Vùng chuyên canh trồng thanh long ruột đỏ cung cấp cho thị trường xuất khẩu tại xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc. Ảnh:B.Nguyên
Kim ngạch xuất khẩu trái cây tươi Việt Nam tăng nhanh trong vài năm trở lại đây. Đặc biệt năm 2024, kim ngạch xuất khẩu trái cây tươi Việt Nam lập kỷ lục khi đạt 7,15 tỷ USD. Mục tiêu Việt Nam đặt ra trong năm 2025, xuất khẩu trái cây tươi đạt kỷ lục mới với 8 tỷ USD.
Áp lực cung lớn hơn cầu
Hiện tổng diện tích cây ăn trái của cả nước đạt gần 1,27 triệu hécta, tăng hàng trăm ngàn hécta so với năm 2020. Trong đó, chuối đang đứng đầu về diện tích với 161,5 ngàn hécta; tiếp đến là sầu riêng với gần 151 ngàn hécta; xoài 115 ngàn hécta. Các loại trái cây có diện tích lớn khác gồm: bưởi, cam, mít, nhãn, vải, thanh long...
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, hiện trái cây Việt Nam đã xuất đi gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng chủ yếu vẫn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Cụ thể năm 2024, kim ngạch xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam sang thị trường này đạt hơn 4,6 tỷ USD, chiếm gần 65% tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây tươi cả nước. Trong đó, sầu riêng, xuất khẩu vào Trung Quốc chiếm hơn 95%, phụ thuộc quá lớn vào một thị trường rủi ro rất cao.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây tươi, so sánh về lợi thế cạnh tranh của trái cây Việt Nam trên thị trường xuất khẩu chưa cao vì chưa có nhiều thương hiệu uy tín trên thị trường quốc tế.
Tiến sĩ Đoàn Hữu Tiến, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao thiết bị kỹ thuật (Viện Cây ăn quả miền Nam) chỉ ra, các loại trái cây chủ lực của Việt Nam thường tập trung thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm. Do đó, giai đoạn nhiều loại trái cây rộ vụ thu hoạch, nguồn cung lớn hơn cầu khiến nhiều mặt hàng trái cây dễ rơi vào vòng luẩn quẩn rộ mùa, rớt giá.
Bên cạnh đó, kênh phân phối trái cây từ nông dân đến người tiêu dùng qua nhiều khâu trung gian; hệ thống thu mua, cung ứng hầu hết do các tư thương đảm nhận; bảo quản sau thu hoạch chưa tốt... đều là những nguyên nhân góp phần làm cho giá thành sản xuất trái cây Việt Nam tăng cao.
Ở khâu tiêu thụ, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cây ăn trái còn ít và thiếu gắn kết với vùng nguyên liệu. Liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, nhà phân phối còn lỏng lẻo; sự tuân thủ hợp đồng ký kết không nghiêm khiến bên bán, bên mua khó thực hiện đúng chất lượng, số lượng, thời điểm cung cấp và giá cả. Đây là nguyên nhân dẫn đến nghịch lý, doanh nghiệp thiếu nguyên liệu trái cây tươi cho chế biến và xuất khẩu. Trong khi đó, nhà vườn thiếu đầu ra ổn định, giá cả bấp bênh.
Cần chiến lược dài hạn về thị trường
Dự báo năm 2025, xuất khẩu trái cây tươi Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Trong đó có nguyên nhân các nước trên thế giới có nhiều thay đổi trong chính sách nhập khẩu cũng như hàng rào kỹ thuật ngày càng khó.
Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật), nhấn mạnh hiện nay có nhiều thách thức đối với ngành trái cây tươi trong việc đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu về kiểm dịch thực vật. Hiện nhiều thị trường nhập khẩu lớn mặt hàng trái cây tươi đặt ra quy định mới nghiêm ngặt về mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật; rào cản kỹ thuật và khả năng tuân thủ liên quan đến kiểm dịch thực vật. Đây là thách thức không nhỏ khi lợi thế cạnh tranh của thị trường xuất khẩu trái cây tươi hiện nay là chất lượng chứ không phải là giá rẻ. Trong khi đó, điểm yếu trong sản xuất trái cây tươi của Việt Nam là còn rời rạc, thiếu chuyên nghiệp; chưa có quy trình chuẩn cho toàn bộ chuỗi sản xuất từ giống tới sau thu hoạch; sinh vật gây hại diễn biến phức tạp. Quá trình thu hoạch và sau thu hoạch cũng thiếu các tiêu chuẩn về xác định chất lượng rau quả... Cần sớm có giải pháp khắc phục những điểm yếu trên thì mới tăng sức cạnh tranh cho trái cây tươi Việt Nam trên thị trường xuất khẩu.
Ông Peter Johnson, chuyên gia quốc tế về Chuỗi giá trị trái cây nhiệt đới của Chương trình Tiêu chuẩn và chất lượng Việt Nam (GQSP Việt Nam), cho rằng ngành rau trái Việt Nam cần tìm kiếm cơ hội mới về thị trường xuất khẩu bằng cách đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu hiện tại và đa dạng phân khúc thị trường. Ngành rau quả Việt Nam cần xây dựng kế hoạch xuất khẩu mang tính chiến lược cho toàn ngành như: tập trung vào tăng thị phần toàn cầu, nhất là phát triển thêm thị trường mới và cần xác định những thị trường mới tiềm năng.
Trong đó, phân khúc thị trường mới cần nhắm tới như: bán lẻ hiện đại, chế biến thực phẩm, các ngành dịch vụ thực phẩm, thương mại điện tử. Hiện nay, tại các nước phát triển, ngành bán lẻ hiện đại chiếm hơn 70% thị phần thương mại trái cây tươi. Đây là thị phần rất đáng quan tâm và ngành rau trái xuất khẩu của Việt Nam phải có chiến lược phát triển. Cụ thể, phải nắm rõ yêu cầu của phân khúc thị trường mới này để có sự đầu tư từ khâu sản xuất đến xây dựng hệ thống xuất khẩu gồm sơ chế, bảo quản, đóng gói, phân phối...
Tại Đồng Nai, mấy năm gần đây diện tích cây ăn trái tăng nhanh, nhất là chuối, sầu riêng, bưởi. Hiện toàn tỉnh có gần 81,8 ngàn hécta, tăng vài ngàn hécta so với năm 2020.
Bình Nguyên