Rộng mở cánh cửa lập thân, lập nghiệp sau tốt nghiệp THPT

Rộng mở cánh cửa lập thân, lập nghiệp sau tốt nghiệp THPT
4 giờ trướcBài gốc
Trường Đại học Việt Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội) tư vấn tuyển sinh cho học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh.
Từng bước thay đổi tư duy lựa chọn nghề nghiệp
Công tác hướng nghiệp cho học sinh sau THPT ở tỉnh Ninh Bình đang có nhiều chuyển biến tích cực. Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của ngành Giáo dục, các cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp và chính quyền địa phương, phụ huynh, học sinh không còn quá bối rối khi đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn nghề nghiệp. Từng bước, hướng nghiệp đang trở thành một phần quan trọng trong quá trình chuẩn bị hành trang cho thế hệ trẻ.
Tại nhiều trường THPT trên địa bàn tỉnh, công tác hướng nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp THPT đã nhận được sự quan tâm của đông đảo học sinh, phụ huynh và toàn xã hội. Ngày hội tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp tổ chức tại Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy và Trường THPT Gia Viễn A vào cuối tháng 3 vừa qua đã thu hút đông đảo học sinh các trường THPT trên địa bàn các phường, xã Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan tham gia. Tại Ngày hội, đại diện các trường đại học, cơ sở giáo dục đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích về các hoạt động giáo dục, hướng nghiệp, với đa dạng ngành nghề đào tạo từ kinh tế, nhân văn đến kỹ thuật, khoa học, công nghệ, dạy nghề. Không khí sôi nổi, thẳng thắn giữa học sinh - chuyên gia - đại diện các trường cho thấy nhu cầu được tư vấn đúng và trúng đang rất lớn.
Đặc biệt, hoạt động hướng nghiệp tại các cơ sở giáo dục không còn là hoạt động rời rạc mà đã được tích hợp trong từng tiết học, từng chủ đề trải nghiệm. Các trường THPT như Nguyễn Du, B Nguyễn Khuyến, Nam Trực, A Trần Hưng Đạo, Trần Văn Lan… đã xây dựng kế hoạch hướng nghiệp rõ ràng theo từng khối lớp. Cô Nguyễn Thị Nhàn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nam Trực chia sẻ: “Mỗi năm học, trường tổ chức từ 3 đến 5 hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp. Bên cạnh việc mời chuyên gia, chúng tôi kết nối với các trường nghề, doanh nghiệp trên địa bàn để học sinh có cái nhìn rõ ràng, cụ thể, sinh động hơn về các ngành nghề. Điều quan trọng là phải giúp các em hiểu được khả năng, điều kiện và cả những đòi hỏi thực tế từ thị trường lao động”.
Em Trần Minh Đăng, học sinh lớp 12 Trường THPT Nam Trực cho biết: “Qua các buổi tư vấn, em biết thêm nhiều ngành học mới phù hợp với xu hướng. Em cũng được các thầy cô phân tích điểm mạnh của mình để cân nhắc chọn ngành nghề. Dù gia đình muốn em học đại học nhưng em đã nghiêm túc nghĩ đến việc học nghề Điện công nghiệp và dân dụng tại Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định vì phù hợp với năng lực bản thân”.
Để đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, các nhà trường triển khai công tác tư vấn cho học sinh sau THPT một cách bài bản theo Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018- 2025” của Trung ương, của tỉnh. Qua đó, học sinh lớp 12 toàn tỉnh được tiếp cận với các chương trình tư vấn, trải nghiệm nghề nghiệp ngay tại trường học. Từ việc đẩy mạnh hoạt động hướng nghiệp, tỷ lệ học sinh lựa chọn học nghề hoặc học ở các trường cao đẳng tăng dần qua từng năm, và phần lớn các em đã có định hướng lựa chọn các nghề phù hợp với sở trường và gắn với nhu cầu thị trường lao động như điện công nghiệp, công nghệ ô tô, dịch vụ du lịch…
Bên cạnh việc tổ chức tư vấn định hướng ngay trong trường học, nhiều trường THPT, cao đẳng nghề còn đưa học sinh đến tham quan các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để có trải nghiệm thực tế. Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định đã đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các tổ chức trong và ngoài nước nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề và tạo cơ hội để học sinh, sinh viên được thực hành và có cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.
Quá trình thực tập, học sinh, sinh viên được làm quen với môi trường sản xuất, nâng cao kỹ năng tay nghề, nắm bắt thực tiễn sản xuất và được doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí. Việc tổ chức cho học sinh, sinh viên đi thực tập sản xuất đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường với 90-95% học viên có việc làm ngay sau tốt nghiệp.
Sinh hoạt dưới cờ gắn với hướng nghiệp cho học sinh tại Trường THPT A Trần Hưng Đạo.
Học sinh không đơn độc trước ngưỡng cửa chọn nghề
Không chỉ học sinh, các bậc phụ huynh cũng đang dần thay đổi quan điểm lựa chọn nghề nghiệp. Trước đây, phần lớn các gia đình có xu hướng cho con vào đại học bằng mọi giá, thì nay, nhiều phụ huynh đã thẳng thắn chia sẻ mong muốn con được học đúng năng lực, miễn sao có việc làm ổn định.
Chị Mai Thanh, phụ huynh học sinh Trường THPT Nguyễn Du chia sẻ: “Con tôi học lực trung bình nên trước đây gia đình cũng muốn cháu cố gắng nộp hồ sơ xét tuyển vào trường đại học nào đó. Nhưng sau khi được nhà trường tư vấn, chúng tôi quyết định để cháu theo học nghề cơ khí. Tôi nghĩ, nếu phù hợp và có đam mê thì học nghề cũng là một con đường sáng sủa cho tương lai sau này”.
Một trong những điểm nổi bật của công tác hướng nghiệp hiện nay là sự kết nối giữa nhà trường, gia đình và doanh nghiệp. Các trường THPT chủ động tổ chức hoạt động trải nghiệm nghề, trong khi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh truyền thông, tư vấn trực tuyến, liên kết với doanh nghiệp để giới thiệu đầu ra cho học sinh.
Đơn cử như Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp như LG Electronics Hải Phòng, Kangyin Electronic Technology, Viettel, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định, cùng một số doanh nghiệp, trường đại học của Đài Loan, Nhật Bản..., tổ chức các buổi tham quan thực tế cho học sinh, sinh viên. Hoạt động này nhằm giúp học sinh, sinh viên tiếp cận quy trình thực tiễn và nâng cao kỹ năng lựa chọn nghề nghiệp. Mô hình này bước đầu được đánh giá cho kết quả tốt. Nhiều học sinh đã bày tỏ mong muốn học nghề ngay tại đơn vị, địa phương.
Hay như Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ Nam Định, để đổi mới phương pháp, cách thức hướng nghiệp, thu hút học sinh vào học, nhà trường đã tổ chức livestream giới thiệu cho học sinh các trường THPT các ngành nghề đón đầu xu thế: Điện tử, cơ khí, dịch vụ phục vụ du lịch, thời trang..., do vậy, học sinh vào học tại trường tăng dần qua từng năm.
Tuy công tác hướng nghiệp đã đạt được kết quả nhất định nhưng vẫn còn không ít khó khăn tồn tại. Đó là năng lực tư vấn nghề nghiệp của giáo viên còn hạn chế; hệ thống thông tin ngành nghề chưa đồng đều giữa các trường. Ngoài ra, tâm lý “trọng bằng cấp” vẫn là rào cản trong nhiều gia đình, khiến học sinh có thể chọn ngành không phù hợp chỉ để “có tấm bằng”.
Từ thực tiễn cho thấy: khi có sự đồng hành từ gia đình, nhà trường, xã hội và sự chủ động từ học sinh, thì lựa chọn nghề nghiệp không còn là áp lực mà đã trở thành cơ hội giúp học sinh và phụ huynh hiểu bản thân, hiểu nghề, hiểu nhu cầu xã hội, từ đó có định hướng đúng đắn cho tương lai của mình. Trong bối cảnh thị trường lao động liên tục biến động, việc thay đổi tư duy, định hướng nghề nghiệp sớm và đúng đang trở thành một trong những yếu tố then chốt để giúp thế hệ trẻ lập thân, lập nghiệp vững vàng, từ đó tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.
Bài, ảnh: Minh Thuận
Nguồn Ninh Bình : https://baoninhbinh.org.vn/rong-mo-canh-cua-lap-than-lap-nghiep-sau-tot-nghiep-thpt-097490.htm