Rút gọn phương thức tuyển sinh

Rút gọn phương thức tuyển sinh
19 giờ trướcBài gốc
Học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (Bình Phước) tham gia chương trình hướng nghiệp do Trường Đại học Gia Định tổ chức. Ảnh: M.Ngọc
Giảm phương thức
ThS Cù Xuân Tiến - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, theo phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2025, trường sẽ áp dụng ba phương thức tuyển sinh: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng (tối đa 20% tổng chỉ tiêu); xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM (khoảng 40 - 60% tổng chỉ tiêu); xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (khoảng 30% - 50% tổng chỉ tiêu).
Trường sử dụng 4 tổ hợp môn xét tuyển, bao gồm: Toán - Tiếng Anh - Ngữ văn; Toán - Tiếng Anh - Vật lý; Toán - Tiếng Anh - Tin học; Toán - Tiếng Anh - Giáo dục kinh tế và pháp luật. Nhà trường sẽ xem xét đưa thêm tổ hợp: Toán - Vật lý - Hóa học sau khi có quy định tuyển sinh chính thức. So với năm 2024, số lượng phương thức tuyển sinh của nhà trường năm 2025 giảm 2 phương thức.
Theo ThS Tiến, phương án tuyển sinh năm 2025 được xây dựng nhằm chọn lọc những thí sinh xuất sắc, đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp yêu cầu đào tạo của nhà trường và nhu cầu của thị trường lao động. Ông Tiến cho biết thêm, trường dự kiến công bố đề án tuyển sinh chi tiết trước tháng 2/2025. Trong trường hợp Bộ GD&ĐT và Đại học Quốc gia TPHCM ban hành quy chế tuyển sinh mới, trường sẽ điều chỉnh phương án tuyển sinh để phù hợp các quy định mới.
Trước đó, tại hội nghị tuyển sinh của Đại học Quốc gia TPHCM, đại học này “chốt” thực hiện 3 phương thức tuyển sinh chính: Xét tuyển thẳng; xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức; xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Đồng thời, Đại học Quốc gia TPHCM khuyến khích các trường thành viên xây dựng thêm phương thức xét tuyển kết hợp. Theo định hướng chung này, các trường thành viên sẽ rút gọn phương thức tuyển sinh. Cụ thể, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn dự kiến còn 3 phương thức xét tuyển (thay vì 5 phương thức như năm 2024).
Trường Đại học Bách khoa dự kiến sử dụng 2 phương thức tuyển sinh chính: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT và Đại học Quốc gia TPHCM; xét tuyển kết hợp (bao gồm đánh giá năng lực, kết quả thi tốt nghiệp THPT, học lực THPT và các yếu tố năng lực khác). Riêng đối với các chương trình chuyển tiếp, liên kết (xét 150 chỉ tiêu), trường sẽ sử dụng phương thức phỏng vấn và xét tuyển dựa trên chứng chỉ quốc tế.
Các trường thành viên khác của Đại học Quốc gia TPHCM như Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Quốc tế dự kiến sẽ áp dụng phương thức tuyển sinh đơn giản hơn.
Tại Trường Đại học Nha Trang, PGS.TS Tô Văn Phương - Trưởng phòng Đào tạo cho biết, phương hướng tuyển sinh đại học từ năm 2025 của trường có nhiều điểm mới và tinh gọn so với năm 2024. Phương hướng này được xây dựng dựa trên Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT ngày 28/11/2023 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc phê duyệt “Phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025”.
Trường Đại học Nha Trang sẽ xét tuyển theo phương thức kết hợp kết quả học tập THPT và kết quả đánh giá năng lực học tập đại học. Về kết quả học tập ở cấp THPT, thí sinh phải hoàn thành một số môn nhất định theo yêu cầu của từng ngành, chuyên ngành đào tạo của trường. Kết quả học tập ở các môn này phải đạt mức tối thiểu mà trường công bố hằng năm.
Về kết quả đánh giá năng lực học tập đại học, thí sinh phải làm bài kiểm tra năng lực, với nội dung đánh giá tập trung vào ba lĩnh vực chính: Toán (gồm Toán, suy luận logic và xử lý số liệu), Ngôn ngữ (bao gồm tiếng Việt và tiếng Anh) và Khoa học (giải quyết vấn đề). “Phương hướng này sẽ giúp học sinh học Chương trình GDPT 2018 nhận thức rõ ngành nghề mình yêu thích, từ đó biết được kiến thức, môn học cần chú trọng”, ông Phương cho hay.
Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức. Ảnh: L.N
Chú trọng đánh giá năng lực
Năm 2025, Trường Đại học Sư phạm TPHCM dự kiến không sử dụng điểm học bạ THPT để xét tuyển đại học chính quy. Trường này sẽ áp dụng 4 phương thức tuyển sinh, bao gồm: Xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT (10% chỉ tiêu); ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh lớp chuyên (10 - 20% chỉ tiêu); xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt, dự kiến áp dụng cho hơn 30 ngành (40 - 50% chỉ tiêu mỗi ngành); xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
ThS Nguyễn Ngọc Trung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM cho biết, điểm mới trong năm 2025 là nhà trường đưa kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do trường tổ chức thành phương án xét tuyển độc lập. Với phương thức này, dự kiến sử dụng điểm của 2 môn để xét tuyển mỗi ngành, trong đó một môn chính nhân hệ số 2 và một môn phụ không nhân hệ số, giúp đánh giá toàn diện năng lực học tập và sự phù hợp của thí sinh với yêu cầu của từng ngành học.
Từ năm 2025, kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm TPHCM tiếp tục được thực hiện với các bài thi Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn và Tiếng Anh với quy mô mở rộng. Kết quả này không chỉ sử dụng cho công tác tuyển sinh của Trường Đại học Sư phạm TPHCM mà được dùng cho các trường: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Công Thương TPHCM, Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ…
TS Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, việc hợp tác với Trường Đại học Sư phạm TPHCM và sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng thi cử cho thí sinh mà còn tiết kiệm nguồn lực cho các trường. Ngoài ra, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành dự kiến sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM và Đại học Quốc gia Hà Nội và áp dụng các phương thức xét tuyển khác, như xét điểm thi THPT, xét học bạ THPT và xét tuyển thẳng.
Trường Đại học Gia Định, năm 2025, dự kiến áp dụng 3 phương thức tuyển sinh chính: Xét kết quả học bạ THPT; xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025; xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2025. TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh - Truyền thông cho biết, nhà trường dự kiến dành 65% tổng chỉ tiêu tuyển sinh cho phương thức xét tuyển học bạ THPT.
“Căn cứ theo Quy chế tuyển sinh dự thảo, Trường Đại học Gia Định sẽ sử dụng kết quả học tập của các học kỳ trong 2 năm lớp 11 và 12 để xét tuyển. Đồng thời, trường sẽ áp dụng các tổ hợp mới, bám sát Chương trình GDPT 2018 nhằm đảm bảo phù hợp định hướng học tập của thí sinh”, ông Toàn cho biết.
Lê Mạnh
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/rut-gon-phuong-thuc-tuyen-sinh-post713730.html