Dự án thâm canh cây cào được Phòng NN&PTNT huyện Đak Pơ (cũ) triển khai trên địa bàn thị trấn Đak Pơ vào năm 2022 (từ 1.7.2025, thị trấn Đak Pơ và 3 xã Hà Tam, An Thành, Yang Bắc sáp nhập thành xã Đak Pơ).
Thời điểm này, nhiều hộ người Bana ở địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây cào. Như gia đình ông Đinh Oeng trước đây chỉ trồng cây cào dọc bờ suối để lấy hạt ủ rượu cần dùng trong gia đình, sau khi dự án triển khai, ông mạnh dạn chuyển 2 sào đất trồng mì sang trồng cây cào.
Nhiều hộ người Bahnar ở xã Đak Pơ trồng hạt cào tăng thêm thu nhập. Ảnh: H.T
“Nhờ được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, mỗi năm gia đình tôi thu được hơn 9 tạ hạt cào. Với giá bán từ 55.000 - 60.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi gần 40 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình tôi còn tham gia ủ rượu cần từ hạt cào với men lá để bán cho HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Thịnh Phát nên có thêm nguồn thu nhập”, ông Đinh Oeng cho biết.
Nhận thấy tiềm năng lớn, năm 2023, UBND xã Yang Bắc (cũ) đã vận động HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Thịnh Phát tại địa phương mở rộng mô hình sản xuất, phát triển dịch vụ ủ rượu cần từ hạt cào kết hợp men lá. Đây được xem là bước đi mới, vừa giữ gìn nét truyền thống, vừa tạo sinh kế bền vững cho người dân trong xã.
Ông Đinh Văn Nhoắc - Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Thịnh Phát (xã Đak Pơ) cho biết: “HTX hiện có 19 thành viên, trong đó 6 phụ nữ đảm nhận việc làm men truyền thống, nấu hạt cào để ủ rượu cần. Các thành viên khác trồng hạt cào, làm rượu cần, làm men lá để bán lại cho HTX”.
Cùng với hạt cào thì điều làm nên nét riêng biệt ở rượu ghè của người Bana tại Đak Pơ chính là men lá truyền thống. Theo bà Đinh Thị Khio, người làm rượu cần ngon có tiếng ở xã Đak Pơ, men rượu cần được làm từ nhiều loại rễ cây rừng và cây cỏ quanh nhà như h’gam, drăl dung, mía, gừng, ớt, củ chuối…
Theo truyền thống người Bana, việc làm men rượu do phụ nữ đảm nhận. Từ tìm nguyên liệu, giã, phơi, đến trộn men, ủ rượu, tất cả đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và kiên nhẫn. Chính nhờ đôi bàn tay tài hoa và bí quyết lưu truyền qua nhiều thế hệ, rượu ghè Đak Pơ mang hương vị đậm đà, từng được giới thiệu tại nhiều sự kiện văn hóa trong và ngoài tỉnh.
Năm 2019, Hội LHPN thị trấn Đak Pơ (cũ) đã thành lập tổ ủ men rượu truyền thống Bana, do bà Đinh Thị Khio đóng vai trò chủ chốt. “Từ khi được thành lập, các chị em cùng nhau học nghề, giữ nghề và truyền dạy cho con cháu. Nhờ vậy, lớp trẻ thêm yêu và tự hào, ý thức hơn về việc gìn giữ nghề làm rượu ghè từ men lá truyền thống với hạt cào của người Bana”, bà Khio vui vẻ chia sẻ.
Chị Đinh Thị Em (làng Jun, xã Đak Pơ) bên những ché rượu cần từ hạt cào ủ với men lá. Ảnh: H.T
Tháng 12.2024, sản phẩm rượu ghè men lá, hạt cào của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Thịnh Phát đã được công nhận đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Đây không chỉ là thành quả cho chất lượng mà còn mở ra cơ hội quảng bá rộng rãi hơn. “Du khách đến Đak Pơ, ai cũng thích mua rượu ghè làm quà”, ông Nhoắc cho biết.
Theo bà Bùi Thị Thương, Chủ tịch UBND xã Đak Pơ, việc canh tác cây cào cũng như nghề ủ rượu ghè từ hạt cào và men lá truyền thống đã và đang giúp người dân Bana ở địa phương cải thiện đáng kể thu nhập, từng bước nâng cao đời sống.
“Thời gian tới, xã Đak Pơ tiếp tục chỉ đạo, vận động người dân mở rộng diện tích trồng cào nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Thịnh Phát. Bên cạnh đó, xã sẽ tăng cường hỗ trợ cho HTX trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm rượu ghè truyền thống ra thị trường rộng rãi hơn. Qua đó tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời góp phần vào việc gìn giữ, phát huy nghề ủ rượu cần truyền thống của đồng bào Bana”, bà Thương nhấn mạnh.
ĐINH YẾN