Tháng 4 về, từ TP. Hà Giang đi theo quốc lộ 4C lên với 4 huyện vùng cao núi đá (Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc) sẽ dễ dàng bắt gặp những cây hoa gạo mọc ven đường.
Trên cành cây gạo khẳng khiu, trơ trụi lá xuất hiện những nụ hoa chúm chím bung nở nhuộm đỏ một góc trời. Hoa gạo còn có tên gọi khác là mộc miên hay pơ lang theo cách gọi của người dân vùng cao.
Cảnh sắc nên thơ của hoa cỏ, chim muông giữa núi rừng Tây Bắc.
Loài cây này còn được thấy trên các triền núi, nương ngô của đồng bào dân tộc. Chúng mọc xen lẫn núi đá, rễ bám đá mà mạnh mẽ vươn lên.
Hình ảnh hoa gạo Hà Giang mọc trên những triền đá cheo leo còn tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ và ý chí kiên cường của người dân miền sơn cước. Không gian hoang sơ của núi rừng xuất hiện những chùm hoa gạo tán sắc rực rỡ, lãng mạn.
Một cây gạo bên con đường từ Mèo Vạc về Yên Minh (Hà Giang) được chim muông chọn làm nơi làm tổ.
Không ai rõ cây hoa gạo có trên đất Hà Giang từ khi nào và đồng bào vẫn gọi loài cây này bằng một cái tên rất đậm chất núi rừng, hoa mộc miên. Thời điểm cuối tháng 2, khi những cây đào muộn bắt đầu tàn thì hoa gạo sẽ bung nở. Đặc trưng của loài cây này khi lá rụng hết chỉ còn những cành cây khẳng khiu trơ trụi thì hoa mới bắt đầu nở.
Màu đỏ rực của hoa kết hợp với màu xanh của nước, xanh của cây rừng đã tạo thành một bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ. Những bông hoa gạo càng thêm nổi bật, mang trong mình sức sống mãnh liệt trên mảnh đất biên ải khô cằn.
Để thúc đẩy loài cây này trở thành sản phẩm du lịch, trong những năm qua huyện Mèo Vạc thường xuyên chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân quản lý, bảo vệ cây Mộc Miên và triển khai trồng mới nhằm mục đích tạo thành những rừng Mộc Miên trên cao nguyên đá.
Phùng Linh