Rút gọn biểu thuế thu nhập cá nhân, tạo công bằng các nhóm thu nhập

Rút gọn biểu thuế thu nhập cá nhân, tạo công bằng các nhóm thu nhập
11 giờ trướcBài gốc
Rút ngắn số bậc thuế góp phần đơn giản hóa, giảm số bậc thuế nhằm tạo thuận lợi cho công tác kê khai, nộp thuế của người nộp thuế. Ảnh: Hồng Hoa
Hai phương án sửa đổi biểu thuế
Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công với 7 bậc thuế gồm: 5%, 10%, 15%, 20%, 25%, 30% và 35%. Tuy nhiên, qua quá trình thực tế thực hiện, có quan điểm cho rằng, biểu thuế lũy tiến từng phần hiện hành là chưa hợp lý, quá nhiều bậc, giãn cách giữa các bậc quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm làm tăng số thuế phải nộp, số lượng phải quyết toán thuế, trong khi số thuế phải nộp thêm không nhiều.
Tại dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính cho biết, qua rà soát cơ cấu biểu thuế hiện nay và nghiên cứu xu hướng cải thiện về mức sống dân cư trong thời gian tới cũng như kinh nghiệm quốc tế, có thể nghiên cứu để cắt giảm số bậc thuế của biểu thuế hiện nay từ 7 bậc xuống mức phù hợp; cùng với đó, xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao. Thực hiện theo hướng này, sẽ góp phần đơn giản hóa, giảm số bậc thuế nhằm tạo thuận lợi cho công tác kê khai, nộp thuế của người nộp thuế.
Theo Bộ Tài chính, thu thuế thu nhập cá nhân theo các mức thuế suất lũy tiến từng phần là chính sách được áp dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Xu hướng chung được một số quốc gia thực hiện gần đây là thực hiện đơn giản hóa biểu thuế thông qua việc giảm số bậc trong biểu thuế.
Đồng thời, việc sửa đổi biểu thuế thu nhập cá nhân cần phù hợp với định hướng được đặt ra trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, đảm bảo phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội, thu nhập và mức sống của người dân và với thông lệ quốc tế, đặc biệt là với các nước có điều kiện tương đồng, vừa đảm bảo quyền lợi của người lao động, khuyến khích sự phát triển của thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế, vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Qua rà soát và nghiên cứu thực tiễn từ các nước, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án sửa đổi biểu thuế, cụ thể, phương án 1: ở bậc 1 phần thu nhập tính thuế/tháng là 10 triệu đồng, có thuế suất là 5%; bậc 2 phần thu nhập tính thuế/tháng là từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng, có thuế suất là 15%; bậc 3 phần thu nhập tính thuế/tháng là từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng, có thuế suất là 25%; bậc 4 phần thu nhập tính thuế/tháng là từ 50 triệu đồng đến 80 triệu đồng, có thuế suất là 30%; bậc 5 phần thu nhập tính thuế/tháng là trên 80 triệu đồng, có thuế suất là 35%.
Ở phương án 2, Bộ Tài chính đề xuất: bậc 1 phần thu nhập tính thuế/tháng là 10 triệu đồng, có thuế suất là 5%; bậc 2 phần thuế thu nhập tính thuế/tháng là từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng, có thuế suất là 15%; bậc 3 phần thu nhập tính thuế/tháng là từ 30 triệu đồng đến 60 triệu đồng, có thuế suất là 25%; bậc 4 phần thu nhập tính thuế/tháng là từ 60 triệu đồng đến 100 triệu đồng, có thuế suất là 30%; bậc 5 phần thu nhập tính thuế/tháng là trên 100 triệu đồng, có thuế suất là 35%.
Tạo thuận lợi cho kê khai, tính thuế
Theo phân tích của Bộ Tài chính, việc thu hẹp số lượng bậc thuế sẽ góp phần đơn giản hóa công tác quản lý, thu thuế, tạo thuận lợi cho việc kê khai, tính thuế và phù hợp với xu hướng cải cách thuế thu nhập cá nhân trên thế giới. Thực hiện theo phương án 1 và phương án 2 đáp ứng được mục tiêu giảm bậc thuế, điều chỉnh thu nhập tính thuế ở từng bậc ở số chẵn.
Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của hai phương án là khác nhau. Trong đó, đối với phương án 1, cá nhân có thu nhập tính thuế hiện đang ở bậc 1 sẽ không bị ảnh hưởng (tuy nhiên, với việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thì cá nhân đang có thu nhập ở bậc 1 đều được giảm thuế), các cá nhân hiện đang nộp thuế từ bậc 2 trở lên sẽ được giảm thuế so với hiện nay. Ví dụ, cá nhân có thu nhập tính thuế 10 triệu đồng/tháng sẽ được giảm 250.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 30 triệu đồng/tháng sẽ được giảm 850.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 40 triệu đồng/tháng sẽ được giảm 750.000 đồng/tháng, cá nhân có thu nhập tính thuế 80 triệu đồng sẽ được giảm 650.000 đồng/tháng...
Đối với phương án 2, cơ bản mọi cá nhân có thu nhập tính thuế từ 50 triệu đồng/tháng trở xuống sẽ được giảm thuế tương đương phương án 1, đối với cá nhân có thu nhập tính thuế trên 50 triệu đồng/tháng thì mức độ giảm sẽ nhiều hơn phương án 1, vì vậy số thu ngân sách nhà nước sẽ giảm nhiều hơn phương án 1.
Theo đánh giá của PGS.TS Phan Hữu Nghị - Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân, biểu thuế lũy tiến hiện nay áp dụng từ 5% đến 35% với 7 bậc thuế khác nhau, nhưng các bậc thuế đang quá dày và biên độ giữa các bậc quá hẹp, khiến mức thuế suất và số thuế tăng cao ngay cả khi thu nhập chỉ tăng nhẹ.
Do đó, theo PGS.TS Phan Hữu Nghị, việc rút gọn biểu thuế thu nhập cá nhân theo hướng đề xuất của Bộ Tài chính là khá hợp lý. Giảm biểu thuế từ 7 bậc xuống còn 5 bậc, giúp đơn giản hóa hệ thống tính thuế mà vẫn đảm bảo nguồn thu hợp lý cho ngân sách nhà nước. Điều này không chỉ tạo ra sự công bằng hơn giữa các nhóm thu nhập, mà còn khuyến khích người lao động gia tăng thu nhập mà không lo bị đánh thuế quá mức.
Còn theo ông Nguyễn Văn Được - Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, đề xuất giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh tại dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) sẽ rất phù hợp và tạo sự linh hoạt, chủ động cho Chính phủ trong việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, song cần bổ sung thêm một số điều kiện cụ thể về các biến động của kinh tế - xã hội để bảo đảm chặt chẽ trong thực thi.
Chuyên gia này cũng đánh giá cao việc Bộ Tài chính bổ sung các quy định về miễn thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ phát triển khoa học, công nghệ, miễn thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động bảo vệ môi trường, lợi tức từ hoạt động nông, lâm nghiệp…, điều này sẽ khuyến khích các cá nhân chủ động tham gia phát triển các ngành, lĩnh vực nêu trên.
Số bậc thuế ở các nước châu Á dao động từ 5 - 13
Việc áp dụng thu thuế thu nhập cá nhân theo các mức thuế suất lũy tiến từng phần là chính sách được áp dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Theo đó, hầu hết các nước đều áp dụng biểu thuế lũy tiến có nhiều bậc khác nhau để áp dụng thu thuế theo các mức khác nhau đối với những nhóm người nộp thuế có mức thu nhập khác nhau, qua đó, đảm bảo tính công bằng theo chiều dọc của chính sách thuế (số thuế phải trả tăng theo sự gia tăng thu nhập).
Tuy cách thức và phương thức thiết kế biểu thuế các nước cũng khác nhau, tùy thuộc vào quan điểm thiết kế chính sách thuế thu nhập cá nhân của mỗi nước. Xu hướng chung được một số quốc gia thực hiện gần đây là thực hiện đơn giản hóa của biểu thuế thông qua việc giảm số bậc trong biểu thuế.
Tại khu vực châu Á, trong số các quốc gia đã được nghiên cứu, số bậc thuế dao động từ 5 - 13 bậc. Cụ thể, có 3 quốc gia áp dụng 7 bậc thuế, 2 quốc gia áp dụng 5 bậc và 2 quốc gia áp dụng 8 bậc. Đáng chú ý, Singapore là quốc gia có số bậc thuế nhiều nhất với 13 bậc.
Ở các khu vực châu Âu, Bắc Mỹ và châu Úc, phần lớn các quốc gia áp dụng từ 5 - 6 bậc thuế. Riêng Mỹ áp dụng 7 bậc, còn Albania là nước có số bậc thuế ít nhất, chỉ 2 bậc.
Tuấn Nguyễn
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/rut-gon-bieu-thue-thu-nhap-ca-nhan-tao-cong-bang-cac-nhom-thu-nhap-180637.html