Tại Việt Nam hiện nay, tiền số vẫn chưa được pháp luật bảo hộ và có quy định quản lý cụ thể. Do đó, mọi tranh chấp xảy ra đối với tiền ảo, tiền mã hóa đều rất khó để cơ quan chức năng can thiệp. Lỗ hổng này tạo điều kiện cho các nhóm lừa đảo, đặc biệt là tội phạm xuyên quốc gia, lợi dụng việc đầu tư tiền ảo để thao túng và chiếm đoạt tài sản. Ngay cả những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm cũng không tránh khỏi hoang mang.
Hơn 1 tỷ đồng tiền tiết kiệm của một người đàn ông đã “mất trắng” sau khi tin vào lời cam kết đầu tư ít, sinh lời cao của người mô giới đồng tiền ảo Cashback pro. Chỉ đến khi không thể truy cập tài khoản và bị chặn mọi liên lạc, anh mới nhận ra mình đã bị lừa.
Nạn nhân chia sẻ: "Thời điểm đó do rút được hoa hồng nên tôi vẫn tin và đầu tư vào dự án này".
Tương tự, một thanh niên 26 tuổi đã nhiều lần nạp thêm tiền với hy vọng rút được khoản tiền gốc 3,8 tỷ đồng nhưng tài khoản đều trả về thông báo “tiền đã bị treo”. Sàn giao dịch điện tử của anh tham gia có tên Intertrader.
Nạn nhân 26 tuổi cho biết: "Lần một tiền rút ra được rất nhanh và còn được thưởng 11 triệu. Sau đó vì muốn lời nhiều hơn nên mình đầu tư toàn bộ số tiền mình có. Lúc đó chỉ nghĩ cứ xoay tiền rồi lấy ra sẽ trả nợ".
Đây không phải lần đầu tiên xuất hiện những nạn nhân mất số tiền lớn vì giao dịch tiền ảo. Thời gian qua, Công an thành phố Hà Nội liên tục triệt phá, bắt giữa các đối tượng cầm đầu đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến tiền ảo, tiền mã hóa. Thậm chí, có đồng tiền năng lượng MPX còn thu hút gần 2.000 nhà đầu tư sập bẫy với tổng số tiền bị chiếm đoạt lên tới hơn 2.000 tỉ đồng.
Hiện nay, Việt Nam chưa công nhận và cũng chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán tiền "ảo", tiền mã hóa. Bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào sử dụng tiền ảo, kể cả đồng Pi, vào hoạt động thanh toán sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ông Phạm Xuân Hòe, chuyên gia kinh tế tài chính cho biết: "Nếu chúng ta thừa nhận thì kéo theo rất nhiều áp lực và áp lực quan trọng nhất thuộc về điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương vì chúng ta không kiểm soát được tổng phương tiện thanh toán. Thứ hai, chúng tôi khuyến cáo với người dân nếu chưa tìm hiểu kĩ đừng vội đầu tư vì rủi ro rất cao".
Về bản chất, những sàn giao dịch tiền ảo tồn tại được là do đánh vào lòng tham của người đầu tư. Thậm chí nhiều người sau khi bị lừa đảo ở sàn giao dịch này lại tiếp tục mất tiền cho các sàn khác với hy vọng gỡ lại được những gì đã mất. Đây cũng là lý do các sàn giao dịch tiền ảo có dấu hiệu lừa đảo mọc lên như nấm, các nạn nhân vẫn bị “sập bẫy” bất chấp nhiều cảnh báo từ cơ quan chức năng.
Kim Oanh
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/rui-ro-khi-giao-dich-tien-so-tien-ma-hoa-322463.htm