Rừng ngập mặn ở Cửa Sót trước nguy cơ 'xóa sổ'

Rừng ngập mặn ở Cửa Sót trước nguy cơ 'xóa sổ'
4 giờ trướcBài gốc
Những cây đước, tràm, sú, vẹt... hàng chục năm tuổi đã bị chết khô.
Cánh rừng ngập mặn ở khu vực Cửa Sót (thuộc địa bàn xã Mai Phụ và Lộc Hà) có chiều dài khoảng 2 km, nằm ở phía bên tả của hạ du sông Nghèn (hay còn gọi là sông Hạ Hoàng, vùng Cửa Sót). Đây được xem là “lá phổi xanh”, bức tường thành tự nhiên che chắn mưa bão cho hệ thống đê Tả Nghèn và các công trình ngăn triều cường để góp phần bảo vệ nhà cửa, tài sản, 49 ha đất sản xuất của hơn 10.000 người dân.
Ngoài ra, cánh rừng ngập nước này còn tạo môi trường sinh thái đa dạng, nơi trú ngụ của các loài chim và thủy sản.
Quang cảnh rừng ngập mặn thuộc địa phận xã Mai Phụ lúc thủy triều xuống.
Thế nhưng khoảng 3 năm gần đây, cánh rừng đa năng này đã bị chết dần, diện tích dần bị thu hẹp và nếu không có giải pháp ứng cứu kịp thời thì sẽ đứng trước nguy cơ “xóa sổ”. Có mặt tại hiện trường lúc thủy triều xuống, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những cây đước, sú, vẹt, bần… hàng chục năm tuổi, cao từ 3 – 5m đã bị chết, cành lá khô mục, bật gốc nằm ngổn ngang ven bờ.
Cùng với đó những hàng cây quanh mép nước đã bị thủy triều xói trôi, lá héo úa, nằm nghiêng ngả chờ ngày “khai tử”.
Ông Phạm Xuân Trinh (xã Mai Phụ) tiếc nuối, lo lắng khi những cây rừng phòng hộ trơ rễ.
Ông Phạm Xuân Trinh ở thôn Lâm Châu (xã Mai Phụ) phản ánh: "Trước đây, khu rừng này rộng từ 50 – 100m tính từ chân đê Tả Nghèn ra lòng sông, nhưng nay đã giảm xuống còn khoảng 30 – 40m, thậm chí có những đoạn chỉ còn cách bờ đê chỉ 15m, khu vực bị thu hẹp nhiều nhất là đoạn giáp ranh giữa xã Mai Phụ với xã Lộc Hà. Hằng ngày chúng tôi đi đánh cá qua đây tận mắt thấy cây cối bị nước cuốn trôi, bờ bị xói lở, rừng bị thu hẹp, đê điều bị đe dọa… rất đau xót và lo lắng.
Thực trạng này đã diễn ra khoảng 3 năm và đang có dấu hiệu diễn ra nhanh hơn vì dòng Lạch Long (dòng chảy chính ở đây) đang ngày một xâm lấn. Rừng phòng hộ đang đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”, chúng tôi rất mong muốn các cấp, các ngành chức năng về kiểm tra, đánh giá tình hình để có phương án, biện pháp giữ rừng”.
Những gốc cây bị chết khô, rễ trơ trụi còn sót lại ven chân rừng ngập mặn.
Theo nhận định của những người đánh cá và nuôi trồng thủy sản lâu năm ở khu vực này, nguyên nhân dẫn đến Lạch Long thay đổi dòng chảy khiến rừng ngập mặn “kêu cứu” là do vùng Cửa Sót đang ngày càng bị bồi lắng. Mặt khác, các hộ nuôi trồng nhuyễn thể (ngao, hàu) trong quá trình sản xuất đã cải tạo bãi nuôi khiến dòng chảy của lạch chính dần thay đổi như hiện nay.
Khu vực rừng ngập mặn Cửa Sót bị xói mòn, hư hại
Ngoài tác động bởi dòng chảy thay đổi thì rừng ngập mặn ở khu vực Cửa Sót bị chết nhiều, diện tích giảm nhanh còn do các nguyên nhân như: mưa bão, triều cường ngày càng khắc nghiệt; rễ và thân cây bị xâm hại bởi các loài nhuyễn thể và rác thải nhựa, ni lông quấn vào tích tụ lâu ngày; một số đối tượng xấu chặt phá để làm lùm lán đánh bắt chim trời; công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ, trồng dặm chưa được quan tâm…
Video: Rừng ngập mặn ở Cửa Sót bị hư hại.
Tiến Phúc - Nam Giang
Nguồn Hà Tĩnh : https://baohatinh.vn/rung-ngap-man-o-cua-sot-truoc-nguy-co-xoa-so-post291944.html