. Những cơ hội việc làm đến dù anh vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường. Đó là niềm vui, động lực to lớn giúp anh Tâm “đoạn tuyệt” với game.
Anh Tâm tư vấn, hỗ trợ đồng nghiệp về công nghệ thông tin - Ảnh: Q.H
Với chuyên ngành của mình, sau khi tốt nghiệp đại học, anh Tâm được thêm nhiều công ty, doanh nghiệp mời gọi. Trong khi phần lớn các bạn chọn trụ lại ở thành phố lớn, anh Tâm lại có quyết định gây bất ngờ là trở về quê hương. Nhắc đến quyết định của mình, anh chia sẻ: “Thời xưa, có thời điểm vì mê game, tôi đã làm cho ba mẹ buồn. Vì thế, tôi luôn muốn bù đắp cho ba mẹ. Mặt khác, tôi biết, Quảng Trị vẫn là “vùng lõm” của công nghệ thông tin. Tôi nghĩ mình cần góp sức để xóa bỏ thực tế đó. Dẫu lúc đó chưa biết sẽ làm gì, như thế nào nhưng tôi nghĩ, về đã rồi tính tiếp”, anh Tâm bộc bạch.
Cống hiến theo cách riêng
Tính đến nay, anh Tâm đã có gần 10 năm gắn bó với mái trường PTDTNT tỉnh. Đây là điều trước kia anh chưa từng nghĩ tới. Theo anh Tâm, chính cơ duyên đã đưa mình đến với ngôi trường hội tụ nhiều học sinh Vân Kiều, Pa Kô này.
Phụ trách mảng công nghệ thông tin ở trường, nhiệm vụ của anh là quản lý trang thông tin điện tử, các phần mềm giáo dục của nhà trường và hỗ trợ cán bộ, giáo viên, học sinh về công nghệ. Dẫu luôn nỗ lực trong công việc nhưng anh Tâm chưa bao giờ hài lòng với sự cống hiến của mình. Vì thế, anh vẫn luôn trăn trở sáng tạo ra các phần mềm, công cụ để hỗ trợ công tác dạy và học; tích cực đóng góp cho công tác đoàn, phong trào thanh niên và giúp học sinh tiếp cận tin học...
Trong thời gian công tác, anh Tâm cảm nhận rõ niềm đam mê lập trình vẫn sục sôi trong mình. Niềm đam mê ấy thôi thúc anh viết ra nhiều phần mềm. Trong số sản phẩm của mình, thành công lớn nhất của anh có lẽ là các phần mềm phục vụ, hỗ trợ tổ chức những sân chơi trí tuệ. Anh Tâm kể: “Năm 2017, tôi nhận được lời đề nghị của lãnh đạo Trường THPT thị xã Quảng Trị là hỗ trợ nhà trường làm một phần mềm cho học sinh tranh tài về kiến thức. Trước đó, tôi cũng đã hoàn thành một phần mềm tương tự phục vụ cho Ngày Hội Văn hóa các dân tộc Việt Nam do Sở GD&ĐT Quảng Trị tổ chức. Dẫu vậy, sau khi nhận lời, tôi vẫn lo lắng vì sợ phụ sự kỳ vọng của mọi người”.
Để điều đó không xảy ra, gần 1 năm sau đó, anh Tâm dồn toàn tâm, toàn sức để vừa xây dựng, vừa kiểm thử phần mềm Olympia RĐ. Trong thời gian ấy, có lúc anh phải xóa đi tất cả để làm lại. Những áp lực vô hình đè nặng khiến vai gáy anh nhiều lúc mỏi nhừ. Vất vả vậy nên khi phần mềm được đưa vào chạy thử, anh hồi hộp cùng học sinh trải qua từng vòng thi, câu hỏi. Khi mọi thứ suôn sẻ, anh mới thở phào.
“Sau Trường THPT thị xã Quảng Trị, lãnh đạo nhiều ngôi trường khác đã liên lạc để tìm hiểu phần mềm Olympia RĐ. Hiện tại, có hơn 30 ngôi trường trên toàn quốc đã sử dụng phần mềm này, trong đó có Trường Quốc học Huế, nơi tôi từng 3 năm theo học. Nhờ phần mềm này, một số học sinh đã tự tin hơn khi tiếp cận các cuộc thi lớn khác như Đường lên đỉnh Olympia. Một số em đã giành được vòng nguyệt quế chiến thắng”, anh Tâm phấn khởi kể. Anh chia sẻ thêm, năm 2021, phần mềm Olympia RĐ đã vinh dự được lựa chọn làm phần mềm chính tổ chức vòng chung kết cuộc thi “Biên cương Tổ quốc tôi” do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì.
Đến giờ, thỉnh thoảng, một số người vẫn hỏi anh Tâm có lúc nào cảm thấy hối tiếc trước quyết định của mình sau ngày rời ghế giảng đường. Bởi, nhiều người bạn anh giờ đang làm việc ở những công ty lớn, môi trường năng động, có mức thu nhập cao... Mỗi lần như thế, anh Tâm lại khẳng khái nói, bản thân chưa bao giờ hối tiếc. Từ lâu, anh đã xác định, sự thành công của mỗi người không phải chỉ nằm ở những thứ nhìn thấy được. Đôi khi, nó hiện diện ở sự cống hiến và hạnh phúc.
“Nếu không về công tác tại Trường PTDTNT tỉnh, có lẽ tôi khó gặp người bạn đời của mình, rồi chào đón hai công chúa nhỏ. Chúng tôi cùng trúng tuyển vào trường, cùng đến nhận công tác và giờ đang cùng cống hiến cho ngôi trường mà mình dành rất nhiều tình yêu”, anh Tâm chia sẻ.
Quang Hiệp
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/roi-game-viet-trang-doi-moi-193688.htm