Phòng dịch tả lợn châu Phi từ xa

Phòng dịch tả lợn châu Phi từ xa
4 giờ trướcBài gốc
Cán bộ phường Đức Xuân thu gom số lợn chết bị vứt bỏ để phòng ngừa dịch bệnh lây lan. Ảnh T.L
Theo thống kê từ Hệ thống báo cáo dịch bệnh động vật trực tuyến (VAHIS), tính đến đầu năm 2025, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã khiến các địa phương phải tiêu hủy hơn 23.200 con lợn. Các tỉnh như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Nghệ An và Hà Tĩnh là những khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Tỉnh Bắc Kạn cũ, trong 6 tháng qua, tiếp tục ghi nhận các ổ dịch DTLCP mới. Mặc dù các biện pháp phòng ngừa đã được triển khai, nhưng nguy cơ cao dịch bệnh tiếp tục tái phát và lây lan diện rộng. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do tình trạng buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn chưa được kiểm soát chặt chẽ, phương thức chăn nuôi của người dân còn nhỏ lẻ, chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn sinh học.
Ngoài ra, thời tiết thay đổi bất thường và các yếu tố tự nhiên khác tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển, khiến việc kiểm soát dịch trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, UBND tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo khẩn cấp của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường về phòng, chống DTLCP. Đồng thời triển khai bài bản, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch nhằm hạn chế thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Theo đó, UBND các xã, phường phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh tại các cơ sở chăn nuôi, các điểm thu gom, giết mổ và buôn bán lợn. Đặc biệt là cần tập trung vào các khu vực có nguy cơ cao và các ổ dịch cũ, nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời. Yêu cầu mọi trường hợp buôn bán, vận chuyển và giết mổ lợn nghi mắc bệnh hoặc không rõ nguồn gốc phải được kiểm soát chặt chẽ và bị xử lý nghiêm.
Ngoài ra, công tác giám sát cũng phải được thực hiện bài bản, không để dịch bệnh lây lan ra các khu vực khác. Tăng cường áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. Chủ hộ chăn nuôi phải thực hiện vệ sinh, khử trùng chuồng trại thường xuyên bằng vôi bột và các hóa chất tiêu diệt mầm bệnh.
Đồng thời, các biện pháp bảo vệ sức khỏe cho lợn cũng cần được thực hiện nghiêm ngặt, bao gồm việc tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin và đảm bảo giống vật nuôi có nguồn gốc rõ ràng, không mang mầm bệnh.
Việc kiểm soát tại các điểm giết mổ, cơ sở thu gom và chế biến lợn phải được thực hiện chặt chẽ. Cơ quan chức năng tăng cường phối hợp phát hiện và xử lý trường hợp vi phạm quy định về vận chuyển lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc; tăng cường kiểm soát và giám sát chặt chẽ các trại chăn nuôi, đặc biệt là các khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao.
Cơ quan chức năng cần kiểm soát việc tiêu thụ sản phẩm động vật tại các chợ, siêu thị và nhà hàng, đảm bảo rằng tất cả sản phẩm lợn tiêu thụ đều có nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Với sự chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành và địa phương, tỉnh Thái Nguyên đặt quyết tâm kiểm soát tốt nhất tình hình dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi. Điều này sẽ giúp hạn chế tối đa tác động tiêu cực của DTLCP đối với nền kinh tế và an toàn thực phẩm của quốc gia.
Nguyễn San
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202507/phong-dich-ta-lon-chau-phi-tu-xa-7602063/