Rối loạn tâm thần có thể gây ra các vấn đề cho sức khỏe thể chất

Rối loạn tâm thần có thể gây ra các vấn đề cho sức khỏe thể chất
7 giờ trướcBài gốc
Ai cũng có thể mắc rối loạn tâm thần
Tại Bệnh viện E Hà Nội, hồi tháng 3/2025, một bệnh nhân là nữ sinh 14 tuổi đến khám trong tình trạng bị suy nhược tinh thần nghiêm trọng, trí nhớ suy giảm, khó tập trung, thường xuyên chán nản, tự trách bản thân và có hành vi tự hại. Kết quả chẩn đoán cho thấy nữ sinh này mắc hội chứng trầm cảm với ý tưởng tự sát, bắt nguồn từ những sang chấn tâm lý lớn. Do kỳ vọng từ gia đình, bị áp lực phải đứng đầu lớp, cộng thêm việc thường xuyên không nhận được sự công nhận của cha mẹ khiến em cảm thấy bản thân vô giá trị và không chịu nổi áp lực học tập, nên trong nhiều tháng, nữ sinh này gặp căng thẳng, dần trở nên chán nản, khó ngủ.
Stress không được xử lý tốt sẽ dẫn đến bị trầm cảm
Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, giảng viên Khoa Tâm lý, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh cho biết, những năm gần đây, số bệnh nhân gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần gia tăng. Trong đó, stress, rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn ám ảnh sâu, kiệt sức nghề nghiệp,... là các bệnh tâm lý phổ biến, chiếm tỷ lệ cao hiện nay. “Trong xã hội hiện đại ngày nay, mỗi người thường có rất nhiều mối quan hệ, đóng nhiều vai trò khác nhau. Vì phải đóng quá nhiều vai và vai nào cũng phải đóng tròn nên họ không đủ sức lực và thời gian, dẫn đến bị áp lực và stress. Stress mà không được xử lý tốt sẽ dẫn đến bị trầm cảm”, TS Ngô Xuân Điệp phân tích. Tỷ lệ người gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần ngày càng tăng cao cả ở Việt Nam và trên thế giới. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu, phá hủy sức khỏe tâm thần của hàng triệu người. Số người bị rối loạn lo âu và trầm cảm đã tăng lên đáng kể, ước tính khoảng hơn 25% trong năm đầu tiên của đại dịch và làm dấy lên lo ngại về tình trạng gia tăng các ca tự tử.
Tại Việt Nam, chứng rối loạn tâm thần đang có chiều hướng gia tăng. Theo Bộ Y tế, tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có gần 15 triệu người. Trong đó, trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao, tới 5 - 6% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác… Ở trẻ em, các vấn đề sức khỏe tâm thần vào khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Ai cũng có thể mắc rối loạn tâm thần, ít nhất là ở một giai đoạn, thời điểm nào đó của cuộc đời.
Các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm và lo âu có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính
Liệu pháp cải thiện sức khỏe tâm thần
Theo bác sĩ Nguyễn Thúy Nga, Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội), sức khỏe tâm thần là nền tảng cho sự khỏe mạnh và hoạt động hiệu quả của các cá nhân. Sức khỏe tâm thần không chỉ là trạng thái không có rối loạn tâm thần, mà còn bao gồm khả năng suy nghĩ, học hỏi và hiểu được cảm xúc của một người và phản ứng của người khác. Rối loạn tâm thần có thể gây ra các vấn đề cho sức khỏe thể chất. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các vấn đề sức khỏe tâm thần như trầm cảm và lo âu có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim mạch, tiểu đường và các vấn đề về tiêu hóa. Sức khỏe tâm thần kém còn có thể dẫn đến các hành vi không lành mạnh như hút thuốc, lạm dụng rượu bia, ăn uống không điều độ, hoặc ít vận động, tất cả đều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất. Căng thẳng kéo dài và các vấn đề sức khỏe tâm thần có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm bệnh hơn. Các vấn đề tâm lý như lo âu, căng thẳng có thể gây ra chứng mất ngủ, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Nhiều người gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần cũng có thể trải qua các cơn đau mãn tính như đau đầu, đau lưng, hoặc đau cơ. Ở chiều ngược lại, sức khỏe thể chất cũng tác động đến sức khỏe tâm thần: Việc mắc các bệnh mãn tính có thể gây ra căng thẳng, lo âu, và trầm cảm...
Liên quan đến sự tác động của sức khỏe tâm thần tới sức khỏe thể chất, TS Ngô Xuân Điệp cho biết thêm, hầu hết những bệnh trong cơ thể con người về mặt sinh học đều ít nhiều liên quan đến vấn đề tâm lý. Khi tinh thần căng thẳng sẽ khiến một số tuyến nội tiết bị rối loạn, quá trình điều tiết về nội tiết trong cơ thể mất cân bằng, lâu ngày thành bệnh về cơ thể. Trong trạng thái bình thường, não đã sử dụng tới 20% lượng calo trong cơ thể. Khi bị stress, căng thẳng, não sẽ tiêu hao nhiều năng lượng hơn, sẽ rút bớt calo, máu và dưỡng chất của các bộ phận khác trong cơ thể khiến các chức năng của các bộ phận bị yếu đi, lâu ngày các chức năng đó sẽ bị trục trặc, rối loạn.
Theo bác sĩ Nguyễn Thúy Nga, tùy vào rối loạn tâm thần cụ thể để lựa chọn hoặc phối hợp các phương pháp điều trị phù hợp: Liệu pháp hóa dược, liệu pháp tâm lý, liệu pháp sốc điện. “Bệnh tâm thần có thể phòng ngừa được nếu có kiến thức và phát hiện sớm. Thứ nhất, hạn chế và loại trừ các sang chấn tâm lý, tạo môi trường sống lành mạnh. Trong gia đình cần tránh những mâu thuẫn, những xung đột giữa cha mẹ hoặc anh chị em, vợ chồng, giáo dục con đúng phương pháp, không quá nghiêm khắc hoặc quá chiều chuộng. Trong đơn vị tập thể cần tránh những mâu thuẫn căng thẳng kéo dài, luôn xây dựng tình đoàn kết giúp đỡ nhau. Đối với những người bị stress, bị đau khổ, cần có thái độ quan tâm, an ủi, động viên đối xử đúng mức giúp họ tìm lối thoát trở lại trạng thái bình thường. Đối với bệnh tâm thần, cần điều trị kịp thời đề phòng biến chứng và tiến triển mạn tính. Đối với bệnh tâm thần mạn tính cần tích cực điều trị, uống thuốc đúng liều, thời gian, phục hồi chức năng và quản lý theo dõi”, bác sĩ Nguyễn Thúy Nga khuyến cáo.
Ngoài các phương pháp điều trị, TS Ngô Xuân Điệp cho rằng, có nhiều cách để cải thiện sức khỏe tinh thần của bản thân. Trong đó, trò chuyện, chia sẻ, thư giãn, du lịch, nghe nhạc, khiêu vũ, học những môn nghệ thuật yêu thích… là những cách khá hữu hiệu, tạo cảm xúc tích cực, từ đó sinh ra các hoocmone tốt, giúp người bệnh chữa lành. Tuy nhiên, khi gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần ở mức độ nặng hơn thì phải tìm đến các hoạt động như trị liệu tâm lý. “Cảm xúc cần phải được bộc lộ trọn vẹn thì mới có thể cân bằng cảm xúc. Nếu một người luôn luôn phải dồn nén, kìm hãm cảm xúc, tâm lý sẽ bất ổn, dễ dẫn đến bị phá hủy sức khỏe tinh thần và cơ thể từ bên trong, đồng thời dẫn đến tình trạng “mù” cảm xúc. Bởi thế, khi trị liệu tâm lý, bệnh nhân được khuyến khích bộc lộ cảm xúc bằng nhiều cách, như qua nói chuyện, vẽ tranh… Nếu tình trạng tâm lý bất ổn kéo dài sẽ dẫn đến hậu quả là hội chứng rối loạn tinh thần”, TS Ngô Xuân Điệp nhấn mạnh.
Ngọc Nhi/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/suc-khoe/roi-loan-tam-than-co-the-gay-ra-cac-van-de-cho-suc-khoe-the-chat-post1215313.vov