Rút gọn biểu thuế thôi, chưa đủ!

Rút gọn biểu thuế thôi, chưa đủ!
10 giờ trướcBài gốc
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi để lấy ý kiến các bên liên quan. Một trong những điểm nổi bật của dự thảo lần này là thay đổi cơ cấu biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng cho cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công.
Rút gọn biểu thuế còn 5 bậc
Theo quy định hiện hành, biểu thuế TNCN gồm 7 bậc, với thuế suất từ 5% đến 35%. Trong dự thảo mới, Bộ Tài chính đề xuất rút gọn biểu thuế còn 5 bậc, giữ nguyên mức thấp nhất là 5% và mức cao nhất là 35%, nhưng điều chỉnh khoảng cách thuế suất giữa các bậc nhằm bảo đảm công bằng và giảm gánh nặng thuế cho người nộp.
Dự thảo đưa ra 2 phương án cải cách. Ở phương án 1, những cá nhân có thu nhập ở bậc 1 không bị ảnh hưởng, nhưng vẫn được giảm thuế nhờ tăng mức giảm trừ gia cảnh. Các cá nhân thuộc bậc thuế từ bậc 2 trở lên sẽ được giảm thuế nhiều hơn so với hiện tại.
Ví dụ, người có thu nhập tính thuế 10 triệu đồng/tháng sẽ giảm được 250.000 đồng tiền thuế mỗi tháng; với mức thu nhập 30 triệu, số thuế giảm là 850.000 đồng/tháng; người có thu nhập 40 triệu được giảm 750.000 đồng, còn với mức 80 triệu đồng/tháng, mức giảm là 650.000 đồng.
Phương án 2 giữ nguyên các ưu đãi thuế như phương án 1 đối với nhóm thu nhập dưới 50 triệu đồng/tháng, nhưng có mức giảm thuế cao hơn với các cá nhân thu nhập trên 50 triệu, đồng nghĩa với việc nguồn thu ngân sách nhà nước giảm nhiều hơn so với phương án 1.
Bộ Tài chính khẳng định biểu thuế lũy tiến từng phần là chính sách phổ biến trên thế giới nhằm bảo đảm tính công bằng theo chiều dọc - người có thu nhập cao phải đóng thuế nhiều hơn. Tuy biểu thuế ở mỗi nước có sự khác nhau tùy theo quan điểm chính sách nhưng xu hướng chung hiện nay là đơn giản hóa hệ thống, chủ yếu bằng cách giảm số bậc thuế.
Nhiều chuyên gia góp ý nên nâng ngưỡng chịu thuế thay vì giữ như hiện tại hoặc tăng quá ít sẽ thiệt thòi cho người dân. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ông Lê Thanh Quý (ngụ phường Tân Mỹ, TP HCM), hiện có thu nhập hơn 200 triệu đồng/tháng, cho rằng cả 2 phương án cải cách thuế TNCN mà Bộ Tài chính đề xuất đều có lợi hơn so với hiện hành.
Theo ông, thu nhập phổ biến tại Việt Nam hiện nay nằm trong khoảng 10-20 triệu đồng/tháng, đều được giảm thuế từ 250.000-350.000 đồng/tháng. Riêng nhóm thu nhập từ 50 triệu đồng/tháng trở lên sẽ hưởng lợi rõ rệt, đặc biệt với phương án 2. Cụ thể, người thu nhập 100 triệu đồng/tháng sẽ được giảm thuế hơn 2 triệu đồng/tháng so với hiện tại.
Theo ông Quý, việc cải cách biểu thuế theo hướng này là cần thiết, không chỉ giúp giảm gánh nặng tài chính mà còn góp phần khuyến khích người lao động có thu nhập cao tiếp tục cống hiến, đồng thời thu hút chuyên gia và nhân lực chất lượng cao. Quan trọng hơn, chính sách thuế phải phù hợp thực tiễn, phản ánh đúng mức sống và chi phí sinh hoạt. Chỉ khi bảo đảm được tính công bằng và hợp lý, chính sách thuế mới thực sự tạo động lực phát triển kinh tế và nhận được sự đồng thuận từ người dân.
Nâng ngưỡng chịu thuế
Tuy nhiên, một số chuyên gia và người dân đề xuất cần nâng ngưỡng thu nhập chịu thuế tương ứng với mức giảm trừ gia cảnh để bảo đảm công bằng. Chị Đặng Thanh Tuyền, trưởng bộ phận kinh doanh một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu, phân phối các loại nguyên liệu dùng trong chế biến thức ăn gia súc, cho biết thông thường, khi thương lượng về lương với người lao động, các doanh nghiệp không cam kết lương thực nhận (lương net) mà sẽ áp dụng chế độ lương gross (tổng thu nhập trước khi trừ các khoản bảo hiểm và thuế). Thông thường, đến cuối năm, cộng cả tiền thưởng thì thu nhập chịu thuế của chị Tuyền đều trên 80 triệu đồng/tháng và phần vượt đó phải đóng thuế TNCN 35%.
"Số vượt đó không nhiều nên số thuế phải đóng ở bậc thuế cao nhất cũng không quá lớn. Tuy nhiên, hiện nay mọi chi phí hằng ngày của người dân đều tăng thì ngưỡng chịu thuế cũng cần được xem xét tăng tương ứng. Nếu chi phí tăng mà ngưỡng chịu thuế vẫn giữ nguyên hoặc tăng không đáng kể thì người nộp thuế sẽ bị thiệt" - chị Tuyền nêu quan điểm.
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa (Hội Tư vấn và Đại lý Thuế TP HCM) cho rằng phương án 2 trong dự thảo là hợp lý hơn do đã rút gọn số bậc thuế từ 7 xuống còn 5, đồng thời điều chỉnh thuế suất linh hoạt hơn. Cụ thể, thu nhập đến 10 triệu đồng chịu thuế 5%; từ 10-30 triệu đồng chịu 15%; từ 30-60 triệu đồng chịu 25%; từ 60-100 triệu đồng chịu 30% và trên 100 triệu đồng là 35%.
Theo ông Nghĩa, điều này giúp người nộp thuế ở mọi mức thu nhập đều được hưởng lợi. Nhưng ông cũng lưu ý mức tăng ngưỡng chịu thuế chưa tương xứng với tỉ lệ tăng của mức giảm trừ gia cảnh. Mức giảm trừ tăng 40% (từ 11 lên 15,5 triệu đồng/người/tháng) mà ngưỡng thu nhập ở bậc thuế cao nhất chỉ tăng 25% (từ 80 lên 100 triệu đồng/người/tháng). Do đó, ông đề xuất nên điều chỉnh mức thu nhập bậc cao nhất lên 120 triệu đồng để phù hợp với thay đổi của mức giảm trừ.
PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP HCM) cũng cho rằng biểu thuế TNCN cần được cập nhật thường xuyên theo lạm phát chứ không nên chờ vài năm mới điều chỉnh một lần. "Chỉ số lạm phát hằng năm luôn được công bố, do đó chính sách thuế cần linh hoạt để phản ánh đúng biến động chi phí sinh hoạt và thu nhập" - ông Huân nói.
Đồng tình với những quan điểm trên, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển đề xuất mới của Bộ Tài chính về các bậc thuế cao và ngưỡng chịu thuế chưa thực sự hợp lý. Bởi, đối với những cá nhân có thu nhập khoảng 1 tỉ đồng mỗi năm, như chuyên gia, giảng viên, nhà đầu tư… nếu áp dụng thuế suất 35% có thể gây trở ngại trong việc khuyến khích lao động chất lượng cao. Vì vậy, cần xem xét lại mức thuế cao nhất sao cho vừa bảo đảm công bằng, vừa tạo động lực phát triển chính đáng cho người có thu nhập cao.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/rut-gon-bieu-thue-thoi-chua-du-196250722220059099.htm