Rừng Trần Hưng Đạo - 'Địa chỉ đỏ' giữa núi rừng đại ngàn

Rừng Trần Hưng Đạo - 'Địa chỉ đỏ' giữa núi rừng đại ngàn
4 giờ trướcBài gốc
Đây là nơi lưu giữ những địa danh gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 34 chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của QĐND Việt Nam anh hùng. Thăm “địa chỉ đỏ” giữa núi rừng đại ngàn, càng thêm trân trọng và tự hào về những người lính Cụ Hồ, anh dũng, trí lược, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
Chiến thắng Phai Khắt - Nà Ngần, “trận đầu” vang dội
Vượt qua hàng trăm cây số đường đèo núi hiểm trở, đoàn công tác Báo Hànôịmới đã tới Khu di tích lịch sử rừng Trần Hưng Đạo thuộc xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng.
Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo - nơi thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Nguyên Anh
Cách đây tròn 80 năm, thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh về việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, 17h ngày 22-12-1944, tại núi Dền Sinh, thuộc dãy Khau Giáng (Khu rừng Trần Hưng Đạo), đồng chí Văn (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đã chủ trì buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, gồm 34 chiến sĩ. Đây là những người ưu tú nhất được lựa chọn từ các đội du kích Cao - Bắc - Lạng.
Bức phù điêu được sáng tác dựa trên bức ảnh tư liệu ghi lại thời khắc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân vào ngày 22-12-1944. Ảnh: Nguyên Anh
Tại buổi lễ thành lập, đồng chí Văn đã quán triệt chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, nêu rõ nguyên tắc tổ chức và nhiệm vụ của Đội. Các đội viên đã tuyên thệ trước đại biểu liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng, bà con các dân tộc tham gia buổi lễ đã đồng thanh đọc 10 lời thề danh dự của đội quân cách mạng. Sau buổi lễ, các đội viên cùng nhau ăn bữa cơm nhạt không rau, không muối, thể hiện tinh thần quyết tâm chịu đựng gian khổ để chiến thắng quân thù của đội quân cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.
Thực hiện tinh thần của lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Trong vòng một tháng phải có hoạt động để gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hành động tích cực, nhanh chóng cho bộ đội và đặc biệt là yêu cầu: Trận đầu ra quân phải đánh thắng”, ngay sau khi thành lập, 17h ngày 24-12-1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã tiến công hạ đồn Phai Khắt, ở làng Phai Khắt.
Đường lên di tích thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại rừng Trần Hưng Đạo - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: Nguyên Anh
Sau chiến thắng Phai Khắt, trong đêm 24-12, đội đã hành quân tiến đánh đồn Nà Ngần, thuộc xã Hoa Thám (cách đồn Phai Khắt 18 km). Rạng sáng ngày 25-12-1944, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã tiến công tiêu diệt đồn Nà Ngần. Chiến thắng Phai Khắt và Nà Ngần là hai chiến công vang dội, mở đầu truyền thống “bách chiến, bách thắng” của QĐND Việt Nam anh hùng.
Nhà bia Khu di tích rừng Trần Hưng Đạo, nơi ghi danh 34 chiến sĩ của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Ảnh: Nguyên Anh
Dãy nhà mô phỏng lán nghỉ và bếp ăn của các chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân năm xưa - Ảnh: Nguyên Anh
Giếng nước tự nhiên từng phục vụ sinh hoạt cho các chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - Ảnh: Nguyên Anh
Từ sau chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã dần lớn mạnh theo năm tháng. Từ một Trung đội gồm 34 chiến sĩ, đội đã lớn mạnh thành Đại đội. Trên đường Nam tiến, Đội gặp Việt Nam Cứu quốc quân và sáp nhập thành Việt Nam Giải phóng quân.
Sau 10 năm thành lập, Việt Nam giải phóng quân đã cùng toàn thể dân tộc Việt Nam làm nên chiến công vang dội, tô thắm truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam. Đó là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, chấm dứt ách đô hộ của thực dân Pháp xâm lược.
Sau 31 năm thành lập, Quân đội nhân dân lại cùng nhân dân cả nước làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975 với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thu giang sơn về một mối, Bắc - Nam sum họp một nhà.
Trong thời bình, Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng vẫn tiếp tục làm tròn sứ mệnh thiêng liêng mà lịch sử giao phó: Bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Với những giá trị lịch sử thiêng liêng, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Khu Di tích lịch sử Rừng Trần Hưng Đạo là di tích quốc gia đặc biệt.
Đỉnh Slam Cao với 505 bậc - nơi cao nhất của núi Dền Sinh (thuộc khu di tích rừng Trần Hưng Đạo) được Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn làm nơi quan sát, nghiên cứu, chuẩn bị cho các trận đánh - Ảnh: Nguyên Anh
Khu Di tích lịch sử Rừng Trần Hưng Đạo gồm 5 điểm quan trọng: Cụm di tích rừng Trần Hưng Đạo (gồm Địa điểm thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Lán nghỉ và bếp ăn, mỏ nước phục vụ nước sinh hoạt, Đỉnh Slam Cao); Hang Thẳm Khẩu (xã Tam Kim) - từng được sử dụng làm trạm liên lạc, đưa cơm phục vụ cho các đồng chí hoạt động cách mạng; Đồn Phai Khắt (xã Tam Kim) - nơi diễn ra trận đầu ra quân của đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (25/12/1944); Đồn Nà Ngần (xã Hoa Thám) - nơi ghi dấu trận đánh thứ 2 giành thắng lợi của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (26/12/1944); Di tích Vạ Phá (xã Tam Kim).
Nằm cách Khu di tích Rừng Trần Hưng Đạo không xa là cụm di tích với nhiều “địa chỉ đỏ”, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại tướng Võ Nguyên Giáp từng hoạt động và gây dựng phong trào cách mạng. Xã Minh Tâm được sáp nhập từ 2 xã Gia Bằng, Kỳ Chỉ từ ngày 1-1-1946, trước đó thuộc tổng Gia Bằng, châu Nguyên Bình.
Cơ sở quần chúng cách mạng sớm được xây dựng ở châu Nguyên Bình nổi bật có đồng chí Dương Mạc Thạch (Chính trị viên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân). Tháng 4-1934, đồng chí Dương Mạc Thạch được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, bí danh Xích Thắng.
Từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) đến ở và làm việc tại Pác Bó, xã Trường Hà (Hà Quảng) vào tháng 1-1941, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Nguyên Bình cùng các huyện Hà Quảng, Hòa An được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm nơi thí điểm Mặt trận Việt Minh. Chỉ sau 3 tháng đã trở thành huyện Việt Minh hoàn toàn.
Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Khu di tích Rừng Trần Hưng Đạo. Ảnh: Nguyên Anh
Đến đầu năm 1942, đồng chí Võ Nguyên Giáp và một số đồng chí cán bộ cách mạng khác đã đến hoạt động ở các xã: Minh Tâm, Kim Mã, Tam Lộng của huyện Nguyên Bình. Xã Minh Tâm cũng là nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đến ở và làm việc. Những địa điểm được Người đến ở và làm việc có gia đình ông Dương Mạc Thạch (Xích Thắng), hang Kéo Quảng, Lũng Tàn, Lũng Dẻ, Lũng Lừa. Đây cũng là nơi ở và làm việc của cơ quan in Báo Việt Nam Độc Lập - cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh.
Các em thiếu nhi và nhân dân tham quan nhà trưng bày tại di tích Rừng Trần Hưng Đạo - Ảnh: Nguyên Anh
Tháng 5-1942, tại hang Kéo Quảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp mở lớp huấn luyện chính trị cho các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Cao Bằng (gồm 10 học viên…). Tại đây, các đồng chí: Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh, Đào Duy Kỳ… đã tổ chức các lớp huấn luyện chính trị ngắn ngày khác cho cán bộ cách mạng địa phương trong những năm 1942 - 1943. Với vai trò lịch sử đặc biệt quan trọng, ngày 13-2-1995, Di tích Hang Kéo Quảng đã được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.
Sợi chỉ đỏ kết nối lịch sử với thế hệ mai sau
Nhân sự kiện Báo Hànôịmới và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Cao Bằng tổ chức lễ khánh thành và bàn giao ba căn nhà "Đại đoàn kết" cho các hộ nghèo tại xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng vào đầu tháng 12 vừa qua, chúng tôi đã có cơ duyên gặp chị Dương Thủy Tiên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Cao Bằng. Chị Thủy Tiên là cháu nội của đồng chí Xích Thắng (Dương Mạc Thạch), một trong 34 chiến sĩ của đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân.
Đoàn công tác Báo Hà nội mới và ông Dương Mạc Thăng (áo xám, giữa) tại xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình. Ảnh: Nguyên Anh
Thăm nhà chị Dương Thủy Tiên, chúng tôi may mắn được trò chuyện với ông Dương Mạc Thăng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng (bố của chị Dương Thủy Tiên) - con trai của đồng chí Dương Mạc Thạch, người Chính trị viên đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.
Nếu không được giới thiệu, chúng tôi khó có thể hình dung lão nông giản dị, tác phong nhanh nhẹn đang ân cần mời cả đoàn thưởng thức những trái bưởi ngọt hái từ vườn nhà từng là người đứng đầu của Đảng bộ tỉnh Cao Bằng. Căn nhà nhỏ đơn sơ, giản dị của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng nằm nép mình dưới những dãy núi đá hùng vĩ, hoang sơ của xã Minh Tâm giữa một vườn cây ăn trái xanh tốt.
Đoàn công tác Báo Hànôịmới bàn giao nhà đại đoàn kết và trao quà hỗ trợ cho các hộ nghèo xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng. Ảnh: Nguyên Anh
Khi được biết đoàn công tác của Báo Hànôịmới vừa đến xã Nguyên Bình để khánh thành, bàn giao nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo và mong muốn được tới thăm các “địa chỉ đỏ” của xã Minh Tâm, ông Dương Mạc Thăng đã đích thân làm “hướng dẫn viên”, đưa cả đoàn tới thăm các di tích và dâng hương tưởng niệm tại phần mộ cụ Dương Mạc Thạch (Xích Thắng) nằm cách ngôi nhà nhỏ chỉ một đoạn đường.
Hồi tưởng lại những ký ức, ông Dương Mạc Thăng cho biết, trước đây, khu vực này rừng núi âm u, toàn là cây gỗ nghiến và có rất nhiều hổ. Nhà ông ngày đó được bao quanh bởi cây cối và những rặng tre xanh. Ngôi nhà là căn cứ rất an toàn để các đồng chí cán bộ cấp cao của Đảng hoạt động cách mạng. Căn nhà của gia đình ông cũng là nơi Bác Hồ hai lần đến chỉ đạo hoạt động cách mạng. Cũng tại nơi đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng sống và tổ chức các lớp huấn luyện cán bộ cách mạng. “Được gặp Bác Hồ, gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tham gia nhiều hoạt động, nên cụ thân sinh của tôi (đồng chí Xích Thắng) đã được rèn luyện, sớm trở thành cán bộ nòng cốt của địa phương", ông Thăng chia sẻ.
Ông Dương Mặc Thăng giới thiệu địa điểm nền nhà cũ của đồng chí Dương Mạc Thạch (Xích Thắng) tại xã Minh Tâm, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng, nơi Bác Hồ từng ở và làm việc năm 1942. Ảnh: Nguyên Anh
Đoàn Công tác Báo Hànôịmới thăm nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của châu Nguyên Bình nay là huyện Nguyên Bình, Cao Bằng. Ảnh: Nguyên Anh
Trực tiếp đưa chúng tôi tới thăm nơi thành lập chi bộ Đảng châu Nguyên Bình (nay là huyện Nguyên Bình), một “địa chỉ đỏ” nằm trên ngọn núi cao cách căn nhà nhỏ của gia đình không xa, ông Dương Mạc Thăng cho biết, cha của ông - đồng chí Dương Mạc Thạch đã tham gia cách mạng từ mùa hè năm 1932. Trải qua nhiều thử thách, đồng chí được kết nạp vào Hội Thanh niên phản đế. Đến tháng 4-1934, đồng chí Dương Mạc Thạch được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương với bí danh Xích Thắng.
Sau một thời gian tích cực hoạt động cách mạng, năm 1935, đồng chí Xích Thắng đã lần lượt giới thiệu các đồng chí: Trương Nam Hiến (tức Hồng My), Ma Văn Phái (tức Mỹ Lợi), Đoạn Văn Tằng (tức Lưu Lai) kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngày 15-11-1935, cấp trên tuyên bố thành lập Chi bộ liên xã Gia Bằng, Kỳ Chỉ, Linh Mai tại Tổng Ngần, xã Gia Bằng do đồng chí Xích Thắng làm Bí thư Chi bộ.
Đường lên nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của châu Nguyên Bình nay là huyện Nguyên Bình, Cao Bằng. Ảnh: Nguyên Anh
Từ đây, phong trào đấu tranh của nhân dân nơi đây bước vào giai đoạn mới dưới sự chỉ đạo của Chi bộ Đảng. Chi bộ có quan hệ chặt chẽ với Chi bộ Mỏ thiếc Tĩnh Túc (thành lập tháng 10-1930) và các cơ sở cách mạng ở địa phương. Chi bộ đã lập ra các hội truyền bá chữ Quốc ngữ, hội tương tế, hội thể thao nhằm tập hợp mọi lực lượng quần chúng đấu tranh giành quyền lợi và công bằng. Đến năm 1938, tổng số đảng viên Chi bộ liên xã nơi đây đã phát triển lên 14 người…
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Dương Mạc Thăng - con trai đồng chí Dương Mạc Thạch (Xích Thắng), chính trị viên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Ảnh: Nguyên Anh
Ông Dương Mạc Thăng cũng bồi hồi nhớ lại thời điểm khi cụ Dương Mạc Thạch giữ cương vị Phó Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang. “Lúc đó tôi vẫn còn nhỏ lắm, thường thấy nhiều người dân, cả cán bộ xã ở địa phương khăn gói đến nhà để trình bày những băn khoăn với cha mình. Bất kỳ ai đến, dù người dân tộc thiểu số hay người Kinh, cha tôi cũng tiếp đón ân cần. Có lần sang Hà Giang công tác, tôi được gặp gỡ và tiếp xúc với đồng bào nơi đây. Khi biết tôi là con trai đồng chí Dương Mạc Thạch, bà con chia sẻ: Ông Thạch khi còn công tác ở đây là người thương dân và giúp nhiều cho người dân lắm đấy.
“Những tình cảm sâu nặng mà nhân dân Hà Giang dành cho cha khiến tôi cảm thấy vô cùng xúc động và tự hào”, ông Dương Mạc Thăng xúc động chia sẻ.
Tiếp nối truyền thống cách mạng của gia đình, khi trở thành cán bộ tỉnh rồi giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, ông Dương Mạc Thăng luôn giữ được mối liên hệ mật thiết với nhân dân. Nhờ vậy những chủ trương, quyết sách của tỉnh Cao Bằng khi ông giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy đều gắn với lợi ích của người dân, giúp đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.
Ông Dương Mạc Thăng cũng là người đích thân vượt qua những dốc đứng, cheo leo, “bộ hành” đến nơi “thâm sơn cùng cốc” để tìm lại những địa chỉ cách mạng mà Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cha ông đã từng sống, hoạt động.
Yêu mến quê hương và người dân, vào năm 2005-2006, trước lúc nghỉ hưu, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Dương Mặc Thăng đã tự nguyện hiến 2.000m2 đất của gia đình, giúp địa phương có mặt bằng xây dựng Trường Mẫu giáo Minh Tâm. Nói về việc xây trường học, ông chia sẻ suy nghĩ rất mộc mạc: Cán bộ mà không làm được thì còn ai làm được nữa!.
Đoàn công tác Báo Hànôịmới trao quà cho các em thiếu nhi, Trường mầm non xã Minh Tâm (Cao Bằng). Ảnh: Nguyên Anh
Tới thăm trường Mẫu giáo Minh Tâm, ngắm nụ cười rạng rỡ của các em nhỏ giữa núi rừng Cao Bằng, mỗi thành viên đoàn công tác càng thêm trân trọng và biết ơn những hy sinh, cống hiến thầm lặng của biết bao thế hệ cha anh đi trước, để thế hệ trẻ hôm nay được sống trong hòa bình, thịnh vượng.
Bịn rịn chia tay gia đình ông Dương Mặc Thăng, chặng đường băng qua núi rừng đại ngàn trở lại Thủ đô của đoàn công tác dường như ngắn lại với mong ước được thêm một lần nữa trở lại Cao Bằng.
Hương Ly
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/rung-tran-hung-dao-dia-chi-do-giua-nui-rung-dai-ngan-688230.html